CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:40

Hà Tĩnh: Phát hiện nhiều hiện vật xung quanh ngôi nhà mẹ vợ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Hà Tĩnh: Phát hiện nhiều hiện vật xung quanh ngôi nhà mẹ vợ Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh 1.

Bức hoành phi do bà Hàn Bình (Mẹ VNAH Đậu Thị Thư, mẹ vợ Đại tướng Võ Nguyên Giáp) tặng gia đình bà Trần Thị Ngụ vào năm 1957

Cụ thể văn bản số: 602, ngày 27/6 của Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc kiểm tra, xác minh, phản ánh của Báo Dân sinh. Trong đó, nội dung của văn bản có đề cập đến: "Sự tồn tại của ngôi nhà của Mẹ VNAH Đậu Thị Thư là có thật. Tuy nhiên như báo nêu ngôi nhà được làm trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ( 1946 - 1954) sau khi gia đình bà Đậu Thị Thư chuyển từ Vinh về quê ngoại tại xã Đức Tùng, huyện Đức Thọ thực hiện lệnh kêu gọi tiêu thổ kháng chiến của Hồ Chủ tịch là không đúng, mà ngôi nhà được làm từ khoảng năm 1920 đến 1930 làm nhà kho, vận chuyển hàng hóa từ ga Yên Trung ra ga Vinh và ngược lại".

Vì cho rằng, đây chỉ là nhà kho không phải nhà ở của gia đình Mẹ VNAH Đậu Thị Thư -mẹ của LS Nguyễn Thị Minh Khai và LS Nguyễn Thị Quang Thái (vợ đầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) nên Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh cho là không đủ điều kiện để lập hồ sơ xếp hạng di tích văn hóa, lịch sử.

Hà Tĩnh: Phát hiện nhiều hiện vật xung quanh ngôi nhà mẹ vợ Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh 2.

Ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và vợ Nguyễn Thị Quang Thái do gia đình cụ Trần Thị Ngụ, thôn Tân An, xã Đức Tùng, huyện Đức Thọ cung cấp

Trong lúc đó, cụ Đào Cương (93 tuôi) hiện sinh sống tại thôn Tân An, xã Đức Tùng, huyện Đức Thọ có nhà ở sát hàng rào phía bên phải ngôi nhà của Mẹ VNAH Đậu Thị Thư, (mẹ vợ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) tỏ ra bức xúc trước thông tin này!

Cụ khẳng định: Năm 1946, gia đình Mẹ VNAH Đậu Thị Thư, còn gọi là bà Hàn Bình từ Vinh về quê ngoại tại xã Đức Tùng mua đất tại thôn Tân Tùng, nay là thôn Tân An làm nhà ở. Căn nhà chính được làm bằng gỗ lim 3 gian lợp ngói tây, xây tường bao hiện đang bị xuống cấp và một căn nhà ngang đã bị tháo dỡ.

Hà Tĩnh: Phát hiện nhiều hiện vật xung quanh ngôi nhà mẹ vợ Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh 3.

Cụ Đào Cương, 94 tuổi khẳng định nhà Mẹ VNAH Đậu Thị Thư được xây dựng làm nhà ở vào năm 1946

Lời kể này hoàn toàn khớp với nguồn tin  của nhà nghiên cứu dân gian, thạc sĩ Phan Văn Thắng, nguyên Tổng biên tập Tạp chí văn hóa Hà Tĩnh và nguyên Tổng biên tập Tạp chí văn hóa Nghệ An cung cấp. Ông Thắng cho biết: Thời điểm năm 1946, thực hiện lệnh tiêu thổ kháng chiến, nên gia đình bà Hàn Bình từ TP. Vinh (Nghệ An) sơ tán về quê ngoại ở xã Đức Tùng, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) làm nhà sinh sống.

Cũng theo cụ Đào Cương, đến cuối năm 1957, gia đình bà Hàn Bình lại chuyển ra Vinh, sau đó một thời gian chuyển ra Hà Nội. Trước đó, năm 1956, một buổi tối, có một người đàn ông khoảng gần 50 tuổi về thăm nhà bà Hàn Bình và ở lại đó 2 ngày nhưng không ngủ trong nhà, mà sang nhà cố Đào Thắng là thân sinh của cụ Đào Cương để ngủ.

Hà Tĩnh: Phát hiện nhiều hiện vật xung quanh ngôi nhà mẹ vợ Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh 4.

Ngôi nhà của cố Đào Thi, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng 2 lần ngủ tại đây vào năm 1956 và 1957

Cố Đào Thắng (SN 1900) từng làm công nhân đường sắt, sau cách mạnh tháng Tám cố bỏ về quê sinh sống, nhà cố có cùng hàng rào vườn bên phải nhà bà Hàn Bình.

Đến đầu năm 1957, người đàn ông đó lại quay về thăm gia đình bà Hàn Bình, và tối về ông cũng sang ngủ với cố Đào Thắng rồi dậy đi rất sớm. Lúc này cố Đào Thắng mới nói cho con trai Đào Cương biết được người đó chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Cuối năm 1957, trước khi gia đình bà Hàn Bình chuyển ra Vinh, ông bà Hàn Bình có sang nhà cố Đào Thắng chơi và tặng gia đình 1 cái gương soi làm bằng khung gỗ với kích thước rộng 60cm, rộng 90 cm. Hiện tấm gương được gia đình bàn giao cho Bảo tàng Nghệ An vào ngày 21/3/2018.

Hà Tĩnh: Phát hiện nhiều hiện vật xung quanh ngôi nhà mẹ vợ Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh 5.

Cụ Phạm Thị Ngụ 90 tuổi hiện sinh sống tại thôn Tân An, xã Đức Tùng, huyện Đức Thọ

Cũng vào thời điểm trên, ông bà Hàn Bình còn sang nhà cụ Phạm Thị Ngụ (SN 1930) cùng chung hàng rào phía bên phải nhà bà Hàn Bình chơi và tặng gia đình bà Phạm Thị Ngụ 1 đôi khung ảnh bằng gỗ hình bầu dục, có chiều rộng khoảng 40cm, cao khoảng 60 cm được trang trí hoa văn rất đẹp, và một bức hoành phi có 4 chữ "Vịnh chính gia xanh" được khắc bằng chữ Trung Quốc, cùng 1 cái nồi đồng.

Hiện nay bức hoành phi vẫn còn nguyên vẹn, đang được treo gian chính nhà cụ Phạm Thị Ngụ đang ở. 2 khung ảnh cũng còn nguyên được anh Phạm Như Tuyên (SN 1964), con trai của cụ Phạm Thị Ngụ cất giữ tại nhà riêng ở thị trấn Đức Thọ.

Hà Tĩnh: Phát hiện nhiều hiện vật xung quanh ngôi nhà mẹ vợ Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh 6.

Biên bản gia đình cụ Đào Cương bàn giao hiện vật gương cho Bảo tàng Nghệ An do bà Hàn Bình tặng gia đình cụ năm 1957

Cụ Trần Thị Ngụ vẫn rất minh mẫn cho biết: Thời bà Hàn Bình còn sinh sống trong làng, đi đường gặp bất kì một cành củi, gốc mía nào... bà Hàn Bình đều nhặt về phơi khô để đun nấu. Tính tình bà Hàn Bình rất tiết kiệm, nhưng cũng rất rộng rãi với bà con hàng xóm.

Chồng cụ Trần Thị Ngụ là cụ Phạm Thiện (SN 1928, đã chết). Thời kì đó cụ Thiện làm nghề chèo đò trên sông Lam, từng chở ông bà Hàn Bình và Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhiều lần từ Đức Thọ đi Bến Thủy và ngược lại.

Hà Tĩnh: Phát hiện nhiều hiện vật xung quanh ngôi nhà mẹ vợ Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh 7.

Ngôi nhà của Mẹ VNAH Đậu Thị Thư nay đang xuống cấp nghiêm trọng

Thời đó, cụ Trần Thị Ngụ cũng thường sang nhà bà Hàn Bình chơi với bà Hiên, ông Quỳnh, ông Dung và ông Tú là em ruột của LS Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Thị Quang Thái, con của ông bà Hàn Bình.

Anh Phạm Như Tuyên cho biết, bác sĩ Nguyễn Huy Dung, em trai LS Nguyễn Thị Minh Khai hiện sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh. Trong thời gian ông còn công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP. HCM, biết được ai là người dân xã Đức Tùng vào khám chữa bệnh ông đều giúp đỡ hết sức nhiệt tình. Gặp người dân xã Đức Tùng, ông thường hay nhắc tới những kỉ niệm từ thời gia đình ông còn sinh sống ở quê ngoại.

Hà Tĩnh: Phát hiện nhiều hiện vật xung quanh ngôi nhà mẹ vợ Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh 8.

Bác sĩ Nguyễn Huy Dung, em trai LS Nguyễn Thị Minh Khai ( ảnh tư liệu do gia đình cụ Trần Thị Ngụ cung cấp)

Với những nhân chứng, vật chứng trên, cùng với tài liệu, hình ảnh có được cho thấy, căn nhà của Mẹ VNAH Đậu Thị Thư là nhà ở, được xây dựng trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954).

Hiện căn nhà đang bị xuống cấp nghiêm trọng, cần được tu sửa, bảo quản và lập hồ sơ xếp hạng di tích văn hóa, lịch sử.

NGUYỄN NGỌC VƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh