Hà Tĩnh: Không thể xem ngôi nhà ở của mẹ vợ Đại tướng Võ Nguyên Giáp là "nhà kho"
- Văn hóa
- 04:12 - 10/09/2019
Trước đó, sau khi Báo Dân sinh đăng bài: "Bí ẩn về tấm biển treo trước nhà mẹ vợ Đại tướng Võ Nguyên Giáp", Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ra văn bản số: 3862/UBND, về việc giao kiểm tra, xác minh, báo cáo và trả lời phản ánh nội dung của bài báo nêu liên quan đến ngôi nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Đậu Thị Thư (mẹ vợ Đại tướng Võ Nguyên Giáp), tại thôn Tân An, xã Đức Tùng, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh).
Cụ thể, Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Vinh giao Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh chủ trì phối hợp với huyện Đức Thọ kiểm tra, xác minh làm rõ nội dung Báo Dân sinh nêu và trả lời cho cơ quan báo trước ngày 28/6.
Tuy nhiên, sau khi "cưỡi ngựa xem hoa", Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh đã soạn văn bản trả lời số: 602, ngày 27/6/2019 với nội dung rất hời hợt: "Thời gian ngôi nhà trên được gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng Đậu Thị Thư xây dựng vào khoảng những năm 1920 đến 1930, và đó chỉ là nhà kho lưu giữ hàng hóa nhận giao hàng từ ga Yên Trung, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) ra ga Vinh (Nghệ An) và ngược lại, chứ không phải nhà ở".
Trong lúc đó, qua tìm hiểu, xác minh của phóng viên Báo Dân sinh về ngôi nhà của Mẹ Việt Nam anh hùng Đậu Thị Thư (còn gọi bà Hàn Bình) mẹ của liệt sĩ Nguyễn Thị Minh Khai, liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái (vợ Đại tướng Võ Nguyên Giáp), và liệt sĩ Nguyễn Huy Tú. Chúng tôi được ông Nguyễn Huy Thảo (72 tuổi) cháu nội của Mẹ Việt Nam anh hùng Đậu Thị Thư, hiện sinh sống ở Hà Nội khẳng định: Ngôi nhà trên được làm từ năm 1946 sau khi gia đình bà Hàn Bình từ thị xã Vinh (Nghệ An) thực hiện lệnh tiêu thổ kháng chiến về quê ngoại ở xã Đức Tùng làm nhà ở. Chính bản thân ông cũng đã gắn bó với cả quãng đời thơ ấu ở đây với rất nhiều kỉ niệm đẹp, cho tới sau khi kháng chiến chống Pháp thành công, gia đình mới chuyển ra Vinh và sau đó ra Hà Nội.
Cụ Đào Cương (93 tuổi), hiện sinh sống tại Thôn Tân An, xã Đức Tùng có nhà sát với hàng rào bên trái nhà bà Hàn Bình, nguyên là cán bộ chính quyền xã Đức Tùng đang tỏ ra hết sức rất minh mẫn cũng khẳng định: Căn nhà của bà Hàn Bình là nhà ở được xây dựng từ năm 1946. Giữa gia đình bố mẹ cụ Cương và gia đình bà Hàn Bình có mối quan hệ làng xóm rất gần gũi.
Sau khi kháng chiến chống Pháp thành công, trước khi chuyển ra Vinh, bà Hàn Bình có tặng gia đình cụ 1 chiếc gương lớn. Hiện chiếc gương đã được bảo tàng Nghệ An đã trưng dụng vào năm 2018.
Cụ Phạm Thị Ngụ (90 tuổi) hiện sinh sống tại Thôn Tân An, xã Đức Tùng, có nhà ở sát với hàng rào bên phải nhà bà Hàn Bình cũng đang rất minh mẫn cho biết: Ông bà Hàn Binh về đây làm nhà ở từ năm 1946. Sau khi kháng chiến chống Pháp thành công, trước khi chuyển ra Vinh, bà Hàn Bình có tặng gia đình cụ 1 bức hoành phi, 2 khung ảnh và 1 nồi đồng. Hiện chiếc nồi đồng đã hư hỏng còn các hiện vật khác vẫn được gia đình bảo quản cẩn thận.
Với sự thật không thể chối cãi về ngôi nhà của bà Hàn Bình được xây dựng từ năm 1946 để làm nhà ở, ông bà Hàn Bình và con, cháu trong gia đình đã từng sinh sống gắn bó với vùng quê này cả một khoảng thời gian dài khoảng 10 năm. Ngôi nhà hiện vẫn còn nguyên vẹn, dù bị xuống cấp hư hỏng nhiều nơi do không được bảo quản.
Vì vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục ra văn bản số: 583/UBND-PC1 yêu cầu, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh phối hợp với địa phương và các cơ quan chức năng cần phải xác minh việc báo nêu để lập hồ sơ công nhận di tích Văn hóa- Lịch sử, đối với ngôi nhà của mẹ Việt Nam anh hùng Đậu Thị Thư.