THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:13

Tình cho không biếu không

BÀI 1: TÌNH CHO KHÔNG BIẾU KHÔNG

Sống xa nhà, thu nhập thấp, công việc bấp bênh... đó là thực trạng chung của các khu công nghiệp (KCN) hiện nay. Khoác lên mình bộ quần áo công nhân trong thời buổi khốn khó, nhiều cô gái đã không giữ được mình, sa chân vào “hố đen” cuộc đời. Nhiều nữ công nhân bởi thiếu thốn tình cảm nên lao vào những cuộc tính chóng vánh để rồi phải nếm trái đắng yêu đương. Từ những cuộc tình vội vàng ấy, nhiều người đã phải cho, thậm chí vứt đi khúc ruột của mình. Cũng có nhiều chị em bởi đồng lương không đủ trang trải cuộc sống nên bán cả nhân phẩm của mình thành gái bán dâm chuyên nghiệp. Sau nhiều ngày thâm nhập, PV Báo LĐ&XH đã tận thấy những mảng tối đáng buồn này…

Cạm bẫy tình

M., tâm sự về số phận cay đắng của mình.

Theo một khảo sát mới nhất của Sở Y tế Hà Nội về vấn đề sức khỏe sinh sản và bạo lực trên 1.120 nữ công nhân dưới 30 tuổi ở Hà Nội cho thấy: 13% nữ công nhân ở nhà máy đã từng nạo thai. Trong số họ, 31% từng nạo phá thai năm trước đó. Cũng theo khảo sát này thì số công nhân đang nhập cư và tạm cư tại 8 KCN trên địa bàn Hà Nội là hơn 100.000 công nhân, nữ chiếm 55%. 

Chiều muộn, tôi vào một quán cà phê nhỏ đối diện với KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội). Bên ngoài ô kính là những giọt mưa xuân không ngừng phảng phất. Bên trong là một điệu nhạc buồn, 3 cô nhân viên đang mang “bầu bí” với ánh mắt buồn rười rượi. Khi vãn khách, tôi lân la bắt chuyện thì mới hay rằng đằng sau mỗi cô gái là một số phận buồn. Thủy, cô gái có mái tóc vàng, trẻ nhất quán, nói giọng Hà Tĩnh đưa tay xoa bụng, buồn bã: “Đau lòng lắm! Cũng vì em dại nên mới ra nông nỗi này!”.

Thủy kể: “Em ra KCN Bắc Thăng Long này cũng được hơn 1 năm rồi. Ban đầu thì cũng làm công ty, sáng đi, tối về, ăn uống xong là ngủ đến sáng nếu không tăng ca. Rồi một lần tình cờ, em có quen với Huy, là người địa phương. Sự nhiệt tình của Huy đã làm cho em nao lòng rồi yêu và trao thân cho người yêu”.

Thủy kể, bởi yêu nên cô bỏ công ty về quán cà phê này làm theo sự sắp xếp của Huy. Cách đây không lâu, những gần gặp gỡ bạn của người yêu, Thủy mới biết rằng Huy đã có vợ nhưng không có con trai. Điều duy nhất anh ta đến với cô chỉ là kiếm một đứa con trai chứ thực lòng không yêu gì.

“Khi em biết được điều đó, em chỉ muốn chết đi cho xong, nhưng nghĩ đến đứa con trong bụng em lại không đành. Từ khi em biết chuyện đó đến giờ, quả thực em như sống trong tù ngục, chẳng hiểu mình sinh con trai thì sẽ như thế nào, còn sinh con gái thì sẽ ra sao? Không dám nghĩ đến, cũng chẳng dám đi khám thai vì sợ”, Thủy nghẹn ngào.

Hai người còn lại là Lan và Hạnh đều quê ở Thái Nguyên. Trước đây, Lan và Hạnh cũng là công nhân. Nhưng rồi, bởi lời đường mật của những gã đàn ông mà có lúc các cô tưởng đó là người mình có thể trao thân, gửi phận, mà các cô bỏ việc.

Nhưng rồi, khi đã no xôi chán chè, tình vỗ cánh bay, không còn nơi bấu víu, hai cô đành về quán cà phê này làm những mong có chốn dung thân, có tiền để sống qua ngày. Trò chuyện với tôi, Lan bảo, cô chẳng biết tương lai của mình thế nào nữa.

Về quê không được, bởi nếu về thì cũng chẳng biết sống bằng gì. “Thôi cứ sống tạm thế này anh ạ, rồi em sẽ tìm công việc mới. Mỗi người một số, cố cũng chẳng khác được đâu”, mặt buồn rười rượi, Lan chia sẻ.

“Con ong đã tỏ đường đi lối về”

Về KCN Quế Võ (Bắc Ninh), chúng tôi không khỏi xót xa khi nghe người ta kể về hoàn cảnh của cô gái Lê Thị L., sinh năm 1991, quê ở huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa).

Giữa trời đông giá buốt, người dân thôn Giang Liễu (xã Phương Liễu, huyện Quế Võ) nơi L. ở trọ, cứ thấy L. bế đứa bé đỏ hỏn sang nhà người yêu cũ với ý để lại cho gia đình họ nuôi. Nhưng rồi gia đình đó không nhận, với lý do đau đớn “chắc gì đã phải con cháu nhà tôi”. Đứa bé tội nghiệp con của L. ấy cứ bị đưa đi, đẩy lại như thế suốt một thời gian dài.

Dãy nhà trọ nơi hai mẹ con chị L ở.

“Người ta đi lấy vợ khác rồi. Có ngó ngàng gì đến mẹ con em nữa đâu”, L. rưng rưng. “Ban đầu thấy anh ấy tốt, chăm sóc em rất chu đáo. Ngày em đi làm, tối về anh ấy lại đưa đi ăn, đưa đi dạo, em nhận lời yêu nhưng hạnh phúc cũng chấm dứt luôn sau khi em dâng hiến hết. Em không tốt, họ bỏ em cũng được, đằng này đến con mình anh ấy cũng không thèm nhận”, L. chua xót.

Theo lời L. thì ngày cô sinh con, gã đàn ông kia có biết nhưng y không thèm đoái hoài. Một mình L. yếu ớt chống chọi lại hiểm nguy khi sinh con nơi phòng trọ. Hơn một tháng sau khi sinh, L. lại phải đến công ty làm nếu không sẽ mất việc. L. bảo, nếu công ty không có quy định ấy thì cô cũng vẫn phải đi làm bởi không làm thì lấy đâu ra tiền để nuôi mình, chăm con.

Cảm thông với nỗi bất hạnh của L., chủ nhà trọ nơi L. ở, đã dành gần như trọn thời gian hàng ngày để chăm sóc đứa trẻ. Mọi người trong xóm trọ quyết định mỗi tháng, mỗi phòng sẽ đóng góp dăm bảy chục nghìn giúp L., đợi bé lớn lên rồi tính.

Giống như hoàn cảnh của L., Trần Thị M., sinh năm 1987, quê ở huyện Nông Cống (Thanh Hóa) cũng có phận đời đầy nước mắt. Năm 21 tuổi, M. theo người làng vào Dĩ An (Bình Dương) làm cho một công ty thức ăn chăn nuôi.

Tết năm đó, chúng bạn về quê ăn Tết cả, chỉ có M. không về. Mỗi khi có người hỏi, bố mẹ M. lại bảo “nó làm tận trong nam, về rồi lại vào tốn kém lắm nên nó ở lại ăn Tết trong đó”. Giữa năm sau, M. về quê, trên tay là một đứa bé bế ngửa, đi bên cạnh là một người đàn ông cứng tuổi. M. tự tin “đây là chồng tương lai” mỗi khi có ai hỏi. Thế nhưng, sau đợt về quê ấy, người “chồng tương lai” đã mất mặt, một đi không trở lại.

M kể trong nước mắt: “Về quê được chừng nửa tháng, anh ấy nói với bố mẹ em là anh ấy vào lại Bình Dương, xin phép đưa ba má ra thưa chuyện cưới xin rồi cho vợ con vào Nam ở. Vô đến nơi, anh có điện ra nói là đang thu xếp thời gian vì có nhiều công chuyện. Thưa dần, một ngày, hai ngày rồi đến một tuần, hai tuần em không nhận được cuộc điện thoại nào từ nam ra nữa”.

Buồn chán, lại thêm phải kiếm tiền nuôi con, M. lại bỏ xứ ra đi và lần này cô chọn Hà Nội là điểm đến. Lên KCN Bắc Thăng Long nhưng không xin được việc, nghe bạn bè rủ rê, cô quyết định vào làm cho một tiệm masagee. Làm ở Hà Nội được một thời gian, M. rời về về Hải Phòng và rồi phiêu dạt tận Hòn Gai (Quảng Ninh).

Thân gái lang bạt lại làm nghề nhạy cảm nên cô gái nhan sắc một thuở giờ tiều tụy, héo tàn. M. bảo, tiền bo của khách chẳng còn nhiều như trước nên có tháng cô chẳng gửi về quê được đồng nào để nuôi con. Những khi ấy cô toàn phải nói dối gia đình là công ty khó khăn, không có việc nên thu nhập thấp.

Cuộc sống tại các xóm trọ khu công nghiệp.

Rũ đi cả “khối hận tình”

Ở các KCN có đông lao động nữ, theo quan sát của phóng viên tỉ lệ các phòng khám tư xuất hiện nhiều hơn ở những nơi khác. Và, đa phần khách đến phòng khám ấy là phụ nữ. Họ đến để đó để làm gì? Chỉ cần nhìn ánh mắt mệt mỏi, căng thẳng khi những cô gái ấy đến rồi vẻ mặt, dáng đi đau đớn của họ khi về thì đủ biết, họ đến để phá thai.

Còn Hoa, theo như lời giới thiệu thì quê ở Yên Bái, hiện đang làm tại một công ty may ở KCN Bắc Thăng Long. Tính Hoa sồn sồn nên chẳng giấu chuyện gì. Trò chuyện với tôi cô bỗ bã: “Giời, bỏ thai á, khu trọ em đứa nào chả thế. Có đứa còn bỏ đến 4-5 lần”. Theo như lời Hoa thì tình yêu bây giờ là dâng hiến, không yêu thì thôi, yêu thì phải hết mình, không đến được với nhau, không nuôi được thì phải bỏ, chuyện ấy chẳng có gì phải bàn, phải tính.

Theo số liệu thống kê mới nhất ở xã Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội) có trên 30.000 công nhân ở trọ, trong đó đa phần là nữ. Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ của trạm y tế xã cho biết, việc nữ công nhân đến trạm y tế để nạo hút thai đã là chuyện... bình thường.

Trước đây, bệnh nhân đến trạm chỉ lác đác nhưng khi trên địa bàn công nhân về trọ đông thì các nhân viên của trạm có ngày còn làm không hết việc. Theo vị cán bộ này thì chỉ tính riêng thời gian ngắn gần đây, trạm đã “giải quyết khối hận tình” cho hơn 50 nữ công nhân. Con số này so với các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn thì chẳng thấm vào đâu bởi mỗi lần muốn phá bỏ thai, nơi đầu tiên mà các nữ công nhân tìm đến là các cơ sở tư nhân để giữ tiếng cho mình.

(còn nữa)

VĂN NGHĨA

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh