CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:17

Không được tuyển dụng chỉ vì là dân “rau má”, “cá gỗ”

Bài 2: “Sóng ngầm” kỳ thị

 Tờ rơi mạo danh gây sốc

Thời gian qua, dư luận, đặc biệt là người dân 3 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh vô cùng bức xúc khi trên một số trang mạng lan truyền tờ rơi tuyển dụng được cho là của Trường trung cấp Asean (ghi rõ trụ sở tại P169, Nguyễn Ngọc Vũ), với nội dung: Tuyển nhân viên văn phòng cả nam và nữ, sinh từ 1988 đến 1991, tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học công nghệ thông tin.

Công việc sau khi tuyển dụng là trực văn phòng, quản trị mạng hoặc tư vấn tuyển sinh, mức lương là 3 triệu đồng/ tháng. Tờ rơi tuyển dụng này cũng chẳng có gì đáng nói, nếu ở ngay phần đầu không ghi dòng  “không lấy lao động Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh”.

Sau khi thông tin về tờ rơi bất thường được lan truyền, rất nhiều người tỏ thái độ bức xúc, cho đây là hành động khinh miệt, coi thường, xúc phạm người dân 3 tỉnh trên. Và, nhiều người còn cho rằng, trường trung cấp trên đã tự làm xấu đi hình ảnh của mình. Để làm rõ sự việc, phóng viên Báo LĐ&XH đã tìm đến địa chỉ trên.

Tuy nhiên, đây không phải là trụ sở của Trường Trung cấp Asean, mà chỉ là cửa hàng bán quần áo, phía trên được một công ty thuê làm văn phòng. Theo quan sát của phóng viên, tại địa chỉ này cũng tuyệt nhiên không có biển hiệu của trường như ghi trong tờ rơi. Bấm hai số máy điện thoại ghi trên tờ rơi, cả hai đều trong tình trạng “không liên lạc được”.

Trao đổi với phóng viên, ông  Bùi Văn Sinh, Hiệu trưởng Trường trung cấp Asean, cho biết: “Thông tin trên là sai sự thật, nhà trường không có bất cứ một thông báo nào như vậy!”. Ông Sinh khẳng định, tờ rơi trên mạo danh nhà trường với dụng ý xấu. Tên cán bộ nhân sự, địa chỉ, số điện thoại cũng đều không đúng, không có. Và đương nhiên, nhà trường cũng không bao giờ có chủ trương tuyển dụng kiểu phân biệt vùng, miền như trên.

 Khó “bắt tận tay”

Tờ rơi gây sốc trên thực chất của đơn vị nào, đến giờ vẫn chưa ai rõ. Song, sự xuất hiện của nó cũng tái khẳng định rằng, chuyện phân biệt, kỳ thị lao động: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh không chỉ diễn ra ở phía Nam. Tuy không quyết liệt, rầm rộ, nhưng thực tế, ở một số địa phương ngoài Bắc, việc kỳ thị lao động 3 tỉnh trên là có và thực tế này đã diễn ra từ nhiều năm trước.

Khi thực hiện bài viết này, phóng viên LĐ&XH nhận được phản ánh của chị Lương Thị Tâm (quê ở huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Ngay sau Tết Giáp Ngọ, nghe tin Phòng nhân sự- Cty điện máy B (địa chỉ tại huyện Từ Liêm, Hà Nội) đăng tuyển số lượng lớn lao động làm việc tại các siêu thị, chị đã nộp đơn tham gia ứng tuyển. Theo chị Tâm, mọi tiêu chuẩn phía Cty đưa ra chị đều đáp ứng đầy đủ, nhưng không hiểu sao chị vẫn bị loại.

Thắc mắc thì chị được nhà tuyển dụng trả lời qua quýt, khi tìm hiểu kỹ, hóa ra bởi chị gốc “hoa thanh quế” (quê Thanh Hóa, tiếng lóng). Theo phản ánh của chị Tâm, không chỉ riêng chị bị từ chối, mà nhiều lao động ở 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh cũng chung cảnh ngộ. Xác minh sự việc, phóng viên Báo LĐ&XH đã liên hệ với đại diện Cty trên và nhận được lời khẳng định “phản ánh không có cơ sở”. Dẫn giải từ phía Cty cho biết, họ không hề có hành vi phân biệt đối xử với lao động 3 tỉnh trên, và thực tế, trong đội ngũ nhân sự của Cty cũng có rất nhiều người quê quán từ 3 tỉnh này.

Rớt ngay từ...  “vòng gửi xe”

Tại các Cty, doanh nghiệp ở các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) phía Nam, theo tìm hiểu của phóng viên Báo LĐ&XH, việc kỳ thị lao động 3 tỉnh Thanh- Nghệ- Tĩnh không còn công khai như trước. Tuy nhiên, trên thực tế, các Cty, DN vẫn “tẩy chay” hoặc hạn chế tuyển lao động nam có xuất thân từ các tỉnh này như một luật lệ bất thành văn.

Khi làm hồ sơ xin việc, người lao động nào cũng mong được doanh nghiệp tuyển dụng.

Trong vai người tìm việc, chúng tôi đã tìm hiểu thực trạng này quanh các KCX Linh Trung (TP. Hồ Chí Minh) và KCN Nhơn Trạch (Đồng Nai)... Theo đó, cứ gặp thông tin tuyển dụng lao động là chúng tôi lại ghé vào DN, hỏi xin nộp hồ sơ, nhưng đều nhận được cái lắc đầu thản nhiên từ nhân viên bảo vệ. Tại KCX Linh Trung II (quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh), nhóm phóng viên cầm hồ sơ trong tay, đến “chốt” bảo vệ của Cty TNHH F. xin nộp, tức thì một nhân viên đưa ra câu hỏi cộc lốc: “Người tỉnh nào?”. “Dạ, em Thanh Hóa”, chúng tôi nhanh nhảu trả lời.

Tuy nhiên, người bảo vệ này đã dội ngay một gáo nước lạnh: “Anh mày Hà Tĩnh, trầy chật và qua nhiều “mối lái” mới được “chân” bảo vệ. Chú mày Thanh Hóa thì sao có “cửa”...?”.

Vẫn trong vai một người Thanh Hóa đi xin việc, chúng tôi đến Văn phòng Dịch vụ việc làm tại KCX Linh Trung (thuộc Trung tâm Dịch vụ việc làm và hỗ trợ DN các KCX&CN TP. Hồ Chí Minh). Tại đây, khi đưa hồ sơ cho nhân viên văn phòng, chúng tôi được tư vấn: Hiện có DN tuyển công nhân nam nhưng chỉ tuyển người ở các tỉnh miền Tây.

Ngay lúc đó, đưa hồ sơ cùng lúc với chúng tôi là một nam thanh niên quê tỉnh Kiên Giang, được nhân viên này nhận hồ sơ và hẹn lịch phỏng vấn... Rời KCX Linh Trung, chúng tôi tiếp tục hành trình xin việc tại các KCN ở tỉnh Đồng Nai, nhưng đều nhận được những câu từ chối khéo của nhân viên bảo vệ các Cty, DN, sau khi họ biết chúng tôi là người gốc Thanh Hóa.

Trong quá trình tìm hiểu thực trạng kỳ thị lao động các tỉnh miền Trung để viết bài, chúng tôi nhận thấy, ngay từ  “chốt” bảo vệ của các Cty, DN, người lao động Thanh Hóa- Nghệ An- Hà Tĩnh đã bị loại hồ sơ, từ chối tuyển dụng. Có nhiều Cty, DN ghi rõ trên biển tuyển dụng là nộp hồ sơ qua bảo vệ, hoặc do bảo vệ trực tiếp phỏng vấn...

Minh chứng cho điều này, chúng tôi liên hệ với một số giám đốc của các Cty dịch vụ và cung cấp bảo vệ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh. Anh Tấn- quản lý Cty TNHH Dịch vụ bảo vệ Á Châu, xác nhận, hiện một số đối tác là các Cty, DN mà công ty đang có hợp đồng bảo vệ vẫn còn xảy ra tình trạng này.

Thời gian trước, do báo chí phản ánh quá nhiều, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của các Cty, DN nên các đơn vị không còn treo, dán thông tin tẩy chay tuyển dụng người lao động quê Thanh Hóa- Nghệ An- Hà Tĩnh một cách lộ liễu, công khai nữa.

Tuy nhiên, hầu hết các nhân viên bảo vệ ở các Cty, DN đều được phổ biến, ngầm hiểu là ngoài việc bảo vệ đơn vị thì họ còn phải “kiêm” luôn việc loại hồ sơ của lao động có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh trên, nhất là lao động nam.

Ông Nguyễn Kim Long, nhân viên thị trường của Cty TNHH Dịch vụ bảo vệ T. (trụ sở tại quận 12, TP. Hồ Chí Minh)- người có thâm niên hơn 10 năm làm việc qua các Cty, cho biết, đến ngay cả nhân viên bảo vệ của Cty là người gốc Thanh Hóa – Nghệ An- Hà Tĩnh, khi được đưa đến để làm nhiệm vụ cũng bị một số Cty, DN từ chối.

Theo tìm hiểu của phóng viên, rất khó có thể “bắt tận tay, day tận trán” các cơ quan, DN tỏ thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử với lao động vùng Thanh- Nghệ- Tĩnh, bởi các DN có cả trăm lý do để từ chối, khước từ khi nhận hồ sơ xét tuyển. Với thực trạng đáng lên án này, chỉ những lao động ở 3 địa phương trên “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”.

Không thể can thiệp

 Trao đổi với phóng viên Báo LĐ&XH về tình trạng kỳ thị lao động vùng Thanh- Nghệ- Tĩnh, ông Bùi Văn Kiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương, cho biết, việc tuyển dụng, chọn lựa lao động là quyền của DN, Trung tâm không thể can thiệp, mà dù có can thiệp thì DN vẫn có 1001 lý do để không tuyển dụng.

Theo quan điểm của ông Bùi Văn Kiêu, nếu dư luận cứ cho rằng việc không nhận lao động Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh vào làm việc là trái luật, vô hình chung họ đã chạm vào “lòng tự ái” DN. Chẳng hạn, khi DN đăng tin tuyển dụng có quy định không tuyển lao động 3 tỉnh này, thì đó chính là sự phân biệt đối xử, điều này bị pháp luật cấm.

Nhưng họ phân biệt đối xử ngầm, không công khai, cứ nhận hồ sơ và loại hồ sơ ngay từ vòng đầu đối với người dân 3 tỉnh trên, các cơ quan chức năng khó có thể can thiệp. Vì vậy, trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH Bình Dương đã phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để làm đẹp thêm hình ảnh lao động 3 địa phương này.


 (Còn nữa)

P. Tuấn - Lê Hoàng - G. Thanh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh