Hải Vân quan được cứu sau hàng chục năm hoang phế
- Tây Y
- 22:08 - 25/04/2017
Chiều 24/4, lần đầu tiên lãnh đạo ngành văn hóa của Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế cùng lên đỉnh Hải Vân quan để bàn cách cứu di tích đang bị hoang phế suốt thời gian dài. Cuộc họp diễn ra ngay bên quán nước nhỏ của người dân buôn bán trên đỉnh đèo.
Buổi làm việc được nhiều người mong chờ, diễn ra trong bối cảnh 10 ngày trước, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện ký quyết định công nhận Hải Vân quan (nằm trên đỉnh đèo Hải Vân thuộc thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) là di tích cấp quốc gia.
Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa Thừa Thiên Huế thừa nhận thời gian qua đã thiếu quản lý với Hải Vân quan. 20 năm trước, khi đang còn công tác tại Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, chính ông đã làm một bộ hồ sơ xin công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia, nhưng hai địa phương không thống nhất được, dẫn đến suốt một thời gian dài Hải Vân quan bị bỏ quên.
Việc cần làm ngay lúc này, theo ông Dũng là ngành văn hóa hai địa phương phải tham mưu cho UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng chỉ đạo công tác cắm mốc khoanh vùng bảo vệ di tích theo hồ sơ khoa học; dựng biển giới thiệu về di tích (tiếng Việt và tiếng Anh) và bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích; ban hành quyết định phân cấp quản lý di tích.
Hải Vân quan đang bị xuống cấp, nhếch nhác. Ảnh: Nguyễn Đông.
Nhìn vào thực trạng nhếch nhác của Hải Vân quan, ông Dũng đề xuất xin ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu để di dời, loại bỏ các bộ phận hạng mục công trình không liên quan đến các yếu tố gốc của di tích, như vọng gác phía trên cổng Hải Vân quan, các lô cốt xây trên đất di tích hay những nền móng công trình xây dựng dân sinh đã bị phá dỡ… Trước khi tôn tạo hay xây dựng bãi giữ xe, nhà vệ sinh công cộng, Sở Tài nguyên Môi trường hai địa phương cần thu hồi đất lâm nghiệp để cấp quyền sử dụng đất mới.
Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP Đà Nẵng, ông Huỳnh Văn Hùng thống nhất với những đề xuất của phía Huế. Ông nói, di tích lịch sử quốc gia thì Huế và Đà Nẵng đều có rất nhiều, riêng Đà Nẵng là hơn 20, nhưng Hải Vân quan là di tích quốc gia đặc biệt, nằm chính giữa ở hai địa phương. Do ranh giới chưa được xác định rõ ràng nên kéo dài đến nay mới làm hồ sơ công nhận.
Trải qua nhiều cuộc họp, lúc ở Đà Nẵng, khi ở Huế, thậm chí ra tận Hà Nội, hai địa phương mới thống nhất một bộ hồ sơ trình Bộ trưởng Văn hóa ký. "Đây là di tích thể hiện sự phối hợp, gắn kết của hai địa phương và có thể xem là biểu tượng của tình đoàn kết, nên cần tập trung để làm", ông Hùng nói và đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường hai địa phương giúp việc cắm mốc khoanh vùng bảo vệ.
Theo ông Hùng, qua 2 cuộc chiến tranh nên nguyên trạng Hải Vân quan không còn. Có nhiều công trình và lô cốt chồng lên di tích, nên về lâu dài bằng mọi cách trả lại nguyên trạng. Những công trình không phù hợp trên đất hai địa phương quản lý thì tháo dỡ, còn nằm trên đất quốc phòng thì làm văn bản đề nghị Quân khu 4 và Quân khu 5 cho phép giải tỏa.
Lần đầu tiên lãnh đạo ngành văn hóa hai địa phương cùng khảo sát thực tế Hải Vân quan. Ảnh: Nguyễn Đông.
"Chúng ta cần lập quy hoạch tổng thể và chi tiết để tu bổ Hải Vân quan. Hiện nay ở một số nơi khi trùng tu dư luận hoan nghênh và đánh giá cao, nhưng cũng có di tích làm xong thì bị méo mó, biến dạng nên bị phản ứng. Sau này khi Huế và Đà Nẵng tu bổ Hải Vân quan sẽ mời các nhà nghiên cứu cho ý kiến, đồng thời nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi làm", ông Hùng nói.
Ông đề xuất những cuộc gặp tiếp theo để xây dựng cơ chế phối hợp dựa trên Luật di sản văn hóa, và "mỗi Sở cử ra một nhóm chuyên viên phối hợp xây dựng cơ chế quản lý". Đồng thuận ý tưởng này, ông Dũng nói nhóm chuyên viên của hai sở sẽ được lập thành một tổ và tuyệt đối khi làm việc không được phân biệt, đùn đẩy giới hạn thuộc Huế hay Đà Nẵng.
"Không thể phân biệt khu vực thuộc bên này, hay bên kia mà để buông lỏng quản lý. Chúng ta cần rút kinh nghiệm vì vừa qua có bài học Hoành Sơn quan giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình, cả hai địa phương cùng công nhận di tích và cuối cùng cả hai bên đều thả tay, hoặc ở một số nơi khác", ông Dũng nói.
Ông Huỳnh Hùng (bía trái) và ông Phan Tiến Dũng bắt tay để cùng bảo vệ Hải Vân quan. Ảnh: Nguyễn Đông.
Về góc độ phát triển du lịch ở Hải Vân quan, do hai địa phương đã tách Sở Du lịch, nên ông Hùng đề nghị ngành du lịch tuyệt đối không được bất chấp làm du lịch mà không đi đôi với bảo vệ, bảo tồn di tích. "Nhất cử nhất động gì ở Hải Vân quan phải có sự thống nhất của hai địa phương, trên tinh thần Luật di sản văn hóa. Làm sao để đây là di tích văn hóa có giá trị và từ giá trị đó sẽ thu hút khách du lịch", ông nhấn mạnh.
Kết thúc buổi làm việc, Giám đốc Sở Văn hóa Huế và Đà Nẵng cùng đi khảo sát Hải Vân quan. Hai bên thống nhất sẽ cho tháo dỡ một số hạng mục đang làm nhếch nhác di tích này, như hàng rào tạm bợ, bảng cấm bán hàng rong, tấm biển chỉ dẫn đường cứu hộ bằng bê tông vốn hết tác dụng và che khuất Thiên hạ đệ nhất hùng quan, làm lại lối đi bằng gạch...
Trước lúc ra về, hai lãnh đạo vốn từng học chung một lớp đứng bắt tay nhau ngay dưới cổng Hải Vân quan. "Chúng tôi chờ đợi cái bắt tay này từ rất lâu rồi", ông Hùng nói trong tiếng vỗ tay của các sở, ngành của Huế và Đà Nẵng.
Hải Vân quan được xây dựng ở độ cao 490m so với mực nước biển, vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826). Đây là công trình cửa ngõ trên con đường thiên lý Bắc Nam để kiểm soát tàu bè vào ra ở vịnh Đà Nẵng, và là cụm bố phòng quân sự với hệ thống thành lũy, pháo đài thần công |