Khởi công dự án bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan
- Văn hóa - Giải trí
- 15:28 - 19/12/2021
Theo đó, dự án bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan được xây dựng tại đỉnh đèo Hải Vân, giữa thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng với diện tích khoảng 6.500m2.
Chủ đầu tư dự án là Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Trong khi đó Sở Văn hoá và Thể thao TP Đà Nẵng là đơn vị đại diện phối hợp điều hành thực hiện. Tổng mức đầu tư dự án hơn 42 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP Đà Nẵng 50% và ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế 50%. Thời gian thực hiện dự án trong vòng 2 năm.
Mục tiêu đầu tư xây dựng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia; góp phần phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng.
Các hạng mục được bảo tồn tu bổ, phục hồi, gồm: Hải Vân Quan và Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan; Hệ thống tường thành nhà Nguyễn; Nhà Trú Sở, nhà Vũ Khố; Tuyến bậc cấp từ Hải Vân Quan xuống phía thành phố Đà Nẵng; Tuyến đường Thiên Lý từ Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan đi tỉnh Thừa Thiên Huế; Sân đường giữa Hải Vân Quan và Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan; Kè phân thủy và chống sạt, chống trượt hướng Đông Bắc di tích; các lô cốt; Bia Chiến Thắng Đồn Nhất; Đường dạo; Tuyến đường lên trạm Viba.
Theo tài liệu lịch sử, di tích Hải Vân Quan được xây dựng vào năm 1826, là một đồn lũy quân sự trấn thủ tại đỉnh đèo Hải Vân ngay ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng ngày nay (xưa là ranh giới giữa phủ Thừa Thiên và Quảng Nam).
Hải Vân Quan được xây dựng ở một vị trí hết sức đắc địa, vừa hiểm trở cheo leo, là nơi xung yếu nhất được mệnh danh là “yết hầu” của Kinh đô Huế. Thành lũy này án ngữ trên con đường Thiên lý độc đạo lưu thông từ Kinh đô Huế đến xứ Quảng Nam và ngược lại. Với địa thế như vậy, một căn cứ quân sự vững chắc có thể kiểm soát toàn bộ sự lưu thông giữa hai xứ, một thành lũy quân sự có thể chống cự số lượng địch quân gấp nhiều lần hơn, và với độ cao gần 500m so với mặt biển, có thể quan sát rất rộng về các phía, đặc biệt là toàn bộ vịnh Đà Nẵng.Với cái nhìn chiến lược, triều đình nhà Nguyễn đã dựa vào địa thế tự nhiên để xây dựng một thành lũy đặc thù, phát huy cao nhất tình năng quân sự, đó là Hải Vân Quan hùng vĩ với những thành tố kiến trúc chính: vòng tường thành dài khoảng 130m vây quanh con đường Thiên lý độc đạo, cộng với những bức tường thành kiên cố chắn ngang đến vách núi; một cổng lớn chắn trên đường Thiên lý phía Nam có biển ngạch đề 3 chữ Hán đại tự Hải Vân Quan; một cổng lớn chắn trên đường Thiên lý phía Bắc có biển ngạch đá Thanh khắc các chữ Hán đại tự Thiên Hạ Đề Nhất Hùng Quan; một cổng phụ ra vào cho binh lính cùng nhà Trú Sở là nơi cư trú và Võ Khố là nhà kho; đặc biệt toàn bộ đều nằm trên đỉnh cao nhất của đường Thiên Lý. Hải Vân Quan đã phát huy hết sức hiệu quả vai trò chức năng kể từ lúc xây dựng.
Theo mô tả, vào thời điểm những năm 1876 về sau ghi nhận tại đây có 50 lính canh phòng, đến năm 1885 số lính chỉ còn khoảng 5 người và sang đầu thế kỷ 20 thì hầu như đã bị bỏ ngỏ, không còn ai canh gác. Cho đến khi một đoạn tường thành bị phá vỡ để mở ra con đường mới không thông qua đồn lũy Hải Vân thì quan ải này đã mất dần vai trò kiểm soát và phòng thủ độc đạo, chỉ còn là một cứ điểm quan sát tầm cao.
Trong giai đoạn 1945 - 1975, nhiều hạng mục công trình quân sự được xây dựng thêm ở đây như một số vọng gác, lô cốt hòng trấn giữ con đường huyết mạch này... đặc biệt là trên đỉnh của 2 cổng Hải Vân Quan và Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan còn xây thêm những hệ thống pháo đài công sự để quan sát và đặt súng ống. Ngày nay, nhiều công trình là dấu tích của các cuộc chiến tranh như lô cốt, tường bao, hào công sự… vẫn còn hiện diện là những đơn nguyên kiến trúc cần xem xét khi tiến hành công tác tu bổ.
Sau ngày đất nước thống nhất, nhiều công trình tiếp tục được xây dựng trong phạm vi Hải Vân Quan như đài kỷ niệm “Di tích chiến thắng Đồn Nhất”, trạm Vi ba, các ngôi nhà tạm, đường dây cao thế, khu lăng mộ gia đình… sự xuất hiện các công trình kiến trúc mới trong khuôn viên di tích phản ánh tình trạng Hải Vân Quan đã chưa được gìn giữ, bảo vệ trong thời gian dài, đòi hỏi phải có giải pháp khắc phục phù hợp để từng bước trả lại những giá trị văn hoá lịch sử công trình.
Di tích Hải Vân Quan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia vào ngày 14/4/2017. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng cùng trách nhiệm quản lý bảo vệ di tích này.
Trong năm 2018, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng tiến hành nghiên cứu và khai quật khảo cổ tại di tích Hải Vân Quan và phát hiện nhiều dấu tích nền móng kiến trúc quan trọng.