THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:50

Hà Giang vào "mùa" phá rừng đặc dụng!

 

Bài 1: Cận cảnh rừng nghiến bị phá

Cuối năm 2015 và những tháng cuối năm 2016 tại đây lại “nóng” tình trạng các đối tượng vào rừng khai thác gỗ nghiến cổ thụ.

Rất nhiều cây nghiến cao hàng chục mét, đường kính từ 1 – 2 mét đã bị băm nát thành những chiếc thớt để bán sang Trung Quốc.

Trở lại điểm nóng Minh Tân

Những ngày cuối tháng 9/2016 chúng tôi nhận được thông tin có ít nhất 3 cây nghiến cổ thụ đường kính thân lên đến 2m, khối lượng hơn 20 mét khối vừa bị lâm tặc chặt hạ và dùng cưa máy cưa xẻ thành những chiếc thớt rồi vận chuyển ra khỏi rừng tại khu vực Lũng Chuối, thôn Lũng Thiềng, xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Phải mất rất nhiều thời gian chúng tôi mới đến được địa điểm 3 cây nghiến vừa bị chặt hạ, bởi đến đây từ thành phố Hà Giang chỉ có một con đường duy nhất rẽ từ quốc lộ 4C chạy qua địa bàn xã Minh Tân để lên các thôn bản vùng cao của xã, nằm trong vùng lõi của rừng đặc dụng Phong Quang.

Con đường duy nhất và các bản vùng cao của xã Minh Tân

Cách con đường độc đạo này khoảng 100m là một cây gỗ nghiến đường kính gần một mét vừa bị lâm tặc chặt hạ cách đây ít hôm, đoạn gốc cây dài khoảng 5m đã bị cưa thành những thanh nhỏ và được vận chuyển ra khỏi rừng, hiện trường lá cây còn tươi, ngọn cây bị cưa đỏ au… Con đường lâm tặc chuyển gỗ qua những vách đá tai mèo sắc nhọn dấu vết để lại còn rất mới.

Cách đó không xa, thêm hai cây nghiến cổ thụ vừa bị chặt hạ nữa, tại đây một cây nghiến có đường kính thân lên đến 2m, dài hàng chục mét vừa mới bị cưa đổ, phần thân cây đã bị lâm tặc cưa thành từng khúc, và thành chiếc thớt dày khoảng 30cm, rộng 40cm rồi vận chuyển đi tiêu thụ, cạnh thân cây này nhiều chiếc thớt đang được cất giấu dưới tán lá cây, các dụng cụ để phục vụ cho việc cưa xẻ vẫn còn ở hiện trường.

Rừng đặc dụng Phong Quang có rất nhiều nghiến cổ thụ

Qua tìm hiểu được biết, 3 cây nghiến vừa bị cưa đổ, xẻ thịt thuộc khoảng 21 và 22, tiểu khu 117E vùng lõi rừng đặc dụng Phong Quang. Trước đó, vào tháng 6 năm 2016 cũng tại khu vực này, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện 5 cây gỗ nghiến bị cưa đổ, trong đó có một số cây còn rất mới, với tổng khối lượng hơn 130 mét khối.

Đây chỉ là một trong số ít những cây nghiến bị cưa đổ trong khu rừng đặc dụng Phong Quang. Tại khu vực thôn Hoàng Lỳ Pả hiện còn hàng chục cây nghiến khác đã bị cưa đổ cách đây vài năm.

Một cây nghiến cổ thụ bị lâm tặc mới cưa đổ

Những khó khăn muôn thuở

Kết thúc chuyến xuyên rừng thực tế, trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Văn Công, cán bộ pháp chế Hạt kiểm lâm Phong Quang ngao ngán: “Quá trình đấu tranh phòng chống khai thác rừng trái phép tại khu rừng đặc dụng Phong Quang gặp rất nhiều khó khăn”.

Theo ông Công, khó khăn thứ nhất là do địa hình phức tạp, độc đường núi đá, đường vào chỉ có một đường duy nhất, đường bị các đối tượng canh gác rất kĩ, ngành kiểm lâm thì đã làm hết công tác tuyên truyền và kí cam kết từng hộ dân, nhưng rừng vẫn bị phá.

Được biết sở dĩ rừng bị phá nhanh như hiện nay bởi từ khi xuất hiện cưa xăng, đây được coi là một công cụ phá rừng không thể thiếu của lâm tặc, và cũng là nguyên nhân gây đau đầu cho nhà quản lý. “Hiện nay cưa xăng là tài sản riêng của dân nên không thể bắt người dân mang về được, chỉ có vận động, vận động được một thời gian thì hiện nay người dân không nộp nữa. Trước là vận động là về để tại hội trường thôn tập chung, khi người dân sử dụng thì sẽ báo cáo dùng để cắt cái gì, làm củi, làm đuốc hay làm gì đấy. Sau quá trình một thời gian thì người dân lại thôi, không giao nộp nữa” – ông Công nói.

Còn việc tổ chức mật phục để bắt thì gặp rất nhiều khó khăn. Có những cây gỗ sau khi bị cưa đổ, cán bộ kiểm lâm nằm một tuần trời cũng không thể bắt được đối tượng. Đến khi tìm theo dấu vết về đến nhà thì người dân đã bào sẵn để làm nhà. “Chúng tôi cũng mời cả chính quyền địa phương đến để làm việc nhưng số lượng quá ít chưa đủ để khởi tố” – vị cán bộ pháp chế cho biết.

Tìm hiểu tại địa phương chúng tôi được biết, phương thức khai thác chủ yếu là dùng cưa xăng và cho người thân gác xung quanh, gác từ đầu đường, thậm chí từ trạm kiểm lâm. “Chúng tôi đi làm thì không phải là một cá nhân mà có cả biên phòng cả công an và chính quyền địa phương, có thôn bản vì thôn bản là người ở cùng với dân. Nếu có đi kiểm tra thì một là lộ, hai nữa là dân người ta tránh, người dân họ sợ khi đi cùng kiểm tra về là ao cá, vườn tược bị các đối tượng phá, nên trong thôn không dám đi” – một cán bộ kiểm lâm rừng đặc dụng Phong Quang chia sẻ.

Ông Nguyễn Việt Hưng (bên trái), Giám đốc Ban quản lý, kiêm Hạt trưởng Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Phong Quang

Ông Nguyễn Việt Hưng, Giám đốc Ban quản lý, kiêm Hạt trưởng Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Phong Quang, cho biết: “Trên địa bàn này những người khai thác lậu chủ yếu làm về ban đêm. Ban ngày vào chỉ thấy lặng yên nên gặp rất nhiều khó khăn khi truy bắt những đối tượng, nếu đi ban đêm lại không thể đi mà không bật đèn được, mà bật đèn thì bị các đối tượng phát hiện ra”.

“Rừng chúng tôi quản lý gặp thêm khó khăn nữa là ở chỗ không thể giáp mặt các đối tượng được, nếu giáp mặt thì sẽ nhận ra ngay. Trong khi đó các đối tượng chỉ nấp ở những hang đá, chỗ kín để ném đá cơ quan chức năng, chúng tôi đã nhiều lần đổ máu để giữ rừng” – ông Hưng nói.

Rừng đặc dụng Phong Quang ban đầu có diện tích 9.200ha, sau đó được điều chỉnh và phân định ranh giới Việt Nam với Trung Quốc và mở rộng diện tích ở xã Minh Tân thêm 97,67ha. Hiện tại tổng diện tích tự nhiên là 8.563,05ha, trong đó có phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 4.284,19ha, phân khu bảo vệ sinh thái là 4.278,51ha. Nằm trên địa bàn 4 xã và một phần của phường Quang Trung. Các xã bao gồm xã Minh  Tân, Thuận Hòa, Phong Quang và Thanh Thủy.

 

Gỗ nghiến cổ thụ bị xẻ thịt

Còn nữa.

Hoàng Đình Tưởng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh