CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:01

Bạo hành không còn là chuyện của riêng ai

 

Nhận diện bạo hành

Có quan điểm cho rằng lâu nay chúng ta vẫn tư duy và nhận thức nhóm bị bạo lực theo lối mòn, tức nghĩ đến nhóm yếu thế là gia đình thì chỉ tập trung vào phụ nữ và trẻ em; nghĩ đến nhóm “người thứ ba” thì tập trung vào các bạn đồng tính, chuyển giới và hành vi của họ.

Nhiều người yếu thế bị bạo hành

Đã có ai nhìn một người đàn ông vạm vỡ, có tiền, có quyền mà vẫn bị hiếp đáp, đánh đập chưa? Và dưới góc độ bạo hành, “ta cần nhận diện đầy đủ mới mong thay đổi hành vi của người với người trong xã hội”. Đó là quan điểm của chuyên gia xã hội học Phan Thanh Nhàn, nhà sáng lập tổ chức Open Grup và 8 ngôi “Nhà tạm lánh” cho nạn nhân của bạo hành và phòng chống HIV/AIDS. Theo chuyên gia Nhàn, có nhiều cách để phân loại các hình thức bạo hành theo không gian, theo thời gian hoặc cả theo công cụ gây bạo lực, tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là cách phân loại theo hình thức gây bạo lực, người ta chia ra làm 4 loại: Bạo lực về thể chất, bạo lực về tinh thần, bạo lực về tình dục, và bạo lực về tài chính.

Với quan điểm đó thì trên thực tế, chúng ta không khó để bắt gặp những ông chồng bị hiếp đáp, bị vợ nhục mạ. Như báo chí đôi lúc vẫn đưa các trường hợp người đồng tính đánh nhau, sát hại bạn tình, hoặc những người được xem là không phải yếu như công an, cán bộ,.. chúng ta không khó để tìm các bài viết về quan chức bị vây đánh, công an bị rượt đuổi,… còn trong trường học thì thầy đánh trò, học trò đánh nhau, học trò khối lớn hơn đánh học sinh khối lớp nhỏ…

Bạo hành là như vậy, đó không còn là chuyện của riêng ai, nó có thể xảy ra với bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào, chỉ cần ra đường va quẹt xe là đã có thể xảy ra bạo lực, chỉ cần cái mắt liếc nhìn trong bàn nhậu đã có thể xảy ra vụ đâm chém giết người. Đôi khi bạo hành cũng xuất phát từ những nguyên nhân hết sức mắc cười, lãng xẹt như là vì nó đẹp trai quá cũng bị đánh, vì nó được lòng sếp cũng bị đánh,… bạo lực xảy ra hiện nay không đơn thuần là mạnh hiếp yếu, không còn là nỗi lo của những người yếu thế nữa, mà hiện nay nó là vấn đề của tất cả mọi người, ai cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân của một hình thức bạo lực nào đó.

Nói "không" với bạo hành

Bạo hành do đâu?

Ngày nay, tình trạng bạo hành bị tác động và được thúc đẩy bởi nhiều khía cạnh, ngay như hành vi hàng ngày của con người cũng tạo thành một thói quen bạo hành cho chính mình cũng như xã hội.

Một đứa trẻ lớn lên trong môi trường bạo lực gia đình ít nhiều sẽ chịu tác động, từ phim ảnh, tranh vẽ, trò chơi online, những nhân vật trong phim ảnh cũng mang dáng dấp bạo lực. Chủ đề bạo lực được khai thác tối đa, ngay cả các phim hoạt hình đâm chém đẫm máu như siêu nhân,… tưởng chừng vô hại, nhưng không phải.

Giáo dục cũng vậy, một khi giáo dục đi chệch hướng thì có tác động khá nhiều đến học sinh, sinh viên.

Bia rượu tại Việt Nam rẻ tới mức ai cũng mua được, văn hóa làm việc trên bàn nhậu ở Việt Nam có lẽ là đứng tốp đầu. Đồng ý ở các nước đều làm việc ngoại giao bên ấm trà, chung rượu, nhưng chẳng ai say bí tỷ như người Việt mình, nhậu là nhậu tới bến, nhậu quắc cần câu mới nghỉ, nhậu rồi gây gổ đánh nhau cũng là chuyện không hề ít.

Áp lực công việc, hay bức xúc xã hội mà không có cách giải quyết, đưa con người ta vào tình huống bế tắc trong công việc, sự sụp đổ trong mối quan hệ, cũng khiến nảy sinh các vấn đề bạo lực…

Hiểu một cách đơn thuần, hoàn cảnh, điều kiện, bản năng và ý thức sẽ sinh ra bạo lực. Bạo lực bạo lực xuất phát từ chính chúng ta, từ ý thức chủ quan đến khách quan, ai cũng là nguyên nhân của bạo lực, và ai cũng có thể trở thành một nạn nhân của một loại hình bạo lực nào đó.

Tôn giáo, kinh tế và bạo lực?

So với các nước, tỉ lệ bạo hành ở Việt Nam khá cao. Theo chuyên gia Phan Thanh Nhàn, những quốc gia càng phát triển kinh tế thì bạo lực càng giảm, điểm lại một số chính sách tại các quốc gia ta sẽ thấy rõ điều này.

 

chuyên gia xã hội học Phan Thanh Nhàn, nhà sáng lập tổ chức Open Grup và 8 ngôi “Nhà tạm lánh” Hãy hành động vì một thế giới không có bạo hành

Như tại Singapore, nước này thực hành pháp luật rất nghiêm, nếu để xảy ra vấn đề bạo lực thì những người liên quan sẽ bị phạt rất nặng, những trường hợp đánh phụ nữ hoặc trẻ em nếu bị đưa ra tòa, người vi phạm vừa bị xử phạt hành chính và bị xử phạt đi tù. Vì vậy ở nước này không ai dám đánh nhau.

Và tôn giáo đóng vai trò quan trọng như tại Philippines, đất nước này đa số người dân theo đạo thiên chúa giáo, người cuồng tín ở quốc gia này cao, họ tin vào giáo lý, và họ thực hành giáo lý của đạo. Ở Philippines rất ít thấy trường hợp đánh nhau hay trộm cắp, cướp giật, người ta bảo nhau rằng, có thể mình làm điều này điều kia người khác không biết, nhưng Chúa biết, sau này sẽ bị trừng phạt. Có thể nói tôn giáo ở quốc gia này đóng vai trò quan trọng trong việc chống nạn bạo hành trong xã hội.

 

Bạn trẻ đã làm gì để chống bạo hành?

Ngày 25/11 hàng năm là ngày Quốc tế Phòng chống bạo lực, là ngày do Liên Hiệp Quốc đặt ra nhằm tuyên truyền nâng cao ý thức công chúng về việc loại bỏ bạo hành trên toàn thế giới. Nhà nước ta luôn đề cao công tác hành động vì bình đẳng giới, chống bạo lực với sự tham gia của tất cả các cấp chính quyền, tổ chức xã hội và từng cá nhân với đủ các hình thức từ tuyên truyền đến hành động cụ thể.

Còn bạn thì sao? Những ngày qua trên các trang mạnh xã hội, con phố, công viên người ta đều thấy các bạn trẻ cầm trên tay tấm biển viết tay. Đó là các bạn thanh niên đi ra từ 8 ngôi “nhà tạm lánh” (của tổ chức Open Grup) là những người yếu thế và đấu tranh cho nhóm yếu thế, là những người mong muốn chấm dứt bạo hành, họ cầm khẩu hiệu với một lời khẳng định đanh thép, một thông điệp rõ ràng: “Tôi không thích bạo lực”. Hiện đã có hàng nghìn người hưởng ứng chiến dịch do Open Group phát động. Theo chiến dịch của các bạn trẻ, có nhiều cách để hưởng ứng như chụp ảnh, khẩu hiểu, tranh biếm họa với những thông điệp cá nhân về việc chống bạo hành và cộng hưởng nhiều người tham gia với mục đích chung là “nói không với bạo lực”.

HẠNH NGUYÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh