Mở đợt cao điểm truyền thông về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên toàn quốc
- Dược liệu
- 22:29 - 09/11/2016
Thông tin tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết “Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua, đặc biệt là trong lĩnh vực lao động, việc làm, chăm sóc sức khỏe... Để đạt được những tiến bộ này, Đảng và Nhà nước đã chú trọng ban hành và tổ chức thực hiện một số chính sách, pháp luật nhằm tạo chuyển biến tới toàn xã hội về nhận thức và hành động về bình đẳng giới”.
Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH thông tin về việc triển khai tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2016.
Bên cạnh những thành tựu, Việt Nam còn gặp nhiều thách thức trong việc đảm bảo bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ. Khoảng cách giới vẫn còn tồn tại trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. “Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn đang là vấn đề báo động ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây được coi là trở ngại lớn trong tiến trình xóa bỏ bất bình đẳng giới. Một nghiên cứu toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2013 cho thấy, 35% phụ nữ và trẻ em gái trên toàn cầu từng trải nghiệm một hình thức bạo lực về thể chất và tình dục trong cuộc đời của họ và có tới bảy trong mười phụ nữ phải đối mặt với tình trạng lạm dụng này ở một số nước. Trên thế giới, hơn 700 triệu phụ nữ còn sống đã kết hôn khi còn nhỏ, 250 triệu người trong số đó đã kết hôn trước tuổi 15. Những cô gái kết hôn trước tuổi 18 ít có khả năng để hoàn thành việc học tập của mình và đồng thời có nhiều nguy cơ bị bạo lực gia đình và những biến chứng khi sinh con”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, số liệu thống kê từ cuộc điều tra quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ năm 2010 cho thấy: 34% phụ nữ đã kết hôn cho biết họ từng bị chồng mình bạo hành thể xác hoặc tình dục, 58% phụ nữ cho biết, đã từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực thể chất, tinh thần và tình dục trong đời . Điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng xâm hại, bạo lực với trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái vẫn diễn biến phức tạp và đang là vấn đề gây bức xúc toàn xã hội. Trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em gái. Trẻ em gái không chỉ là nạn nhân của bạo lực gia đình mà còn là đối tượng dễ bị buôn bán, lạm dụng tình dục và bạo lực ngoài môi trường gia đình.
Nhằm thực hiện Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 02/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020, Bộ LĐ-TB&XH chủ trì triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới với chủ đề “Chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” được phát động trên cả nước từ ngày 15/11/2016 đến ngày 15/12/2016.
Năm 2016 là năm đầu tiên triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam. Việc lựa chọn chủ đề “Chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” cho Tháng hành động năm 2016 với mục đích huy động sự tham gia, vào cuộc một cách đồng bộ, mạnh mẽ của các cơ quan, tổ chức và mọi người dân trong cộng đồng, đặc biệt là nam giới trong việc thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐ-TB&XH trả lời các câu hỏi của phóng viên liên quan đến lĩnh vực bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới
Theo kế hoạch, ngày 13/11 tới đây, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với Liên hợp quốc tại Việt Nam và UBND TP. Hà Nội tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Lễ phát động dự kiến có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và Hà Nội. Đây là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm trong truyền thông về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới trên toàn quốc nhằm tạo ra sự thay đổi tích cực trong xã hội về thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
Thông qua Tháng hành động này, hy vọng sẽ tác động mạnh mẽ, lan tỏa đến các tầng lớp trong xã hội, góp phần xóa bỏ bất bình đẳng giới, bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, hướng tới mục tiêu xây dựng một xã hội bình đẳng tiến bộ và phát triển bền vững.