THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 12:11

Giảm nghèo đạt chỉ tiêu ở mức cao, kiềm chế hiệu quả tái nghèo

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên thảo luận.

 

Đạt vượt so với mục tiêu đề ra là từ 1 - 1,5%/năm 

Tại phiên họp sáng 17/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Báo cáo Kết quả 02 năm thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 (giai đoạn 2017- 2018), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đến hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 6,7% (giảm 1,53% so với cuối năm 2016).

Theo đó, giai đoạn 2015- 2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm 1,59%/năm, đạt vượt so với mục tiêu đề ra là từ 1- 1,5%/năm.

Cụ thể, theo kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo cả nước cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cả nước là 15,10% (trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là 9,88%), tại các huyện nghèo là 63,26% (trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là 50,43%).
Tính đến cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cả nước giảm còn 13,64; đến cuối năm 2017 giảm còn 12,02% (trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là 6,70%, giảm 1,53% so với cuối năm 2016).

“Cùng với việc giảm số hộ nghèo chung giai đoạn 2015- 2017, tỷ lệ số hộ nghèo thiếu hụt đa chiều cũng có xu hướng giảm trong tổng số tỷ lệ hộ nghèo chung. Ước đến cuối năm 2018, tỷ lệ nghèo cả nước còn dưới 6%, giảm khoảng 1 - 1,3% so với đầu năm 2018, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm trên 4%”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm bình quân 5,43%/năm; tại các xã thuộc Chương trình 135 giảm khoảng 3% - 4%/năm, đạt mục tiêu Quốc hội giao.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trình bày báo cáo

 

Ngoài ra, tình trạng tái nghèo được kiềm chế và có xu hướng giảm tích cực từ 0,13% (năm 2016) xuống 0,10% (năm 2017); 10 tỉnh, thành phố không có tái nghèo; một số tỉnh khó khăn đạt thành tích ấn tượng trong kéo giảm tỷ lệ tái nghèo. 

Ghi nhận những thành quả này, Ủy ban về các vấn đề xã hội tán thành với các đánh giá của Chính phủ về những kết quả quan trọng đạt được trong thực hiện 8 nhiệm vụ về đẩy mạnh giảm nghèo bền vững trong 2 năm (2017 – 2018), thể hiện sự quan tâm chỉ đạo sát sao, tích cực đổi mới công tác điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, phát huy tích cực tham gia của cả hệ thống chính trị và người dân. 

Kết quả giảm nghèo đạt chỉ tiêu Quốc hội giao ở mức cao

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội (UBCVĐXH), thành quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Đến tháng 3-2018, tuy đã có 8/64 huyện thuộc Nghị quyết 30a thoát nghèo; 14/30 huyện hưởng cơ chế 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn nhưng lại bổ sung 29 huyện vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2018 – 2020. 12 tỉnh có tỷ lệ tái nghèo tăng rõ rệt (tăng từ 0,03% trở lên), trong đó có cả một số tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thuận lợi (như Vĩnh Phúc, Khánh Hoà, Kiên Giang); số hộ tái nghèo bằng khoảng 1/20 số hộ thoát nghèo; số hộ nghèo mới phát sinh bằng khoảng 1/4 số hộ thoát nghèo; nhiều tỉnh thuộc khu vực bị thiên tai, lũ lụt nghiêm trọng có tỷ lệ phát sinh hộ nghèo mới hàng năm rất cao.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra 

 

Một trong những nguyên nhân quan trọng đã được cơ quan thẩm tra chỉ rõ là do “một số nguyên nhân chủ quan: tình trạng không muốn thoát nghèo; chưa kịp thời chuyển đổi chính sách để khắc phục sự ỷ lại; hiệu quả của việc nhân rộng các mô hình sinh kế còn hạn chế”, bà Thúy Anh nêu rõ.

Cùng với đó, Chủ nhiệm UB CVĐXH của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cũng đánh giá cao, chính sách tín dụng tiếp tục khẳng định hiệu quả thiết thực trong công tác giảm nghèo: Nguồn vốn tiếp tục được tăng cường từ nhiều nguồn đa dạng, tổng dư nợ tăng đáng kể; bổ sung thêm đối tượng hộ mới thoát nghèo; tăng mức vay tối đa cho các hộ để phát triển sản xuất, kinh doanh, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn đến tháng 6/2018 chỉ ở mức 0,42%.

“Giai đoạn 2016 - 2018, CTMTQG giảm nghèo bền vững đã bố trí 21.032 tỷ đồng, bằng 97,3% số vốn đã được giao để thực hiện Chương trình 30a và Chương trình 135 theo đúng định hướng ưu tiên nguồn lực đầu tư để đẩy mạnh giảm nghèo bền vững đối với địa bàn khó khăn”, bà Thúy Anh cho biết. 

Theo đó, Chủ nhiệm UB CVĐXH của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh: “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành hữu quan, các địa phương đã phát huy tốt thành quả và kinh nghiệm quản lý, quyết liệt, sâu sát điều hành công tác giảm nghèo, nỗ lực triển khai và hoàn thành khối lượng lớn công việc để vận hành CTMTQG giảm nghèo bền vững, duy trì được kết quả giảm nghèo đạt chỉ tiêu Quốc hội giao ở mức cao, kiềm chế có hiệu quả tái nghèo; có nhiều chủ trương, cách làm mới để huy động xã hội, phát huy mạnh mẽ trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị và thu hút sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người nghèo”.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh