Khởi động về nghiên cứu so sánh luật pháp và các chính sách liên quan tới quản lý lao động di cư trong ASEAN
- Bài thuốc hay
- 17:14 - 09/11/2019
Tại hội thảo, các thành viên tham gia đã thảo luận về thách thức trong chính sách và quy định của từng quốc gia, các khuôn khổ ASEAN liên quan đến di chuyển lao động cũng như các cơ hội để quản lý tốt hơn việc di chuyển lao động trong ASEAN.
Nghiên cứu so sánh trên thuộc Kế hoạch hành động SLOM-WG giai đoạn 2016-2020 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam chủ trì với sự hỗ trợ của Cơ quan đối thoại EU-ASEAN (E-READI) và Ban Thư ký ASEAN. Nghiên cứu sẽ chỉ ra những rào cản đối với việc di chuyển của lao động di cư trong khu vực ASEAN và đưa ra các chiến lược để dần vượt qua những rào cản này. Tất cả các mức độ về kỹ năng và công việc, bao gồm cả những ngành thuộc 8 (tám) Thỏa thuận công nhận lẫn nhau của ASEAN (MRA) sẽ được đề cập trong nghiên cứu so sánh, bao gồm việc đưa ra các hành động thúc đẩy.
Đặc biệt, trong khuôn khổ hội thảo, các nhà hoạch định chính sách của các quốc gia thành viên ASEAN đã cung cấp phản hồi về các mục tiêu, phương pháp, đề cương và hướng nghiên cứu. Nghiên cứu so sánh cũng sẽ xem xét kinh nghiệm và thực tiễn của Liên minh châu Âu (EU) trong việc quản lý di cư lao động. Quản trị di chuyển lao động của EU đã tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế và xã hội của cả các quốc gia tiếp nhận và phái cử, đóng góp cho sự phát triển khu vực.
Lao động di cư ASEAN di chuyển rất lớn. Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế, đã có gần 7 triệu lao động di cư ASEAN trong khu vực giai đoạn 1990-2015 và con số này đã tăng lên đáng kể cho đến nay.
Lao động di cư đã có những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế các quốc gia thành viên ASEAN nói riêng và Cộng đồng ASEAN nói chung. Do vậy, kết quả của nghiên cứu so sánh này dự kiến sẽ đưa ra chỉ dẫn hữu ích cho ASEAN trong việc quản lý di chuyển lao động di cư phù hợp với Đồng thuận ASEAN về Bảo vệ và Thúc đẩy Quyền của lao động di cư được ký kết bởi các Nhà Lãnh đạo ASEAN năm 2017.