THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:35

Thâm nhập cung đường gỗ lậu ở Cao Bằng

Hàng loạt khúc gỗ nghiến tập kết la liệt giữa khoảng trống gần trung tâm xã Triệu Nguyên.

 

Vào thủ phủ phá rừng 

 Trong vai người đi tìm mua gỗ quý, qua đầu mối thông tin do một phụ nữ thường trú ở khu vực thị trấn Nguyên Bình, chúng tôi đã tới hai xã Triệu Nguyên và Mai Long được coi là “thủ phủ” điểm nóng của nạn phá rừng. Thấy chúng tôi muốn mua gỗ với số lượng lớn, người phụ nữ tên Nông Thị L giới thiệu gặp hai người đàn ông tên Khèo và Dua ở xóm Căm Ngoạ (xã Triệu Nguyên). Sau nhiều lần liên hệ qua lại, tỏ ra tin tưởng, hai người chuyên khai thác gỗ nghiến đã mời chúng tôi về nhà, với lời khẳng định chắc nịch: “Mua bán xong, sẽ xe tải chở đi theo yêu cầu của khách, đảm bảo không bị công an, kiểm lâm hỏi???”.

Vừa dẫn đường chúng tôi vào rừng, anh Dua vừa cho biết, gỗ cưa nhiều ở Lũng Thàn, Cua Càng. Sau khoảng 1 giờ leo núi qua nhiều rừng trúc, nương ngô, vách đá tai mèo sắc nhọn, chúng tôi được anh Khèo, anh Dua và một người nữa dẫn đoàn vào khu vực Cua Càng xem gỗ. Tại đây, đập vào mắt chúng tôi là nhiều cây gỗ quý như nghiến, kháo, sồi bị cưa đổ, xẻ nằm ngổn ngang. Đi dọc theo khe suối về bên Lũng Thàn, rất nhiều cây gỗ nghiến đã bị cưa đổ còn tươi nguyên, cắt khúc chuẩn bị được đưa ra khỏi rừng. Anh Khèo và anh Dua đưa chúng tôi đến cây gỗ nghiến mà nhóm này đã cưa đổ dã lâu, dài khoảng 10m, đường kính hơn 1m. Một người trong nhóm bảo: “Nhìn bề ngoài cũ thế, chứ bên trong xẻ ra là đỏ au. Nếu xẻ nhỏ ra từng tấm, một ô tô 8 tấn chở mới hết được, nếu muốn lấy thêm, bọn tôi còn 6 cây ở hẻm núi bên kia…”.

Lán trại dựng công khai cho người lao động ăn ngủ vận chuyển gỗ.

Đột nhiên nghe tiếng cưa máy vang vọng từ khe núi phía dưới vọng lên vang động khắp núi rừng. Cách nơi chúng tôi đang đứng, một nhóm người đang sử dụng  3 cưa máy để xẻ gỗ nghiến. Hỏi được biết, gỗ đang xẻ là nghiến do một ông chủ ở TP.  Cao Bằng thu mua, “núp bóng” dưới hình thức trúng đấu giá và tiến hành khai thác theo phương thức tận thu.  Được biết, việc tận thu gỗ đã được thực hiện nhiều năm qua, do một doanh nghiệp có tiếng về thu mua gỗ ở TP. Cao Bằng tổ chức vận chuyển gỗ từ rừng ra đến trung tâm xã Triệu Nguyên, giao cho khách hàng.

Từ nơi chúng tôi xem gỗ, đi khoảng 30 phút đường rừng xuống khe núi, thấy diễn ra việc khai thác gỗ nghiến với hàng chục người đang tất bật làm việc. Gỗ sau khi  được xẻ nhỏ, để việc khai thác vận chuyển gỗ được thuận tiện, nhóm khai thác đã sử dụng dây cáp treo có ròng rọc, máy tời để đưa ra khỏi rừng. “Gỗ nghiến sau khi xẻ thành thanh, tấm vuông vắn được buộc vào dây cáp nối từ đỉnh núi này sang đỉnh núi kia, được đẩy theo ròng rọc kết nối với dây cáp, mỗi điểm sẽ có một nhóm từ 5 -7 người chuyên buộc lên và lấy xuống”, một lao động được thuê xẻ gỗ cho hay. Theo quan sát, trong khu vực khai thác gỗ có 6 đoạn dây cáp nối các đỉnh núi với nhau, mỗi đoạn có chiều dài khoảng 500m, để việc vận chuyển gỗ được dễ dàng, những cây gỗ trên đường kéo cáp sẽ phải chặt hạ.

Những lao động vội vã xếp gỗ trước ngày cận Tết.

Trước đó, vào tháng 5- 6/2015 chúng tôi đã thâm nhập ghi lại cảnh lâm tặc phá rừng nguyên sinh lấy gỗ. Đầu tháng 1/2016, tiếp tục lần theo dấu chân lâm tặc, chúng tôi chứng kiến nhiều mét khối gỗ nghiến đã được vận chuyển ra khỏi rừng già một cách chuyên nghiệp. Những đoạn ròng rọc, cáp treo cùng đội ngũ bốc xếp chuyên nghiệp, những m3 gỗ nghiến chuyển xuống núi một cách dễ dàng.

Chính quyền bất lực?

Nghe chúng tôi phản ánh hiện trạng việc khai thác gỗ nghiến trái phép tại khu vực Lũng Thàn và Triệu Nguyên, ông Đặng Hùng Chương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cao Bằng tỏ ra bất ngờ: “Chưa nắm được thông tin như PV phản ánh. Chúng tôi sẽ cho người kiểm tra ngay, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật”.

Hệ thống cáp treo chuyên nghiệp được buộc cố định để vận chuyển gỗ ra khỏi rừng.

Còn ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Cao Bằng, khẳng định: “Phá rừng hầu hết do người dân bên huyện Thông Nông xẻ làm thớt, có cả một số người Nguyên Bình cũng tham gia. Đây là điểm phức tạp giáp ranh giữa hai bên”. Đại diện Chi cục kiểm lâm Cao Bằng than thở không thể kiểm soát được tình hình vi phạm phá rừng nguyên sinh là do: “Lực lượng ít, riêng xã Triệu Nguyên rừng rộng hàng  trăm ha, nhưng chỉ có hai cán bộ kiểm lâm địa bàn. Người địa phương vào khai thác họ không bắt, thẩm quyền UBND xã được phạt vi phạm lâm luật đến 5 triệu đồng, chưa phạt lần nào, chủ yếu do kiểm lâm và lực lượng công an phối hợp với địa phương xử phạt…”

Những khúc gỗ nhỏ dài tận thu nằm la liệt giữa rừng.

Sau mỗi chuyến đi thực tế vào khu vực phá rừng, chúng tôi chua xót chứng kiến những cánh rừng già già bị “lâm tặc” băm nát. Và buồn hơn khi mang câu chuyện có thật phản ánh với cơ quan chức năng, nhưng nhận được câu trả lời vẫn kiểu quanh co, biện minh, chối từ đùn đẩy trách nhiệm…cùng lời hứa “sẽ kiểm tra, xử lí nghiêm theo quy định…”.

Trước thực trạng trên, thiết nghĩ cơ quan chức năng như Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTN ), các cơ quan chức năng tỉnh Cao Bằng không thể làm ngơ trước những hoạt động khai thác rừng trái phép công khai như hiện nay.

Thanh Ngọc - Hoàng Tưởng/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh