THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:13

Cảnh báo của ILO đến lao động di cư bất hợp pháp

Những cảnh báo của ILO đến lao đông di cư bất hợp pháp - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam kêu gọi tăng cường nỗ lực đảm bảo di cư lao động an toàn, có trật tự, hợp thức và dễ dàng. ILO một lần nữa khẳng định cam kết hỗ trợ việc quản trị vấn đề lao động di cư dựa trên quyền. 

"Trên nguyên tắc hợp tác, di cư lao động có thể là động lực phát triển tích cực và giảm thiểu những nguy cơ ảnh hưởng tới an toàn của người lao động di cư", Giám đốc ILO Việt Nam, Chang-Hee Lee cho biết. "Khi quyền của lao động di cư được tôn trọng và hành trình di cư của họ được an toàn, bản thân họ, gia đình và cả xã hội có thể được hưởng lợi từ nguồn kiều hối gửi về cũng như nâng cao được kỹ năng tay nghề."

Việt Nam gần đây ghi nhận số lượng người dân ra nước ngoài làm việc gia tăng. Riêng trong năm 2019, hơn 142.000 người lao động đã xuất cảnh (trong đó, khoảng 50.000 người là nữ) đi làm việc theo hợp đồng. Theo ước tính của Chính phủ, người lao động di cư gửi về nhà 2,5 - 3 tỷ USD mỗi năm. Ngoài ra, các báo cáo cũng cho thấy sự gia tăng đối với luồng di cư không hợp thức sang các nước trong khu vực và châu Âu.

Di cư lao động không hợp pháp đề cập tới hiện tượng người dân di chuyển ngoài khuôn khổ pháp luật, quy định hoặc các hiệp định quốc tế liên quan tới việc nhập cảnh và xuất cảnh từ quốc gia xuất phát, quốc gia trung chuyển hoặc quốc gia điểm đến.

"Di cư lao động không qua các kênh hợp thức khiến người lao động di cư có nguy cơ bị bóc lột lao động, hạn chế khả năng tiếp cận hỗ trợ và công lý khi ở nước ngoài", người đứng đầu ILO Việt Nam chia sẻ.

ILO nhấn mạnh việc tăng cường các kênh di cư hợp thức thông qua giảm chi phí và đơn giản hóa các quy trình phức tạp để từ đó tăng số lượng lao động đi qua các kênh này. ILO duy trì nguyên tắc được thông qua tại Công ước các tổ chức dịch vụ việc làm tư nhân năm 1997 (Công ước số 181) và Nghị định thư năm 2014 liên quan đến Công ước lao động cưỡng bức năm 1930 (Công ước số 29) rằng, người lao động, đặc biệt là lao động di cư phải được bảo vệ khỏi sự lạm dụng và hoạt động tuyển dụng phi pháp. Nợ nần khi di cư sẽ làm tăng nguy cơ rủi ro bị mua bán và cưỡng bức lao động. Lao động di cư do vậy cần phải được đảm bảo rằng họ không phải trả bất kỳ phí hoặc chi phí tuyển dụng nào.

Một nghiên cứu gần đây của ILO và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho thấy, người lao động có rất ít khả năng kiểm soát sự thành công hay thất bại trong quá trình di cư, cho dù quyết định lựa chọn di cư của họ là theo kênh nào. Xét ở phương diện lớn hơn, tăng cường kết quả tích cực từ quá trình di cư đòi hỏi sự thay đổi về chính sách và thực tiễn từ những người có trách nhiệm - các chính phủ, người sử dụng lao động, các đơn vị tuyển dụng - hơn là hành vi của người lao động di cư.

Khuyến nghị

Chính phủ Việt Nam hiện đang xem xét sửa đổi pháp luật liên quan đến việc quản trị lao động di cư ra nước ngoài. Đây chính là cơ hội quan trọng để cải thiện khung pháp lý về di cư lao động và giúp các kênh di cư hợp thức trở nên hấp dẫn hơn đối với người dân.

ILO kêu gọi các chính phủ tăng cường nỗ lực để hỗ trợ người lao động di cư thông qua các biện pháp: 

Thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia phái cử, trung chuyển và tiếp nhận để tăng cường và đảm bảo những lựa chọn di cư hợp thức, đặc biệt là đối với lao động nữ, nhằm đảm bảo nhu cầu về việc làm thỏa đáng. 

Phát triển các kênh di cư hợp thức ít tốn kém tiền của, thời gian và ít phức tạp hơn. Mặc dù di cư hợp thức có thể tăng khả năng đạt được kết quả tích cực và tạo ra lợi nhuận nhưng lợi ích bị giảm đi rất nhiều bởi chi phí di cư hợp thức hiện quá cao và quy trình mất nhiều thời gian, khiến người dân có ý định di cư lựa chọn những con đường dễ tiếp cận hơn, bao gồm cả thông qua môi giới. 

Chuyển chi phí tuyển dụng từ người lao động sang người sử dụng lao động. Số tiền lớn mà người lao động di cư vay nợ để trả phí tuyển dụng làm giảm thu nhập từ di cư và thậm chí khiến người di cư có nguy cơ bị mất nhà ở và đất đai. Tại kỳ họp Hội đồng Quản trị 2019, ILO đã định nghĩa "phí tuyển dụng" và"các chi phí liên quan khác" là các khoản phí hoặc chi phí nảy sinh trong quá trình tuyển dụng để người lao động có được việc làm, bất kể phương thức, thời gian hoặc địa điểm nộp hoặc thu các khoản đó. Theo Các Nguyên tắc chung và hướng dẫn thực hiện tuyển dụng công bằng của ILO, người lao động hoặc người tìm việc không phải gánh bất kỳ phí tuyển dụng hoặc chi phí liên quan nào. 

Mở rộng tiếp cận pháp lý cho người lao động di cư, đặc biệc là lao động nữ vốn thường gặp nhiều khó khăn hơn nam giới, tại quê hương và ở nước ngoài. Khả năng người lao động di cư tiếp cận các cơ chế khiếu nại khi bị lạm dụng trong quá trình tuyển dụng và làm việc là yếu tố quan trọng để đảm bảo có các biện pháp khắc phục công bằng và đáp ứng yêu cầu. Đào tạo kỹ năng nghề phù hợp với yêu cầu của người sử dụng lao động mà không tạo thêm gánh nặng về thời gian và tài chính đối với người lao động di cư. Điều này có lợi cho cả người sử dụng lao động và người di cư, góp phần tăng năng suất lao động, cải thiện tiền lương và điều kiện làm việc. Mở rộng dịch vụ cho người lao động di cư và gia đình để hỗ trợ họ khi về nước và tái hòa nhập cộng đồng – nhằm đảm bảo rằng người lao động di cư có thể tái hòa nhập thành công cả về phương diện xã hội và kinh tế, không gặp khó khi tìm việc làm khi trở lại Việt Nam.

PHƯƠNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh