Người nhiều năm gieo chữ trong nhà lao địch.
- Dược liệu
- 00:39 - 27/01/2015
Hy sinh một phần xương thịt cho đất nước.
Với những người lính trận mạc, kỷ niệm và hồi ức về những năm tháng “nếm mật nằm gai” với họ luôn là một tài sản vô giá, nhất là khi tuổi ngả bóng sang chiều. Ông Giàu cũng vậy, hàng ngày ông vẫn nhớ về những kỷ niệm hào hùng đó, có lẽ nó đã khắc tạc và ông như một phần của cuộc sống còn lắm những nhọc nhằn này.
Thiếu tướng Trần Huy Chúc có lần từng nói về ông Giàu bằng những dòng xúc động: Cuộc đời người lính ấy thăng trầm bao nhiêu thì anh dũng bấy nhiêu. Cái dáng hình gầy guộc, nhỏ bé ấy có sức chịu đựng và đấu tranh bền bỉ đến phi thường. Đặc biệt, chuyện gieo chữ và làm công tác tuyên truyền cho các chiến sỹ bị bắt trong nhà lao của địch là điều khiến cho hàng ngàn người phải ghi nhớ về Lê Văn Giàu”.
Ở cái tuổi 75, sức khỏe của ông như giảm sút đi nhiều. Nhắc lại những năm tháng đáng nhớ của đời mình, ông Giàu kể: Gia đình tôi vốn có truyền thống cách mạng. Lúc nhỏ nhà nghèo, tôi đi làm đủ thứ việc, tối về thì âm thầm học chữ, học hết chỗ này đến chỗ kia. Nhiều khi đang trong thời chiến tranh không có trường thì phải tìm đến người biết chữ để họ dạy cho.
Nhà tù Côn Đảo nơi ông Giàu từng “nếm mật nằm gai”.
Khi bước vào tuổi thanh niên, lòng căm thù giặc ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ, vậy là bằng mọi giá tôi muốn xung phong ra trận. Với sự hoạt bát, nhanh nhạy, Lê Văn Giàu nhanh chóng trở thành tiểu đội trưởng du kích, ngày đêm chống lại những trận càn tàn ác của kẻ địch.
Cánh tay phải của ông Giàu bị thương nặng trong một trận đánh. Dù vậy nhưng ông vẫn không chịu ngồi yên, các đồng đội băng bó xong vết thương, cấp trên cho an dưỡng nhưng ông nhất quyết không chịu mà xung phong vào đội văn nghệ tuyên truyền những bài ca cách mạng cho các đồng đội của ông.
Ông bảo, dù có hy sinh hết sức máu xương, dù có khổ ải đến đâu nhưng làm được điều ý nghĩa cho đồng đội, cho tổ quốc là niềm hạnh phúc lớn nhất rồi.
Gieo chữ giữa nhà lao của địch
Năm 1967, cuộc chiến tranh bước vào giai đoạn ác liệt hơn, địch mở cuộc càn Xê-đa-phôn vào vùng Tam giác sắt, ông Giàu đã bị địch bắt và mang về nhà giam Hố Nai của tỉnh Đồng Nai để giam giữ.
Nhà giam Hố Nai khi đó được địch đặt ký hiệu với cái tên mỹ miều là trung tâm cải huấn B38 hòng mị dân vì thực chất trong đó là một nhà tù với những hình thức tra tấn dã man hơn cả thời trung cổ.
Ông Lê Văn Giàu sau bao thăng trầm, cống hiến.
Có khi ông bị đánh và hành hạ đến ngất xỉu đi, tưởng như đã chết. Bỏ đói, treo chân tay, ngủ dưới nền lạnh, dùng ghim kìm kẹp… ông đều nếm đủ. Nhưng trong lòng ông luôn xác định, dù có chết chứ nhất định không khai ra bất cứ điều gì của tổ chức.
Tại nhà giam Hố Nai này, trong những giờ tập trung toàn trại ông Lê Văn Giàu đã nhanh chóng kết nối được gần 100 chiến sỹ cách mạng. Phần lớn trong số này đều không biết chữ, họ xung phong vào trận mạc với tất cả lòng dũng cảm và quyết tâm của mình. Sau này Lê Văn Giàu còn được nhốt chung với nhiều chiến sỹ trong số này.
Nhiều đêm trằn trọc, ông Giàu nghĩ ra cách lấy bàn chải đánh rằng hoặc ngón tay làm bút, nền đất, nền gạch làm vở để miệt mài dạy chữ cho các anh em chiến sỹ.
Gần 6 năm trong nhà lao Hố Nai này, ông đã truyền chữ và tinh thần chiến đấu kiên trung cho không biết bao nhiêu chiến sỹ. Đặc biệt, người có cách dạy theo dây chuyền, nghĩa là dạy cho người này biết thì tiếp tục truyền dạy cho người khác.
Khi hầu hết đã biết nhận diện mặt chữ và biết đọc các tài liệu tuyên truyền, ông tổ chức liên tục các cuộc đấu tranh đòi được công bằng, đòi quyền được sinh hoạt văn hóa-văn nghệ trong nhà giam. Khi biết và hiểu rõ lí do các chiến sỹ trở nên kiên cường một phần do Lê Văn Giàu “tiếp lửa”, địch đã cách ly ông ra và tiếp tục tra khảo, hàng chục trận đòn thừa sống thiếu chết.
Tin ngày chiến thắng trong địa ngục trần gian.
Khi đánh đập, hành hạ chỉ còn da bọc xương mà vẫn không khuất phục được ông Giàu, địch đành nghĩ ra cách đẩy ông ra nhà tù Côn Đảo với ý đồ thâm độc là sẽ cho ông chết tại đó. Nhớ lại, ông Giàu thổn thức: "Khi đó, có khi mấy ngày chúng không cho ăn cơm mà chỉ ăn đòn không thôi. Chúng vừa đánh vừa hắt nước lạnh. Bây giờ nhiều di chứng về những trận đánh đó vẫn còn mỗi khi trái gió trở trời. Biết ý đồ thâm độc của chúng nên trước khi bị đày ra Côn Đảo tôi vẫn gắng dặn các đồng đội, dù có còn hơi thở cuối cùng thì cũng hãy cứ tin vào ngày chiến thắng, tin vào cách mạng”.
Vẫn không thể tìm được lí do để xử tử ông Giàu nên năm 1973 bắt buộc địch phải thả tự do cho ông. Ngay khi trở về, không cần đợi sức khỏe hồi phục, ông lại xung phong vào lực lượng giải phóng quân bằng một niềm tin kỳ lạ. Ông Giàu nhớ lại: Ngay từ những ngày trong nhà lao Côn Đảo, dù sức khỏe rất tàn tạ nhưng tôi vẫn tranh thủ dạy chữ cho nhiều đồng đội.
Tôi cùng họ vẫn mơ và tin vào ngày chiến thắng đang đến gần. Khi vừa ra tù, tham gia quân giải phóng, cấp trên thấy ông từng bị thương nặng, bị địch hành hạ nhiều nên bố trí cho ông làm nhiệm vụ dạy học cho con em liệt sỹ. Dù chỉ với một cánh tay còn lành lặn nhưng không quản ngay đêm ông tự đi chặt cây dựng lán làm lớp học dạy cho các con em đồng đội của mình.
Cuộc đời của ông Giàu dường như không có khái niệm nghỉ ngơi. Ông giãi bày: Không làm việc gì, dù chỉ còn một tay lành, một tay tê liệt thì cũng cảm thấy khó chịu trong người lắm. Thế nên ngay khi hòa bình, ông về Ban quân quản Sông Bé cũ làm việc nhưng vết thương cứ liên tục tái phát, cơ quan tính bố trí ông đi điều trị nhưng ông không đi và lại chuyển qua dạy học ở trường Nguyễn Văn Lên.
“Vết thương cũ hành hạ, làm việc cho Ban quân quản không thích hợp thì tôi chuyển qua dạy học, dạy bằng tất cả tâm huyết của mình chứ không đòi hỏi gì cả”. Cho đến gần 10 năm sau, sức khỏe suy giảm mạnh, ông Giàu mới chịu lui về nghỉ ngơi.