Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng cùng chung tay bảo tồn di tích Hải Vân Quan
- Văn hóa - Giải trí
- 02:08 - 21/02/2019
Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế ký kết biên bản thỏa thuận thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia Hải Vân Quan.
Theo biên bản thỏa thuận được ký kết, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ là cấp quyết định đầu tư, trực tiếp phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức triển khai thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và nghiệm thu quyết toán Dự án bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia Hải Vân Quan theo đúng các quy định hiện hành và dự án được phê duyệt. Trong khi đó, UBND thành phố Đà Nẵng sẽ cử đại diện Sở Văn hóa và Thể thao thành phố tham gia Ban Quản lý dự án thực hiện công trình.
Về nguồn vốn đầu tư cho dự án: Ngân sách thành phố Đà Nẵng 50% và Ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế 50% trên tổng mức đầu tư được phê duyệt. Thời gian thực hiện và hoàn thành là từ năm 2019 – 2020, được chia làm hai đợt, từ khi phê duyệt đến tháng 2/2020 và đợt hai từ tháng 2/2020 đến khi kết thúc.
Ngoài ra, 2 địa phương sẽ chỉ đạo ngành văn hóa, thể thao và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, cơ chế quản lý, duy tu, bảo dưỡng, phát huy giá trị và khai thác dịch vụ du lịch của di tích đảm bảo lợi ích chung giữa hai bên.
Một góc Hải Vân Quan sau khi được khai quật khảo cổ
Hải Vân Quan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia vào ngày 14/4/2017. Từ ngày 5/5 đến 3/9/2018, Bộ này đã cho phép Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiến hành khai quật khảo cổ tại di tích Hải Vân Quan trên diện tích 600 m2.
Sau đó, vào trung tuần tháng 9/2018, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với UBND TP. Đà Nẵng tổ chức Hội thảo Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan.
Với việc 2 địa phương là Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế đạt được thỏa thuận chung, công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di tích - kiến trúc nghệ thuật Quốc gia Hải Vân Quan sẽ được thực hiện tốt hơn; tránh tình trạng “cha chung không ai khóc” như trước kia.