CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:16

Triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020

 

Tham dự tại điểm cầu Hà Nội có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục; Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Hiếu; các thành viên Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia; đại diện Văn phòng chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ TT&TT, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước cùng các tổ chức quốc tế. Tại điểm cầu các tỉnh có sự tham dự của Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các thành viên ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia.

Thu nhập của hộ nghèo tăng 1,6 lần so với cuối năm 2011

Tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trình bày báo cáo tóm tắt tình hình triển khai thực hiện công tác giảm nghèo giai đoạn 2011-2015 và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng các đại biểu tham dự Hội nghị.

 

Về kết quả thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015 Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, Quốc hội, Chính phủ đã bố trí nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững là 47.339,248 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước bố trí được 38.845,498 tỷ đồng, chiếm 82,05% và số vốn huy động được từ nhiều nguồn lực khác nhau là 8.493,75 tỷ đồng, đạt 283% kế hoạch (doanh nghiệp 2.598 tỷ đồng; Quỹ “Ngày vì người nghèo” 5.160 tỷ đồng; các tổ chức quốc tế 735,75 tỷ đồng).

Qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội đã huy động được sự quan tâm, tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức quốc tế, tạo nên sức mạnh to lớn trong quá trình tổ chức chỉ đạo thực hiện từ Trung ương đến địa phương, cơ sở. Với những nỗ lực đó, kết quả giảm nghèo đạt được cụ thể như sau:

Tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 4,25% năm 2015, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015, bình quân giảm 2%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 58,33% cuối năm 2010 xuống còn 28% năm 2015, bình quân giảm trên 6%/năm, đạt mục tiêu kế hoạch Quốc hội đề ra.

Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước tăng lên 1,6 lần so với cuối năm 2011 (riêng các hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi tăng gấp 2,5 lần) đạt mục tiêu đề ra.

Một số chỉ tiêu chủ yếu của Chương trình đạt được đến năm 2015, đó là: Đạt 5% số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP so với kế hoạch 10%; Đạt 30% số xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng ĐBKK so với kế hoạch 50%. Đạt 3,43% số xã, thôn bản ĐBKK vùng dân tộc thiểu số và miền núi thoát khỏi tình trạng ĐBKK so với kế hoạch 30%. Đạt 70% số xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; 82% số xã ĐBKK CT135 có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa theo tiêu chuẩn kỹ thuật so với kế hoạch 85%. Đạt 60% số thôn, bản có đường trục giao thông được cứng hoá theo tiêu chuẩn kỹ thuật trên địa bàn xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; 40% số thôn CT135 có đường giao thông đạt chuẩn so với kế hoạch 60%.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trình bày Báo cáo tại Hội nghị.

 

 Đạt 100% trung tâm xã có điện; 70% số thôn, bản có điện phục vụ sinh hoạt và phát triển sản xuất trên địa bàn xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo so với kế hoạch 90%; Đạt 96% trung tâm xã có điện so với kế hoạch 95%; 57% số thôn có điện trên địa bàn xã ĐBKK CT135 so với kế hoạch 60%. Đạt 70% công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hàng năm trên địa bàn các xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo so với kế hoạch 80%; đạt 50% các công trình thủy lợi nhỏ đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây hàng năm trên địa bàn các xã ĐBKK 135 so với kế hoạch 50%. Đạt chỉ tiêu về thu nhập của hộ nghèo tham gia mô hình tăng 15 - 20%/năm; bình quân mỗi năm có 10% hộ tham gia mô hình thoát nghèo. Đạt chỉ tiêu 100% cán bộ làm công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình, dự án các cấp được tập huấn về nghiệp vụ giám sát, đánh giá.

Bên cạnh việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chính phủ đã ưu tiên tập trung nguồn lực để thực hiện các chính sách giảm nghèo chung và chính sách giảm nghèo đặc thù nhằm cải thiện điều kiện sống của người nghèo, cụ thể trong giai đoạn 2011-2015.

Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020: Giảm chính sách cho không

Ngày 2/9/2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với tiêu tổng quát: Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết Quốc hội đề ra.

Đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi cả nước; ưu tiên hộ nghèo dân tộc thiểu số, phụ nữ thuộc hộ nghèo; Người dân và cộng đồng trên địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo; Huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã an toàn khu, xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi theo quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền;  Các tổ chức và cá nhân có liên quan.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tham quan khu trưng bày các sản phẩm của người dân.

 

Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước; ưu tiên nguồn lực của Chương trình đầu tư cho huyện nghèo, xã nghèo (xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi, xã biên giới, xã an toàn khu) và thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Tổng kinh phí thực hiện Chương trình là 48.397 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách trung ương: 41.449 tỷ đồng (vốn đầu tư: 29.698 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 11.751 tỷ đồng). Ngân sách địa phương: 4.848 tỷ đồng (vốn đầu tư: 3.452 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 1.396 tỷ đồng). Vốn huy động hợp pháp khác: 2.100 tỷ đồng.

Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 gồm 5 dự án thành phần

Dự án 1: Chương trình 30a (Bao gồm hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trên địa bàn các huyện nghèo và xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo).

Dự án 2: Chương trình 135 (Bao gồm hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở  trên địa bàn các xã ĐBKK, xã biên giới, xã an toàn khu, thôn bản đặc biệt khó khăn).

Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135 .

Dự án 4: Truyền thông và giảm nghèo về thông tin.

Dự án 5: Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung co biết, những điểm mới của Chương trình đó là Chương trình đã được hợp nhất từ các Chương trình MTQG Giảm nghèo, Chương trình 30a, Chương trình 135, Chương trình đưa lao động ở huyện nghèo đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và Chương trình đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo.

 Thực hiện giảm nghèo theo tiêu chí đa chiều, lấy chỉ tiêu thu nhập là chính, bên cạnh đó xác định mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Đồng thời, xây dựng tiêu chí phân bổ vốn làm cơ sở xây dựng kế hoạch phân bổ vốn trung hạn và hằng năm trong giai đoạn 2016-2020 để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của địa phương, tạo sự công khai, minh trong quá trình phân bổ vốn. Cùng với quá trình triển khai nguồn vốn theo hướng tích hợp với quá trình triển khai 21 chương trình mục tiêu khác có liên quan đến các mục tiêu an sinh xã hội, gắn kết với Chương trình xây dựng nông thôn mới để tập trung nguồn lực. Chương trình giảm nghèo tác động đến các huyện nghèo, xã nghèo nhất, để tiến tới từng bước hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Chuyển mạnh từ việc cấp phát, cho không sang hỗ trợ có điều kiện, để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người nghèo trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh để từng bước vươn lên thoát nghèo; Chương trình lấy đối tượng người nghèo làm trung tâm để thực hiện hỗ trợ, mở rộng thêm đối tượng hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, tạo điều kiện để người lao động là người sau cai nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS, phụ nữ bị buôn bán trở về, … thuộc hộ nghèo được tham gia dự án của Chương trình. Đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động nhằm đảm bảo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin nhất là khu vực miền núi, biên giới, hải đảo.

Tăng cường phân cấp cho cơ sở, gắn nâng cao năng lực phát huy vai trò cộng đồng theo nguyên tắc, Nhà nước hỗ trợ cho những gì người dân không làm được, nhà nước không làm thay, mà chỉ ban hành cơ chế hướng dẫn thực hiện.

Thống nhất phương thức thực hiện trong tất cả các dự án, tiểu dự án của Chương trình, nhưng có sự ưu tiên hỗ trợ theo từng nhóm đối tượng, trước hết là hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.

Tăng cường trao quyền cho người dân, cộng đồng để phát huy sáng kiến, cách làm hay phù hợp đặc điểm địa bàn, đặc điểm nhóm dân cư, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, đi đôi với trách nhiệm giải trình.

Nguồn lực thực hiện Chương trình từ ngân sách nhà nước là chủ yếu, tuy nhiên việc huy động sự đóng góp của doanh nghiệp, cá nhân, cộng đồng đặc biệt là sự đóng góp của người nghèo cũng đã được thể hiện rõ trong cách thức triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình.

Thống nhất về tổ chức bộ máy chỉ đạo điều hành thực hiện Chương trình từ Trung ương đến cơ sở: Ở Trung ương, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập một Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 do một Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT là Phó trưởng Ban, Lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan liên quan là thành viên. Ở địa phương: UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 do Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm Trưởng ban theo nguyên tắc như đối với Ban Chỉ đạo Trung ương.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh