CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:29

Tạo đột phá để giảm nghèo

 

Cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo cả nước sẽ giảm còn 6,8%

Sau 1 năm triển khai phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều, bộ công cụ nhận diện hộ nghèo, cận nghèo theo phương pháp đo lường đa chiều là khách quan, khoa học và toàn diện. Phương pháp này không chỉ xác định nghèo thu nhập mà còn tính đến các thiếu hụt về các chiều dịch vụ cơ bản. Qua đó, các cơ quan quản lý có chính sách, nguồn lực tác động đúng đối tượng và từng vùng nghèo để thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững.

Để bộ công cụ đo lường sát với thực tế, quan trọng là người làm. Với những đối tượng không thuộc diện hộ nghèo mà bằng ý chí chủ quan vẫn đưa vào danh sách thì cần phê phán, loại trừ. Vấn đề quan trọng là đào tạo cho đội ngũ cán bộ cơ sở sử dụng bộ công cụ này khách quan, không lồng yếu tố cá nhân trong quá trình làm việc.

Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020  Vương Đình Huệ tham quan gian hàng của các nông dân vươn lên thoát nghèo.


Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016 theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, cả nước có 1.986.697 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 8,23%; số hộ cận nghèo là hơn 1,3 triệu hộ, chiếm tỷ lệ 5,41%. So với kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước đã giảm từ 9,88% xuống còn 8,23%. Dự kiến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn 6,8% (giảm 1,4 -1,5% so với cuối năm 2016). Trong đó, bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn dưới 40% (giảm khoảng 5% so với cuối năm 2016), ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3-4% so với cuối năm 2016, đạt mục tiêu đề ra theo Quyết định 1722/QĐ-TTg.

Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết, một trong những đột phá trong quá trình thực hiện giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều giai đoạn (2016 - 2020) là giảm cho không, thay vào đó là vừa cho vay ưu đãi thời gian dài, vừa huy động cộng đồng.

Nếu như trước đây, triển khai chương trình giảm nghèo huyện làm từ quyết định nuôi con gì, trồng cây gì để giảm nghèo cho đến việc mua con giống, thuốc trừ sâu phát cho người dân. Từ đó xảy ra tình trạng, người dân muốn nuôi bò thì lại phát dê, mùa vụ qua rồi thì mới phát cây giống, nên chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 hoàn toàn dựa vào cộng đồng, lấy người dân làm chủ thể, động lực chính để thoát nghèo. Mọi vấn đề do người dân quyết định, chính quyền sẽ không làm thay người dân.

Đối với công trình hạ tầng, người dân tự họp bàn, thấy vấn đề nào cần làm trước thì kiến nghị với cấp chính quyền ưu tiên các nguồn vốn thực hiện. Bên cạnh tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng, các dự án hỗ trợ tập trung tạo việc làm, tạo sinh kế. Trong đó chú trọng nhân rộng mô hình giảm nghèo, phổ biến kinh nghiệm làm ăn để cả người nghèo, cận nghèo có điều kiện tham gia cùng làm ăn tại vùng lợi thế của địa phương.

Tập trung ưu tiên vùng lõi nghèo

Theo ông Nguyễn Trọng Đàm, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 tập trung vào vùng lõi nghèo. Đó là những nơi có địa bàn khó khăn nhất, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, miền núi. Đồng thời, chương trình mang tính tích hợp các chương trình, dự án. Việc thực hiện giảm nghèo theo tiêu chí đa chiều, lấy chỉ tiêu thu nhập là chính, bên cạnh đó xác định mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Quá trình thực hiện phân bổ vốn theo trung hạn, bảo đảm công khai, minh bạch.

Xuất phát từ một tỉnh còn nhiều hộ đói nghèo thời điểm tách tỉnh năm 1997, theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016 thì 2 năm liền (2015 - 2016) tỉnh Bình Dương không có hộ nghèo. Giai đoạn 2011- 2015, Bình Dương có trên 11.000 hộ thoát nghèo. Từ năm 2010 đến nay, Bình Dương đã hai lần nâng chuẩn nghèo của tỉnh cao gấp 1,5 - 2 lần so với chuẩn nghèo của Trung ương. Đó cũng là bước đột phá mới giúp cho người nghèo, cận nghèo trong tỉnh có điều kiện tiếp tục vươn lên, tiến tới làm giàu cho bản thân, gia đình và đất nước.

Để đạt được kết quả đó bởi tỉnh Bình Dương luôn gắn công tác giảm nghèo với phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh, giải quyết các vấn đề xã hội. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực tập trung cho công tác giảm nghèo, giúp đỡ các đối tượng yếu thế.

Người dân nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức tự vươn lên thoát nghèo

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 vừa diễn ra tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá: “Trong 6 tháng đầu năm 2017, công tác giảm nghèo đã đạt được những kết quả tích cực. Ngoài nguồn vốn ngân sách Trung ương, một số địa phương đã chủ động xây dựng các nghị quyết, chính sách và kế hoạch hỗ trợ giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn từ nguồn vốn ngân sách địa phương, góp phần đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên cả nước”.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 Vương Đình Huệ biểu dương và đánh giá cao các thành viên Ban chỉ đạo cùng các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng và đạt được kết quả đáng ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2017.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau" của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục hoàn thiện tất cả các cơ chế, chính sách để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững một cách hiệu quả. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá tác động của việc thực hiện chính sách, đề xuất chính sách cần tích hợp, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ theo hướng tập trung, gọn đầu mối, giảm bớt số lượng văn bản, tránh trùng chéo và dàn trải nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo.

Phó Thủ tướng chỉ đạo tăng nguồn lực đầu tư và cân đối nguồn lực trung hạn của nhà nước cho các chính sách, chương trình giảm nghèo. Ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện nghèo, xã biên giới, xã an toàn khu, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo...

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh