THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:38

Chuẩn bị các điều kiện cho Diễn đàn lao động di cư ASEAN lần thứ 12

 

Ông Jared Brading – Tham tán Phát triển, Đại sứ quán Canada; Ông Nguyễn Mạnh Cường – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH); bà Valentina Barcucci, Phó Giám đốc ILO tại Hà Nội chủ trì cuộc họp

 

Lao động di cư tìm kiếm việc làm ngày càng gia tăng 

Tham dự cuộc họp có đông đảo các chuyên gia trong và ngoài nước: Tham tán phát triển, Đại sứ quán Canada Jared Brading; Phó Giám đốc ILO Hà Nội Valentina Barcucci; Bà Anna Olsen Dự án Triangle (ILO ASEAN) và đại diện của Bộ LĐ-TB&XH; Tổng Liên đoàn LĐVN; Hiệp hội XKLĐ Hà Nội…

Mục tiêu của cuộc họp nhằm rà soát các hoạt động cấp quốc gia trong việc triển khai khuyến nghị của các diễn đàn AFML trước đây, đặc biệt là Diễn đàn lần thứ 11 năm 2018. Đồng thời, thảo luận các chủ đề và đề xuất các khuyến nghị của Việt Nam làm cơ sở cùng các quốc gia thành viên khác đưa ra các khuyến nghị khu vực tại Diễn đàn AFML lần thứ 12 sắp tới tại Thái Lan.

Tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Mạnh Cường cho biết, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, lao động di cư là một phần không thể tách rời giữa các nền kinh tế. Người lao động di cư đã và đang đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế, và phát triển bền vững của các nước phái cử và nước tiếp nhận.

 

Ông Nguyễn Mạnh Cường – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế chia sẻ về: Tổng quan tiến trình AFML tại cấp khu vực và cấp quốc gia.

 

Nhận thấy vai trò của di cư, các nước thành viên ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng ngày càng quan tâm đến bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động di cư và gia đình của họ, vì thế, Diễn đàn AFML là một hoạt động thường niên được tổ chức tại nước chủ nhà ASEAN, trong khuôn khổ hoạt động của Ủy ban ASEAN thực hiện Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư.

Theo đó, “những khuyến nghị và giải pháp nhằm thúc đẩy quyền của người lao động di cư được đề xuất tại các diễn đàn này sẽ tạo cơ sở xây dựng và thực hiện các hoạt động tại cấp quốc gia và khu vực”, ông Cường nhấn mạnh.

Cho biết trong ASEAN, tương lai việc làm có xu hướng đặc trưng là tăng tính quốc tế hóa và di chuyển của lao động, ông Cường cho rằng, các xu hướng trong thị trường lao động hiện nay cho thấy số lượng người lao động di cư tìm kiếm việc làm trong và ngoài ASEAN đang ngày càng gia tăng.

Ước tính có khoảng 20,2 triệu người di cư từ các nước thành viên ASEAN, trong đó gần 6,9 triệu người di cư nội khối. Số lượng người di cư đến các nước thành viên ASEAN cũng gia tăng nhanh chóng, từ đó đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế của cả các nước tiếp nhận và phái cử.

Công nhận tầm quan trọng của tương lai việc làm và di cư, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH) cho hay, chính phủ và các tổ chức quốc tế đang xem xét các tác động và thách thức của thế giới việc làm đang thay đổi và vai trò của di cư. Một số nỗ lực đã được thực hiện để giải quyết các thách thức này như Ủy ban toàn cầu ILO về Tương lai việc làm, Hiệp định quốc tế về di cư an toàn, có trật tự và hợp pháp (GCM) và Tuyên bố chung của các Bộ trưởng ASEAN về tương lai việc làm tháng 4/2019.


Các chuyên gia tập trung thảo luận các vấn đề về nâng cao áp dụng số hóa, thúc đẩy việc làm bền vững cho lao động di cư, bảo đảm điều kiện làm việc

 

Đào tạo kỹ năng cho người lao động di cư

Thời đại công nghệ số, đã khiến thế giới việc làm đang thay đổi. “Tại Việt Nam, những động lực của sự thay đổi đang có những tác động đặc biệt rõ ràng tới các xu hướng thị trường lao động”, bà Valentina Barcucci, Phó Giám đốc ILO Hà Nội nhận định.

Nhấn mạnh di cư lao động sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong các thị trường lao động, bà Valentina Barcucci cho rằng, điều quan trọng, chúng ta không được quên người lao động di cư khi chúng ta nỗ lực đạt được các chương trình nghị sự lấy con người làm trung tâm.

Để làm được điều này, theo bà ILO, phải đầu tư vào năng lực của người lao động di cư, bao gồm tiếp cận với việc học tập các kỹ năng và công nhận những kỹ năng đó; đầu tư vào các thể chế có thể mang lại lợi ích từ công việc của người di cư và đảm bảo các thể chế này cung cấp mức lương sống đầy đủ, nơi làm việc an toàn…

“Tương lai việc làm có thể gồm những cơ hội và công việc tốt hơn nhưng các chính phủ, tổ chức người sử dụng lao động và người lao động, các tổ chức phi chính phủ và tổ chức quốc tế phải phối hợp với nhau để bảo đảm rằng các thị trường lao động trở nên bao trùm hơn và bảo vệ quyền của tất cả người lao động, đặc biệt là lao động di cư”, bà Valentina Barcucci nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến cơ hội việc làm, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích của lao động di cư, bà Ánh Hằng, Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) thông tin, hệ thống cơ sở dữ liệu về người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ngày càng được hoàn thiện, cung cấp các thông tin cập nhật và chính xác về nguồn lực lao động; thiết lập mối quan hệ giữa cung và cầu lao động thị trường ngoài nước…

Dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu về người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài” hướng mục tiêu triển khai áp dụng một hệ thống tổng thể, đồng bộ và thống nhất cho công tác quản lý về người lao động Việt Nam ở nước ngoài.  

Trong tương lai, hệ thống CSDL về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có thể mở rộng, tiến tới mục tiêu cung cấp mã số cho người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài, đồng bộ hóa với hệ thống cơ sở dữ liệu về mã số an sinh xã hội của Bộ hoặc hệ thống mã số “công dân điện tử”.

 

Các đại biểu tham dự Cuộc họp quốc gia chuẩn bị cho Diễn đàn lao động di cư ASEAN lần thứ 12 (AFML). 

 

Tại Cuộc họp, các chuyên gia tập trung thảo luận các vấn đề: nâng cao áp dụng số hóa, thúc đẩy việc làm bền vững cho lao động di cư, bảo đảm điều kiện làm việc… Cuộc họp tạo cơ hội để các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận, đưa ra các sáng kiến góp phần xây dựng khuyến nghị chung của khu vực. Các khuyến nghị tại cuộc họp này, cho phép các đại biểu Việt Nam sẽ phản ánh tiếng nói chung tại Diễn đàn khu vực AFML lần thứ 12.

 

Diễn đàn AFML lần thứ 12 sẽ được tổ chức tại Băng Cốc (Thái Lan) từ ngày 26- 27/9/2019 với chủ đề “Tương lai việc làm và di cư”. Diễn đàn tập trung vào 2 chủ đề chính gồm: Các thách thức về bảo vệ bền vững, công bằng và bình đẳng; Các cách thức về Việc làm cho người lao động di cư.

Thanh Nhung - (Ảnh: Quý Đức - Thế Thảo Tuấn)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh