THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:02

Huyện Chợ Mới (An Giang):Giảm nghèo nhanh từ xây dựng nông thôn mới

 

Theo lãnh đạo UBND Huyện Chợ Mới cho biết, trong 5 năm qua, tổng nguồn vốn từ Trung ương, tỉnh, huyện, thị trấn, xã và nhân dân đóng góp để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của là 1.507 tỷ đồng. Với tổng nguồn lực ấy huyện Chợ Mới đã đầu tư xây dựng đồng bộ, hiệu quả hệ thống hạ tầng cơ sở nông thôn với nhiều công trình, dự án phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội làm nức lòng dân. Đó là công trình cầu Mỹ Luông – Tân Mỹ bắc qua nhánh sông Tiền, với chiều dài gần 600 m, kinh phí xây dựng 100 tỷ đồng, đã đưa vào sử dụng từ 8/2014, tạo điều kiện giao thông qua lại thật tiện lợi và thỏa niềm mơ ước từ bao đời nay cho hàng chục ngàn người dân cù lao Giêng. Công trình đường dẫn cầu ông Chưởng với tổng vốn đầu tư 70,5 tỷ đồng, đến nay cơ bản đã hoàn thành, chiều dài 2.372 m, nền đường rộng 17 m, trong đó chiều rộng mặt đường 14 m được láng nhựa. Công trình bờ kè thị trấn Chợ mới đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng trước Tết Bính Thân (2016), góp phần tạo cảnh quan, chống lở đất và mở rộng thêm khu vực mua bán của chợ, khu vui chơi giải trí…Đặc biệt là công trình dự án Nam Vàm Nao được Trung ương đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng để tiến hành thi công 19 tuyến đường giao thông nông thôn, 59 cống hở 3 m và 276 cống tròn dưới đê đã thực sự mở ra một hướng phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đất cù lao trù phú trong những năm tiếp theo của chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020. 

Một góc đường giao thông nông thôn ở xã Long Điền A, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới của huyện năm 2015                                            

 Từ những thành quả về xây dựng cơ sở hạ tầng kể trên, đã góp phần tạo đà cho phát triển nông nghiệp ở huyện Chợ Mới trong những năm qua. Huyện đã chủ động xây dựng đề án chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý, gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ. Từ đó đã tạo ra bước đột phá mạnh mẽ, thu hẹp đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu và làm vườn, nhất là 3 xã cù lao Giêng không còn trồng lúa. Được biết hiện nay diện tích đất trồng lúa của huyện còn 55% so với trước đây, đạt giá trị bình quân 118 triệu đống/ha. Diện tích đất trồng màu và làm vườn chiếm 45%, nhưng đạt giá trị 682 triệu đồng/ha cao gấp 6 lần so với trồng lúa.Trong lĩnh vực chăn nuôi, phát triển mạnh, nhất là đàn bò thịt, bò cao sản tăng nhanh về số lượng, chất lượng với khoảng 30.000 con. Là địa phương có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản, nên diện tích nuôi trồng tăng mạnh, với khoảng 430 ha.

 Nghề mộc truyền thống là một trong những nghề góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động nông thôn ở huyện Chợ Mới

Hiện nay, huyện Chợ Mới đã từng bước hình thành chuỗi giá trị tiêu thụ như mô hình “cánh đồng lớn”, “nhà vườn – nhà vựa” tạo điều kiện thuận lợi về tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân ở nông thôn. Nhờ đó đã có không ít nông dân thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu, trong đó có nhiều người thành lập được doanh nghiệp, tổ hợp tác, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn trong vùng. Thu nhập bình quân đầu người hàng năm đều tăng trưởng, đến cuối năm 2015 đạt 32,343 triệu đồng/người/năm. Lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp được đầu tư phát triển cả về quy mô và số lượng với gần 5000 cơ sở, sản xuất ra trên 70 loại sản phẩm hàng hóa, giá trị toàn ngành tăng bình quân 16,6 %, huyện đã trích ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân cho 443 dự án, với tổng số tiền 5,89 tỷ đồng, cho 13 làng nghề, góp phần giải việc làm ổn định cho 7. 455 lao động. Những thành quả trên sẽ là động lức thúc đẩy, tạo đà cho huyện Chợ Mới tiếp tục xây dựng thành công nông mới ở nhiều địa phương trong địa bàn huyện trong những năm tiếp theo của giai đoạn 2016 – 2020./.                                                                                                                               

Lương Định/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh