THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:39

Báo động đỏ tình trạng bạo lực học đường

 

Học sinh vô cảm nhìn... bạn bị đánh

Bạo lực học đường đang trở thành vấn đề nóng khi thời gian vừa qua, những vụ ẩu đả giữa các em ngày càng mang tính chất côn đồ hơn: Đánh hội đồng, lăng mạ nạn nhân... Điều đáng buồn là khi chứng kiến những vụ ẩu đả đó, nhiều học sinh đứng ngoài xem, cổ vũ, rồi dùng điện thoại quay clip với thái độ khoái trá vì sắp có clip “hot” được tung lên mạng, câu like, câu conment.

Nhiều em vô cảm đứng nhìn bạn đánh nhau.

 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cũng thừa nhận: Tình trạng bạo lực học đường hiện nay đang diễn ra hết sức phức tạp. Chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt thường ngày mà các em đã ứng xử với nhau thiếu lòng nhân ái, trái với chuẩn mực đạo đức xã hội, truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam. Không chỉ là các em học sinh nam đánh nhau, mà còn xảy ra khá nhiều vụ học sinh nữ đánh nhau hội đồng, với những cử chỉ thô bạo, nhiều vụ việc đã gây ra hậu quả rất nghiêm trọng. Bên cạnh đó, nhiều học sinh thiếu ý thức, vô cảm trước những hành vi bạo lực, không can ngăn mà còn sử dụng điện thoại di động để quay video clip và đưa lên mạng xã hội như một sự cổ súy cho những hành vi bạo lực này.

Tính chất và mức độ nghiêm trọng của một số vụ việc bạo lực xảy ra ở trong và ngoài nhà trường là một dấu hiệu về sự sa sút đạo đức, lối sống, văn hoá ứng xử và yếu kém về kỹ năng sống của một bộ phận học sinh hiện nay. Những vụ việc đó đã và đang làm đau lòng những người làm giáo dục và gây lo lắng, bức xúc trong xã hội. Tình trạng bạo lực học đường làm ảnh hưởng tới môi trường giáo dục, môi trường xã hội, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, vì vậy chúng ta cần phải có biện pháp quyết liệt để ngăn chặn, hạn chế và tiến tới chấm dứt nó.

Các em thiếu những điểm vui chơi lành mạnh

Cũng theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, bạo lực học đường xuất phát từ nhiều nguyên nhân: Trước hết là các em học sinh chưa được giáo dục đầy đủ về đạo đức, nhân cách, lối sống, chưa có đủ kỹ năng để ứng phó và giải quyết các tình huống xảy ra hàng ngày. Sự thay đổi tâm sinh lý lứa tuổi, luôn muốn khẳng định mình, cũng có thể dẫn đến những hành vi lệch lạc, thiếu kiểm soát, thiếu kiềm chế.

Các em cần có nhiều điểm vui chơi giải trí lành mạnh.

Nguyên nhân từ giáo dục gia đình, một số bố mẹ thiếu quan tâm đến con cái, không thường xuyên theo dõi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, những diễn biến tâm lý, tình cảm của con cái để kịp thời uốn nắn những lệch lạc, hướng con em theo một con đường tốt đẹp. Nguyên nhân từ phía xã hội: Mặt trái của nền kinh tế thị trường tác động đến tâm lý, tình cảm của học sinh, các em rất dễ bị cuốn theo lối sống thực dụng, đua đòi, thiếu lành mạnh, hành vi bạo lực từ mạng internet, phim ảnh, game online.

Một trong những nguyên nhân quan trọng là từ giáo dục trong nhà trường là nội dung chương trình giáo dục đạo đức - công dân có phần còn nặng về lý thuyết, ít liên hệ với thực tiễn và việc ứng xử với những tình huống cụ thể, phương pháp giảng dạy còn chậm được đổi mới, chưa cuốn hút học sinh. Phương thức tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa chưa phù hợp, chưa có nhiều hoạt động trải nghiệm để giúp học sinh nhận thức được các bài học về giá trị của lòng nhân ái, bao dung, giá trị của sự tôn trọng và trách nhiệm của bản thân, nhận diện và lên án các hành vi bạo lực...Vai trò của các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong một số nhà trường chưa được phát huy, giáo viên chủ nhiệm chưa thực sự sâu sát với học trò, chưa thường xuyên liên hệ với gia đình để quản lý, giáo dục học sinh; một số thầy cô giáo cũng chưa thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

Theo Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) Phạm Thị Hải Hà, bạo lực học đường bên cạnh những nguyên nhân trên còn xuất phát từ việc các em thiếu địa điểm vui chơi, giải trí lành mạnh.

“Trong độ tuổi học sinh, các em có nhu cầu giải phóng năng lượng nhiều nên cần phải có sân chơi để chạy, nhảy. Hoặc những stress trong cuộc sống, trong học tập, các em cần có chỗ để giải tỏa những bức xúc đó thông qua những trò chơi vận động, những hoạt động giải trí lành mạnh. Tuy nhiên, hiện nay tại các thành phố lớn, sân chơi cho các em đang ngày càng thiếu trầm trọng trong khi điện thoại thông minh, mạng Internet rất sẵn nên các em online thường xuyên là điều dễ hiểu. Nhiều em nghiện mạng xã hội, gần như thường xuyên online nên ngày càng thiếu những kỹ năng sống. Thấy bạn bị đánh thay vì can ngăn lại đứng nhìn, dùng điện thoại quay clip đẩy lên mạng xã hội để câu like, câu conmen. Đây là thực trạng đáng báo động”, bà Hà nhấn mạnh.

Các em phải tự chịu trách nhiệm hành động của mình

TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng sáng lập trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng cho biết, tác hại của bạo lực học đường là rất lớn. Nó không chỉ tác động lên những em bị đánh và còn gây hậu quả với những học sinh gây ra bạo lực. Đối với những em bị bạo lực, ngoài tổn thương về thể chất, sau hệ lụy bắt nạt thường có 3 trạng thái tinh thần: Bình thường là tâm lý luôn sợ sệt, thiếu tự tin, nặng hơn thì bị trầm cảm, những em nào cá tính mạnh sẽ trở lên hung tính hơn.

Bạo lực học đường để lại hậu quả nghiêm trọng cho cả em bị bạo lực và cả những em đi bắt nạt bạn.

Còn với những học sinh đi bắt nạt, nếu các em không tự nhận thức được hành vi của mình hoặc nếu không được giáo dục kịp thời sẽ trở thành một thói quen. Đó là thói quen dùng vũ lực để bắt nạt người khác, dùng vũ lực để thể hiện khả năng của mình, khiến tính cách phát triển lệch lạc sau này. Chính vì vậy tình trạng bạo lực học đường không chỉ trở thành vấn đề nghiêm trọng khiến cho các bậc phụ huynh và nhà trường lo lắng mà còn khiến toàn xã hội hết sức quan tâm.

Để ngăn chặn, đẩy lùi và từng bước chấm dứt tình trạng bạo lực học đường, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, rất cần sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các cấp các ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội để xây dựng môi trường giáo dục nhà trường, môi trường giáo dục gia đình, môi trường xã hội lành mạnh, không bạo lực, tạo điều kiện cho học sinh được phát triển hài hòa thể chất, trí tuệ và tâm hồn đạo đức trong sáng và lành mạnh.

Trong khi đó, TS Nguyễn Tùng Lâm thì cho rằng, để đẩy lùi nạn bạo lực học đường phải giải quyết vấn đề từ những nguyên nhân gây ra nó. "Phải để các học sinh này phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Bên cạnh đó, việc giáo dục gia đình phải được đẩy mạnh. Chúng ta hiện nay vẫn chỉ chú trọng về kinh tế, lo giảm nghèo mà chưa có biện pháp giáo dục trong gia đình. Nếu chúng ta xây dựng được một gia đình có giá trị yêu thương, hạnh phúc, chắc chắn các em trong gia đình đó sẽ ít va chạm hơn với bạo lực nói chung và bạo lực học đường nói riêng. Biện pháp giáo dục gia đình cần thực hiện một cách thường xuyên, quy củ. Đối với nhà trường, ngoài dạy văn hóa, kỹ năng sống, cần dạy về giá trị sống, giá trị yêu thương, khoan dung…Dạy thông qua trải nghiệm, có chương trình thiết thực"- TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ..

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, phải có cơ chế để thiết lập một đội ngũ giáo viên có đủ năng lực, kinh nghiệm để làm những việc này. Mạng xã hội cần có phần mềm kiểm soát được những hành động gây hại này, và phải có cảnh báo. Đồng thời, toàn xã hội phải có trách nhiệm với thế hệ trẻ, tạo thêm nhiều điểm vui chơi cho trẻ.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh