CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:25

Đầu tư cho giảm nghèo: Chính sách nhiều nhưng không đủ nguồn lực

 

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị định, 1 Nghị quyết, 1 Nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG giai đoạn 2016 - 2020 ban hành 1 Quyết định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 19 Quyết định; các Bộ, ngành Trung ương ban hành 2 Quyết định và 9 Thông tư, hướng dẫn. Các tỉnh, thành phố đã ban hành gần 50 chính sách đặc thù hỗ trợ địa bàn nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo phù hợp với tình hình đặc thù của từng địa phương.

Người nghèo vay vốn ưu đãi đẻ phát triển sản xuất

 

Trong giai đoạn 2016 - 2018, ngân sách Trung ương bố trí thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là: 21.597,557 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 52,1% tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2016 - 2020 (trong đó vốn đầu tư phát triển là 14.906,146 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 6.691,411 tỷ đồng). Đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn 6,7% (giảm 1,53% so với cuối năm 2016), trong đó: Bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn dưới 40% (giảm khoảng 5% so với cuối năm 2016). Bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3-4% so với cuối năm 2016, đạt mục tiêu đề ra theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 2.9.2016 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, một số tỉnh có tỷ lệ nghèo giảm 5% trở lên như Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu...

Tỷ lệ hộ nghèo các vùng cụ thể là: khu vực miền núi Đông Bắc còn khoảng 14,87% (giảm 2,85%); miền núi Tây Bắc là 28,01% (giảm 3,23%); đồng bằng sông Hồng là 2,44% (giảm 0,78%); Bắc Trung Bộ là 8,39% (giảm 1,96%); duyên hải miền Trung là 8,20% (giảm 2,14%); Tây Nguyên là 12,86% (giảm 2,41%); Đông Nam Bộ là 0,78% (giảm 0,26%); đồng bằng sông Cửu Long là 6,08% (giảm 1,89%).

Thực hiện Nghị quyết 76/2014/QH13 đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể: tốc độ giảm nghèo không đều, chưa bền vững, mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt có nơi còn trên 60%. Thu nhập bình quân đầu người nhiều nơi ở miền núi, nhóm dân tộc chỉ đạt bình quân 7-8 triệu đồng/người/ năm, bằng khoảng 1/5 mức thu nhập bình quân đầu người của cả nước là khoảng 37 triệu đồng. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng còn nhấn mạnh, văn bản hướng dẫn thực hiện một số chính sách của các bộ, ngành ban hành chậm, thiếu kịp thời; thực hiện Luật đầu tư công còn yếu tố bất cập; định mức hỗ trợ, đầu tư của nhiều chính sách thấp nhưng chậm bổ sung, sửa đổi.

Hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất cho người dân để nâng cao năng suất

 

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi có địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu diễn biến phức tạp, thiên tai thường xảy ra gây hậu quả lớn. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn thấp, nhất là kinh phí bố trí thực hiện các chính sách dân tộc chưa đảm bảo, không đồng bộ, thiếu kịp thời, ảnh hưởng đến mục tiêu và hiệu quả của chính sách. Vì vây ông Hùng đề nghị cần có sự nhận thức sâu sắc về chính sách giảm nghèo cho đồng bảo dân tộc; bộ, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc để nhất quán trong xây dựng, phân bổ nguồn lực và chỉ đạo thực hiện chính sách.

Vừa qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã tích cực triển khai việc tích hợp chính sách, đã giảm được đáng kể tình trạng trùng lắp chính sách và đã chuyển dần từ chính sách “cho không” là chủ yếu trước đây sang chính sách hỗ trợ có điều kiện; đẩy mạnh phân cấp cho các xã làm chủ đầu tư các dự án và trao quyền tự chủ cho cộng đồng, bảo đảm “xã có công trình, dân có việc làm và tăng thêm thu nhập”…

Các chính sách phát triển, thu hút, ưu đãi doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y tế, giáo dục, thương mại, hoạt động đầu tư tại các địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn, địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số đã cơ bản đầy đủ, góp phần quan trọng giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Các chính sách thúc đẩy kết nối phát triển kinh tế - xã hội giữa vùng khó khăn với vùng phát triển cũng đã được ban hành khá nhiều, kết quả thực hiện bước đầu đã mang lại những chuyển biến tích cực.

Từ thực tiễn đi giám sát, khảo sát thực hiện chính sách giảm nghèo tại các địa phương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn chỉ ra bất cập lớn nhất hiện nay là chính sách rất nhiều nhưng không bảo đảm đủ nguồn lực đầu tư. Nhiều chương trình, dự án ngân sách Trung ương không bố trí đủ, trong khi phần cân đối của địa phương cũng không thực hiện được vì hầu hết các tỉnh này đều thuộc diện nghèo, khó khăn.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi, các bộ, ngành, cơ quan phải đồng lòng, thống nhất để thúc đẩy việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng và kiến nghị cấp có thẩm quyền mô hình giảm nghèo bền vững quốc gia trong giai đoạn tới. Đặc biệt là phải thay đổi cách thức hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện chính sách giảm nghèo. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc tích hợp chính sách, thu gọn đầu mối quản lý và tập trung nguồn lực để bảo đảm có chính sách là có nguồn lực thực thi.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh