CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:05

Thanh Hóa: Đẩy mạnh thực hiện các chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động

Sau 10 năm thực hiện, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã dần khẳng định được vai trò là công cụ quản trị thị trường lao động, góp phần hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm, đào tạo, đào tạo lại tay nghề trong thời gian thất nghiệp để người lao động sớm tìm được việc làm mới và bù đắp một phần thu nhập cho lao động khi thất nghiệp. 

Thanh Hóa: Đẩy mạnh thực hiện các chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động
 - Ảnh 1.

Lao động đến làm các thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Thanh Hóa

Nếu như trước đây nhiều lao động ở Thanh Hóa lựa chọn thị trường làm việc tại các khu công nghiệp tại Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh… thì những năm gần đây một số lượng lớn lao động đã trở về tìm việc làm tại các công ty, doanh nghiệp trong tỉnh. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khó khăn đã thu hẹp quy mô sản xuất, giảm lao động nên số lượng người đến Trung tâm Dịch vụ việc làm nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp ngày càng tăng theo từng năm.

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết, sau 10 năm thực hiện bảo bảo hiểm thất nghiệp, đến nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 298.154 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 20,1% lực lượng lao động trong độ tuổi; tất cả người thất nghiệp đến Trung tâm dịch vụ việc làm đều được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; có 111.022 lượt người hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ học nghề cho 366 người… Số người được tư vấn, giới thiệu việc làm ngày càng tăng theo từng năm và chiếm tỷ lệ khá cao so với số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Thanh Hóa: Đẩy mạnh thực hiện các chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động
 - Ảnh 3.

Lao động đến làm các thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Thanh Hóa

Riêng từ 1/1/2010 đến hết tháng 5/2019, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Thanh Hóa đã tiếp nhận hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 105.272 người; thẩm định hồ sơ và ra quyết định hưởng cho 102.664 người; số người đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm 100.265 người... Số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp hơn 753.8 tỷ đồng. 100% hồ sơ được giải quyết đúng hạn, trả kết quả cho người lao động theo giấy hẹn trả trong thời hạn quy định. 

Thống kê việc giải quyết chế độ về bảo hiểm thất nghiệp thì số lượng người lao động đề nghị hưởng chính sách có xu hướng ngày càng tăng. Tỷ lệ lao động nữ mất việc làm hưởng trợ cấp thất nghiệp nhiều hơn lao động nam (chiếm tỷ lệ 69,8%); Nhóm tuổi 24-40 tuổi mất việc làm hưởng trợ cấp thất nghiệp chiếm tới 64,9%. Số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp năm 2018 tăng 108% so với năm 2017 và gấp 10 lần so với năm 2010. 

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thanh Hóa đã tiếp nhận 302 hồ sơ đề nghị được hỗ trợ học nghề của người lao động, trong đó quyết định hỗ trợ học nghề cho 298  lao động ( giai đoạn từ 2010 đến 2016: 86 trường hợp, năm 2017: 99 trường hợp, năm 2018: 113 trường hợp); qua đánh giá tỷ lệ người lao động có nhu cầu, nguyện vọng được hỗ trợ học nghề còn thấp…

Trong khi đó, sàn giao dịch việc làm của tỉnh Thanh Hóa đã hoạt động hiệu quả, là kênh thông tin chính thống được người lao động và các doanh nghiệp quan tâm, kết nối thông tin cung cầu trên địa bàn tỉnh, với tần suất từ 35-40 phiên giao dịch việc làm hàng năm; ngoài ra Trung tâm Dịch vụ Việc làm Thanh Hóa còn tích cực tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động, các phiên giao dịch việc làm chuyên đề, online để kết nối thông tin việc làm trong và ngoài tỉnh, cung cấp thông tin thị trường lao động tới các vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của tỉnh để người lao động có thông tin, kết nối cung cầu góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo theo chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đã đề ra.

Nhằm giúp người lao động thuận tiện trong việc nộp hồ sơ hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp ngoài việc tổ chức tư vấn trực tiếp cho người lao động, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Thanh Hóa còn phối hợp với một số địa phương trong tỉnh đặt 6 văn phòng đại diện tổ chức tiếp nhận hồ sơ đăng ký, hưởng trợ cấp thất nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động. Đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng, việc làm trống của doanh nghiệp để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người thất nghiệp. Mở rộng các hình thức hỗ trợ đào tạo nghề, liên kết với các cơ sở dạy nghề có uy tín và chất lượng tổ chức hỗ trợ học nghề cho người lao động; tư vấn cho lao động thất nghiệp đủ điều kiện, sức khỏe, học vấn tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, giúp họ nhanh chóng tìm được việc làm, nâng cao thu nhập. 

Đặc biệt, Trung tâm đã cải cách thủ tục hành chính, thực hiện mô hình một cửa liên thông trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp thông qua ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch, nhờ đó đã nâng cao tính chính xác, kịp thời trong giải quyết hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm phương châm 3 đúng: đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn. Người lao động đã giảm thiểu thời gian đi lại, giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, thủ tục đơn giản, linh hoạt, giải quyết nhanh chóng mọi nhu cầu hợp lý của người lao động, được  người lao động ghi nhận và đánh giá cao.

Ông Lê Đăng Thanh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Qua 10 năm triển khai thực hiện, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã đạt được những thành công nhất định, cũng như tác dụng tích cực về mặt kinh tế xã hội. Với những kết quả đáng khích lệ, được người lao động và người sử dụng lao động đón nhận một cách tích cực và được dư luận xã hội đánh giá cao. Bảo hiểm thất nghiệp đã hỗ trợ khó khăn về kinh tế khi người lao động bị thất nghiệp, đồng thời hỗ trợ người lao động bị thất nghiệp được học nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, từ đó góp phần ổn định, phát triển kinh tế và công bằng xã hội. Mô hình tổ chức hoạt động dịch vụ việc làm gắn với mô hình đề xuất của Cục Việc làm đã giải quyết chế độ chính sách về bảo hiểm thất nghiệp một cách nhanh chóng kịp thời cả cho người thực hiện và cho người lao động. Mô hình đã mang lại những hiệu quả thiết thực giúp khai thác một cách chính xác các thông tin của người lao động, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động, từ đó có hướng tư vấn cho họ một cách hợp lý, phù hợp. Giúp người lao động nhanh chóng tìm được việc làm, quay trở lại thị trường lao động, giảm tỷ lệ đói nghèo, thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng như trên cả nước. Người lao động đến liên hệ thực hiện các thủ tục về bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời còn được phổ biến chính sách pháp luật, các thông tin hướng dẫn doanh nghiệp và người lao động thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật…" – ông Thanh nói.

MỘC MIÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh