THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:55

Thâm nhập cung đường buôn gỗ lậu ở Cao Bằng

Bài 1: Vì sao rừng già “rỉ máu”?

 Dọc tuyến đường liên các xã: Nam Quang, Tân Việt, Nam Cao (thuộc huyện Bảo Lâm, Cao Bằng) hầu hết là những ngôi nhà sàn 3 gian, 2 trái được dựng bằng gỗ nghiến, sấu…Những ngồi nhà này không chỉ được xây dựng gần như 100% bằng gỗ, mà dưới gầm mỗi nhà lúc nào cũng có hàng chục, hàng trăm khối gỗ đã  xẻ, chất thành từng đống chờ “ngày đẹp” lên đường. Đặc biệt, trong thời gian đi thực tế ở xã Nam Cao, chúng tôi được biết, mỗi tuần đều có vài xe gỗ lậu được chở ra thị trấn Pác Miầu, để từ đó được chuyển đi tiêu thụ ở những địa bàn khác...

Gỗ chất đầy gầm sàn nhà người dân ở xã Nam Quang.

 Gỗ lậu đội lốt nhà sàn...

Trong vai một khách du lịch muốn tìm hiểu về văn hóa nhà sàn tại các bản làng ở Cao Bằng, chúng tôi đã phần nào hiểu lý do rừng càng cấm khai thác thì càng cạn kiệt nguồn tài nguyên gỗ. Nhiều bà con vùng cao ở các xã Nam Cao, Nam Quang cho biết, hầu hết nhà dân ở đây làm theo kiểu nhà sàn, được dựng lên từ khoảng 5 năm về trước, bởi hồi đó gỗ rất nhiều, giờ đây do tình trạng lợi dụng lấy gỗ làm nhà biến hóa đem đi bán, cứ như vậy những cánh rừng già biến mất, tài nguyên gỗ giảm đi đáng kể.

Ông Ma Văn Túc, người dân xã Nam Quang cho biết: “Bây giờ bà con làm nhà chủ yếu là gỗ thường, còn các loại gỗ quý như nghiến, táu, sến… để dành bán. Những loại gỗ này trong rừng sâu cũng không còn nhiều vì bị khai thác hết. Các loại gỗ khác quý hơn như kháo đá, dạ hương, thậm chí cả gốc rễ cũng trở nên hiếm do các thương lái bên Trung Quốc thu mua nhiều trong những năm qua”.

Ông Túc dẫn chúng tôi về ngôi nhà được dựng toàn bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương. Quan sát kỹ ngôi nhà, chúng tôi hỏi: “Nếu có người mua nhà thì ông có bán không?”. Chẳng ngần ngại, ông Túc bảo: “Mua nhà à, được giá bán luôn. Có người trả 200 triệu rồi nhưng tôi không bán, bây giờ hiếm gỗ nên giá đó chưa bán được”. Dứt lời, ông Túc giải thích thêm để chúng tôi hiểu rằng, hiện nay khách chỉ mua nhà cũ thì mới vận chuyển được, khi cơ quan chức năng kiểm tra thấy có mạng nhện bám vào, hoặc những mảng đen ám khói thì họ mới cho chuyển. “Những nhà mới sau khi đục, đẽo rồi lắp thành khung, sau đó vận chuyển đi nơi khác bán là kiểm lâm bắt ngay. Ở mấy xã gần đây người ta đang dự trữ rất nhiều gỗ để làm nhà, tất nhiên là sẽ làm cho nó cũ đi, nếu được giá là họ bán đó”, ông Túc bày cách mua bán nhà.  Từ thông tin từ ông Túc cung cấp, chúng tôi được biết tại các xã Nam Cao, Nam Quang, Tân Việt, hầu như gia đình nào cũng để gỗ tại nhà, chủ yếu là gỗ nghiến, sấu, khi có người mua họ sẵn sàng bán ngay. Gỗ được xẻ thành cột nhà, xà, kèo, và rất nhiều ván.

Gỗ xếp chồng chất lên nhau để bán ở xã Nam Cao.

Chợ gỗ hoạt động công khai?

Quan sát ven con đường liên xã của 3 xã nêu trên, hâu như nhà nào cũng có gỗ, nhà ít thì vài thanh, nhà nhiều lên đến cả chục mét khối. Không chỉ ở nhà dân mà ngay trước cửa trụ sở UBND xã Nam Quang, hàng trăm tấm ván gỗ thành phẩm cũng được xếp chồng lên nhau, phủ bạt kín để chờ “giờ đẹp” lên đường?

Từ thông tin mà chúng tôi có được, đi qua các xã Nam Quang, Tân Việt là xã Nam Cao, nơi đây được coi là “thủ phủ” nghiến của tỉnh Cao Bằng. Được biết tại xã này tình trạng phá rừng lấy gỗ vẫn thưởng xuyên diễn ra.

Cách thị trấn Pác Miầu khoảng 30km, dọc con đường vào xã Nam Cao, chúng tôi bắt gặp cảnh gỗ dạng ván, cột vuông được bày bán công khai ven đường hoặc chất đống để bán như người dân bày bán mớ rau ở chợ. 

Theo giới thiệu của người dân địa phương, chúng tôi vào khu chợ của gia đình ông Đặng Văn Nam ở thôn Tông Phượng, xã Nam Cao. Ông Nam và vợ (bà Đặng Thị Diệt) có con trai tên Tá, là trưởng thôn. Qua tìm hiểu được biết, ông Nam là một trong những đối tượng thu mua, buôn bán gỗ khét tiếng ở xã Nam Cao này. Chẳng thế mà trong ngôi nhà gỗ của ông Nam, rộng 4 gian, gỗ được bày khắp trong nhà, ngoài hiên, thậm chí là ngoài sân đâu cũng là gỗ nghiến, gỗ đã được xẻ thành ván, cột nhà, sập, và khuôn bao cửa. Ước tính số lượng gỗ tại nhà ông Nam lên đến cả trăm mét khối.

Gỗ trong kho của gia đình ông Đặng Văn Nam.

Chúng tôi vừa quan sát, vừa ghi hình hai gian nhà làm kho chứa gỗ, một gian để gỗ dạng sập, một gian để khuôn bao cửa với số lượng lên đến vài trăm thanh, nhìn bên ngoài không thể biết được bên trong nhà là một kho gỗ lớn, chỉ khi đưa máy quay qua khe cửa thì những gì bên trong mới hiển hiện qua màn hình.

Trước cửa nhà ông Nam là một khu chợ được dựng toàn bằng gỗ, qua trao đổi với bà Diệt, chúng tôi được biết, gia đình bà đã xây dựng khu chợ này với diện tích hàng nghìn mét vuông bằng gỗ, gồm khoảng 30 gian bán hàng cho những người buôn bán thuê đều được làm bằng gỗ, ván lát cũng bằng gỗ, dưới những tấm ván đó rất nhiều thanh gỗ dạng khuôn cửa, xiên nhà được xếp chồng chất lên nhau. Được biết, toàn bộ số gỗ khổng lồ trên đều thuộc quyền sở hữu của gia đình ông Nam.

Những ngày ở xã Nam Cao, chúng tôi còn nắm bắt thông tin, hầu như tối thứ bảy, chủ nhật nào cũng có vài xe gỗ chở từ đây ra thị trấn Pác Miầu và việc vận chuyển gỗ lậu ra khỏi địa bàn… không hề khó. 

Gỗ lậu “đi đêm”…

Được biết, để qua mặt cơ quan chức năng, vào buổi chiều, các xe tải từ thị trấn Pác Miầu sẽ di chuyển vào xã Nam Cao chở gỗ ra thị trấn vào ban đêm. Con đường độc đạo để ra Pác Miầu phải qua cây cầu treo bắc qua sông Gâm ở đầu thị trấn.

Biết được thông tin đêm 31/5 sẽ có xe chở gỗ nhưng không biết họ chở ra vào thời gian nào, cả nhóm chúng tôi đã chia ra mỗi điểm một người để nắm tình hình, người thì ở trước Hạt kiểm lâm, người ở đầu cầu treo bắc qua sông Gâm, người thì ẩn mình trong nương ngô xanh tốt ven đường, mọi thông tin được chúng tôi liên hệ qua điện thoại.

Khu chợ gỗ của vợ chồng ông Nam.

Sau gần 4 giờ đồng hồ mai phục, đến khoảng 21 giờ, khi chúng tôi rủ nhau đi ăn tối thì bất ngờ phát hiện một xe tải 2,5 tấn chở gỗ dạng ván xuất hiện, quan sát từ xa trên xe có rất nhiều gỗ. Đến đầu cầu chiếc xe này dừng lại, ngay lập tức, 3 xe tải khác đã chờ sẵn trên quốc lộ 34 ở đầu cầu bên thị trấn. Tức thì, hàng chục thanh niên đã chờ sẵn ở quán nước đầu cầu nhanh chóng lên xe san gỗ sang các xe khác, vì cầu chỉ có thiết kế trọng tải 1,5 tấn. Chứng kiến cảnh này, chúng tôi ngay lập tức báo cho ông Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm bằng điện thoại, ông này nghe máy và nói “sẽ cho người đến kiểm tra, xử lý ngay”. Tuy nhiên, khoảng 30 phút sau đó không hề có bóng dáng kiểm lâm đến kiểm tra, dù trụ sở Hạt cách đó chỉ khoảng 1km.

Sau khi san hạ tải xong số gỗ trên, hai xe tải leo dốc và quay trở lại xã Nam Cao, còn hai xe khác chất đầu gỗ qua cầu về thị trấn Pác Miầu. Điều đáng nói, xe gỗ qua cửa Hạt kiểm lâm nhưng không hề thấy ai kiểm tra, dù trước đó chúng tôi đã báo với lực lượng này. Theo dõi hai xe tải, chúng tôi thấy gỗ được chở qua con đường dẫn thẳng lên UBND huyện Bảo Lâm rồi mất hút... Sáng hôm sau, chúng tôi quay trở lại nơi hai chiếc xe tải chở gỗ lên thị trấn thì chỉ con lại dấu vết của những bánh xe qua lại làm dập nát cỏ. Và, chiếc xe tải được chúng tôi ghi hình tối hôm trước đang đỗ tại một quán ăn gần đó, gỗ đã được chuyển ra khỏi xe.

Mất khá nhiều thời gian ở thị trấn Pác Miầu, chúng tôi biết thêm được thông tin từ một số người bán hàng cho biết, ở khu chợ hải sản tươi sống tại trung tâm Pác Miầu có một số đối tượng đang cất giấu gỗ ở đó.

Theo quan sát, trong khu chợ rộng hàng nghìn mét vuông với hàng trăm gian hàng nhưng số người bán hàng rất ít. Tại một góc chợ có một xưởng xẻ với rất nhiều gỗ nghiến dạng tròn và hộp, được cất giấu tại một trạm điện gần đó.

Không chỉ vậy, bên trong góc chợ còn nhiều tấm gỗ dạng sập dày khoảng 10cm, rộng 90cm, dài khoảng 2m đã được phủ bạt cẩn thận, quanh đó là nhiều ván gỗ và các thanh xếp chồng lên nhau.

Cách chợ hải sản tươi sống Pác Miầu không xa còn một xưởng đóng đồ gỗ mộc khác cũng đang cất giấu hàng chục mét khối gỗ dạng thớt và lục bình, ván gỗ cũng được che bạt xanh phủ kín cẩn thận.

HOÀNG TƯỞNG-THANH NGỌC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh