THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 10:46

Đời sống lao động nữ tại các KCN

Nhiều trẻ em bị bỏ rơi được các trung tâm bảo trợ xã hội tiếp nhận nuôi dưỡng (ảnh minh họa)

Muốn nhận con nuôi cứ đến… khu công nghiệp!

Khi dò hỏi về nguyên do dẫn đến thực tế nhiều đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi tại KCN, chị Hà Thị P, quê ở Ninh Bình, làm việc trong một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử ở KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội), thật thà: “Chúng em là dân đồng ruộng đến đây, người nào xa nhà mà chẳng thấy cô đơn, thấy buốt lòng mỗi khi tan ca hoặc lúc ốm đau, bệnh tật? Rồi, người ta tìm đến nhau, chia sẻ cho nhau, lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, các cụ nói thế đâu có sai.

Tình yêu luôn đi cùng đòi hỏi về thể xác, hậu quả thì chỉ người phụ nữ gánh chịu. Điều kiện vật chất và định kiến xã hội khó chấp nhận một cô gái 20 tuổi vác cái bụng to tướng về làng, chưa kể đến việc người yêu đã bỏ chạy theo người khác”.

Theo lời kể của P. thì nhiều đồng nghiệp của cô đã phải nhận “trái đắng” khi yêu. Lâm vào hoàn cảnh này, nhiều nữ công nhân chỉ còn cách tìm đến các cơ sở y tế để giải quyết hậu quả, ấy là khi “mầm tình” trong bụng còn non.

Nhiều trường hợp nhùng nhằng, không bỏ thai được, đành đắng cay sinh nở. Thu nhập thấp, sống một mình đã chật vật, thiếu thốn đủ bề nên nuôi thêm con là chuyện không tưởng. Bởi thế, dù đau đớn, nhiều cô vẫn phải nuốt lệ làm cái việc mà chả người mẹ nào đành ấy là tặng, bán con cho các gia đình hiếm muộn, hay gửi con ở các trung tâm bảo trợ xã hội.Thậm chí, cùng đường, có nữ công nhân phải vứt bỏ con mình nơi đầu đường xó chợ.

Dãy trọ im ắng này từng là mái ấm của mẹ con L, khi cô bị người yêu bỏ rơi

Trong vai người đàn ông khát con, tôi lân la ở cổng các KCN để tìm hiểu thực hư. Có mặt tại KCN Phù Chẩn (Bắc Ninh), chẳng mất nhiều thời gian, tôi đã tiếp xúc được một nữ công nhân đang có nhu cầu... bán con. Cô này  tên C., 23 tuổi, hiện đang làm tại công ty F. Trò chuyện, C. cố giấu quá khứ của mình, nhưng theo điều tra của tôi, C. từng 2 lần sinh nở. Hai đứa con là kết quả của hai mối tình ngang trái.

Đứa thứ nhất, khi mới lọt lòng được vài ngày, C. đã “bán” cho một người xa lạ với cái giá 30 triệu đồng. Để dịu nỗi đau thất tình, mẫu tử chia lìa, C. lao vào cuộc tình mới.

Đắng cay hơn, kịch bản buốt lòng của mối tình trước đó lặp lại. C. sinh con một mình trong phòng trọ trước Tết có vài ngày. “Chỉ có ác thú mới bán con thôi anh ạ. Nhưng hoàn cảnh em lúc này thì đó là cách lựa chọn duy nhất”, C. nói trong nước mắt. Cô ta bảo, không ra giá cho giọt máu của mình mà chỉ cần chút tiền để bồi dưỡng sức khỏe sau khi sinh, mong sớm trở lại với công việc. Tiếp tục trong vai người đang khao khát có được mụn con, tôi đến KCN Quế Võ (Bắc Ninh).

Vừa mở lời, đã có hàng loạt ông/ bà bán nước và nam công nhân ở quanh khu vực này, mách nước: “Vợ không có con hoặc không có con trai chứ gì? Một khi đã đặt chân vào KCN thì thiếu gì cách.

Cụ thể hơn là ngắm xem, cô nào vừa mắt thì tán tỉnh, gạ gẫm, gì chứ việc giả vờ yêu một cô đâu có gì khó, đợi sau khi sinh con rồi tính, dở thì bỏ, lành mang đi. Mình phải hiểu tâm lý rằng, ở quê khó chấp nhận việc chưa có chồng mà lại có con, nhiều người làm thế rồi”.

Cũng theo lời mấy ông/ bà bán hàng nước, họ sẵn sàng đứng ra “làm mối” để tôi thỏa nguyện mong ước của mình. “Đợt gần Tết, có một cặp thanh niên người Thanh Hóa.

Họ quen nhau, dọn về góp gạo thổi cơm chung. Cô gái mang bầu, đến khi chuẩn bị sinh nở thì thằng người yêu bỏ của chạy lấy người. Con bé sinh con xong, không nuôi được phải cho người khác đấy. Ở đây chuyện này đâu có hiếm!”, vừa rót chén nước đưa cho khách là tôi, một bà bô bô kể. 

“Vứt con”

 Mấy năm nay, các nhân viên Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ xã hội Hải Dương bỗng dưng trở thành... bảo mẫu bất đắc dĩ. Họ phải nhận nuôi những đứa trẻ mà không rõ bố mẹ chúng là ai, kể từ khi trên địa bàn nở rộ các KCN.

Vừa trò chuyện, ông Bùi Trọng Hải, Phó giám đốc Trung tâm, vừa đưa chúng tôi vào thăm nơi ở của những đứa trẻ bị bỏ rơi. Có đứa mới độ một vài tháng tuổi, có đứa còn đỏ hỏn.

Những đứa trẻ này, Trung tâm vừa mới tiếp nhận trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ. Theo ông Hải, hiện Trung tâm đang nuôi dưỡng 12 đứa trẻ.

Những đứa trẻ đến từ... thùng rác

Nằm ngay cạnh các KCN lớn như Sóng Thần 1, Sóng Thần 2, Đồng An... nhiều năm nay, Trung tâm nhân đạo Quê Hương (huyện Dĩ An, Bình Dương) trở thành nơi đùm bọc, che chở cho những đứa trẻ bị bỏ rơi, đa phần là con của công nhân đang làm việc trong khu vực.

Tại trung tâm này, nhiều thời điểm có trên 300 trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng. Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Trung tâm cho biết, trong số những đứa trẻ bị bỏ rơi, có đến gần 200 trẻ từ 1-3 tuổi, rất đau đớn là đa phần chúng được nhặt về từ thùng rác, khu nhà vệ sinh, gốc cây. 

Đây là lúc vắng, khi đông có tới trên 40 trẻ được các nhân viên của Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng. Đám trẻ ấy, chỉ có số ít là được đưa đến từ các bệnh viện, còn lại đa phần là “nhặt” được ở KCN, cổng chùa và cổng Trung tâm.

“Nhiều lúc nghe thấy tiếng trẻ khóc, chạy ra mới hay người ta quẳng con từ lúc nào rồi. Đôi khi có thấy xe máy, xe ô tô nhưng họ lao vút đi trong đêm, không nhìn rõ biển số, bởi thế mà những đứa trẻ “nhặt về” lần lượt mang họ của các cán bộ trực đêm”, ông Hải kể.

Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ xã hội này rất gần với các KCN đóng trên địa bàn Hải Dương, Bắc Ninh, bởi thế, theo ông Hải nhận định, những đứa trẻ được Trung tâm “nhặt về” đa phần là con của công nhân. “Đưa con đến đây vứt là điều không khó, người ta chỉ cần lên xe, 15- 20 phút sau là có thể đặt đứa trẻ ở cửa Trung tâm rồi phóng đi. Không có nơi nào nhận thì họ đem đến đây gửi, phó thác lại, đó cũng là chuyện dễ hiểu”, ông Hải cho biết. 

Quẳng gánh lo cho… xã hội

Giống như ở Hải Dương, Trung tâm nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh Bắc Ninh hiện tại cũng nuôi 9 đứa trẻ bị bỏ rơi. Theo bà Phạm Thị Hội, Phó Giám đốc Trung tâm, đa phần những đứa trẻ này bị bỏ rơi ở khu vực trung tâm hành chính xã, cổng chùa và cổng các Cty đóng trên địa bàn.

Trẻ bị bỏ rơi, được chăm sóc tại Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ xã hội Hải Dương.

Mới nhất, theo bà Hội, là trường hợp bé trai bị vứt tại cổng Cty Mitac thuộc KCN Quế Võ. Bà Hội nhớ lại: “Hôm đó trời lạnh lắm, nếu không có việc gấp chẳng ai ra đường làm gì. Có lẽ đây là “điều kiện” tốt để người mẹ nào đó đang tâm vứt bỏ đứa trẻ mới lọt lòng. May thay, công nhân đi làm về, nghe tiếng trẻ con khóc mới lại gần và phát hiện được, chứ không đứa bé sẽ chết vì lạnh, vì đói”.

Theo bà Hội, việc nữ công nhân sinh con rồi vứt con không phải là hiếm. Có trường hợp khi nhận được thông tin bé bị bỏ rơi, các nhân viên của Trung tâm đến thì thấy trên đầu cháu bé vẫn còn dính máu tươi.

“Chỉ đến chậm ít phút là đứa trẻ ấy sẽ chết. Đón nhận cháu bé, chúng tôi phải đưa đến bệnh viện để cấp cứu ngay”, bà Hội nhớ lại.  Trò chuyện với chúng tôi, bà Hội bảo, làm nghề bảo trợ xã hội, bà từng chứng kiến nhiều sự việc đau lòng. Đó là khi phải thấy những hài nhi lành lặn được vứt trong thùng rác, bụi cây, thậm chí vứt xuống ao.

Đương nhiên, khi phát hiện được thì đã quá muộn.Nuôi dưỡng những đứa trẻ bị bỏ rơi không đơn giản, bởi ngoài việc lo cái ăn, cái mặc cho chúng, những nhân viên của các trung tâm bảo trợ phải đặc biệt quan tâm đến sức khỏe của những đứa trẻ này.

Là “sản phẩm” của những mối tình ngang trái, nên ngay từ khi nằm trong bụng mẹ, thai nhi cũng chẳng được chăm sóc, không được tiêm phòng đầy đủ như những trường hợp khác. Bởi thế, khi lọt lòng, đứa trẻ ấy thường ốm yếu, với đủ các mầm bệnh trên người.

Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ xã hội Hải Dương hiện phải cưu mang một đứa trẻ như vậy. Đứa bé này Trung tâm “lượm được” khi còn đỏ hỏn, giờ đã được 21 tháng tuổi. Tuy nhiên, cháu đang phải cấp cứu tại Bệnh viện huyết học TW. Và, đau buồn, theo nhận định của các bác sĩ, bé khó mà qua khỏi bởi bệnh hiểm nghèo đã ủ trong mình từ khi còn nằm trong bụng mẹ. “Chúng tôi đã và sẽ làm mọi cách để cứu cháu, nhưng nhiều khi cũng phải trông chờ vào số phận thôi”, một cán bộ trung tâm buồn bã nói.

Xử lý thế nào với những người mẹ vứt con?

Điều 94 Bộ luật Hình sự quy định về “Tội giết con mới đẻ”: Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con mới đẻ, hoặc vứt bỏ đứa trẻ đó dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Trường hợp vứt bỏ con mới đẻ chưa đến mức bị xử lý hình sự theo Điều 94 Bộ luật Hình sự thì cũng có thể bị xử phạt hành chính. Theo Nghị định 91/2011/NĐ-CP ngày 17/10/2011 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, việc người mẹ sau khi sinh bỏ con không chăm sóc thì có thể bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng.

VĂN NGHĨA (Còn nữa)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh