CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:12

Giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng: Càng khó, càng phải tận tụy, càng phải công khai

 

Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Huỳnh Văn Tí – chuyên gia cao cấp của Bộ trưởng.

 

*Những năm qua, việc giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công tồn đọng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng,  ngày 20/3/2017,  Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định số 408/QĐ về  quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công. Vậy xin ông cho biết những kết quả đạt được sau hơn 2 năm thực hiện Quyết định 408?

Năm 2016 được xem là "đột phá" trong việc xem xét giải quyết hồ sơ tồn đọng khi Bộ LÐ - TB& XH quyết định triển khai thí điểm công tác này tại năm địa phương, gồm: Lai Châu, Bắc Cạn, Thái Bình, Ðà Nẵng, Long An để rút kinh nghiệm, nhân rộng trên toàn quốc. Sau gần sáu tháng, kết quả tại năm tỉnh, thành phố thí điểm đã xác nhận được 86 người có công, trong đó có 75 liệt sĩ và 11 thương binh, người thụ hưởng chính sách như thương binh.

Từ kết quả đạt được sau đợt thí điểm tại năm tỉnh, thành phố, ngày 29-3-2017, Bộ trưởng Bộ LÐ - TB & XH đã ban hành Quyết định số 408/QÐ-LÐTBXH về quy trình giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng, gồm bảy bước với những quy định chặt chẽ, cụ thể hơn so với khi triển khai thí điểm. Đến cuối năm 2018 đã hoàn thành được mục tiêu giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng xác nhận liệt sĩ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh đang lưu giữ tại Sở LĐ-TB&XH, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Công an tỉnh, thành phố trở lên và sau đó đã tiếp tục mở rộng, xem xét số hồ sơ đang lưu giữ ở các ngành cấp tỉnh, huyện, xã và ở trong cả nhân dân.

*Là người trực tiếp tham gia công việc này ông có thể chia sẻ những khó khăn, thuận lợi cũng như những ấn tượng đặc biệt trong việc triển khai?

Phải nói rằng việc triển khai Quyết định 408 đã có những thuận lợi rất cơ bản. Trước hết, đây là một chủ trương phù hợp với nguyện vọng chính đáng của gia đình người có công, đáp ứng lòng mong mỏi của họ từ rất nhiều năm. Không chỉ có gia đình người có công cách mạng, mà việc triển khai giải quyết hồ sơ tồn đọng đã được nhân dân cán bộ, đảng viên đồng thuận và ủng hộ rất cao. Ngay từ đầu Chính phủ đã có chủ trương rất rõ ràng giao trách nhiệm cho Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn triển khai công tác này. Từ đó lãnh đạo Bộ đã tập trung chỉ đạo một cách quyết liệt với sự vào cuộc tích cực và đồng bộ của các bộ, ngành liên quan cũng như của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể các cấp.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc giải quyết hồ sơ tồn đọng gặp không ít  khó khăn. Từ khi triển khai  giải quyết thí điểm cho đến cuối năm 2018, xác nhận hồ sơ tồn đọng ở cấp tỉnh nhìn chung là tương đối hoàn chỉnh nhưng việc xác minh, bổ sung đã gặp không ít khó khăn. Từ sau 2018 đến nay, hồ sơ tồn đọng đã được tập hợp từ cấp huyện, xã và trong nhân dân thì càng hết sức khó khăn. Có những trường hợp, gia đình liệt sĩ chỉ cung cấp được đơn đề nghị xác nhận liệt sĩ kèm theo lời xác nhận của nhân chứng  nhưng hầu hết những nhân chứng xác nhận đã mất. Có những hồ sơ, trường hợp hy sinh, bị thương thể hiện không rõ, thậm chí những người làm chứng tuy đều là những người cùng đơn vị nhưng xác nhận về trường hợp hy sinh, bị thương và thời điểm hy sinh, bị thương lại khác nhau. nếu nghiên cứu không kỹ hoặc sơ suất, thiếu trách nhiệm, hời hợt thì những người thực sự có công với cách mạng sẽ không được công nhận hoặc dễ nhầm lẫn hồ sơ giả dẫn đến hệ quả không tốt. Đó là  điều day dứt và cũng là điều khó khăn, phức tạp nhất trong việc giải quyết hồ sơ tồn đọng

Điều tôi ấn tượng trong giải quyết hồ sơ tồn đọng là đã được chứng kiến nhiều cán bộ, đảng viên đã từng cùng một đơn vị công tác với người được đề nghị công nhận liệt sĩ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh trong đó có nhiều đồng chí tuổi cao, sức yếu nhưng với tình đồng chí, đồng đội, khi chính quyền hoặc cơ quan có trách nhiệm cần gặp để xác minh, tìm hiểu thông tin thì luôn luôn sẵn sàng. Các đồng chí ấy đã tích cực đóng góp với mọi khả năng có thể được trong phạm vi trách nhiệm của mình để cùng chính quyền địa phương chứng minh đồng chí của  mình đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng là chính xác, là đúng sự thật.

Tôi còn nhớ như in cụ Lê Bá Quảng ở Hải Phòng, mặc dù đang ốm nặng, đi lại hết sức khó khăn nhưng khi biết tin có tổ công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng của Bộ về thì đã yêu cầu con cháu mua sâm để ngậm rồi chở cụ đến gặp tổ công tác trong vòng 10 phút chỉ để đọc danh sách các đồng chí đảng viên trong chi bộ đã hy sinh và hy sinh như thế nào. Hay có những lời làm chứng của các đồng chí cao tuổi, nét chữ run run, phải vừa đọc, vừa nhận định mới hiểu được…Những hình  ảnh đó đã làm cho tôi thực sự xúc động và càng thấy trách nhiệm của mình nặng nề hơn.

 

 

Đoàn công tác của Bộ xét duyệt từng trang hồ sơ.

 

*Ông đánh giá như thế nào về sự tham gia của các cấp, ngành, đoàn thể và người dân trong công tác xác nhận hồ sơ người có công tồn đọng?

Đây là chủ trương phù hợp với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” nên ngay từ đầu khi  đặt vấn đề này, cán bộ và nhân dân đồng tình ủng hộ rất cao. Để có được kết quả như trên, là sự nỗ lực, tập trung rất lớn của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là vai trò rất quan trọng của cấp cơ sở cùng các nhân chứng lịch sử, các bậc lão thành cách mạng, những đồng chí, đồng đội của người có công với cách mạng đã phối hợp chặt chẽ với ngành LĐ-TB&XH nỗ lực hết sức mình trong việc tìm kiếm, chắt lọc những chứng cứ dù là nhỏ nhất, những thông tin ít ỏi nhưng vô cùng quý báu để từ đó hình thành lên những cơ sở cho việc đề nghị xác nhận người có công với cách mạng. Tại các cuộc họp không chỉ các nhân chứng mà cả nhân dân khi được mời tham dự đã đến rất đông đủ, phát biểu rất nhiệt tình, tâm huyết và trách nhiệm. Do vậy công việc tuy vất vả, khó khăn nhưng trong lòng cảm thấy rất vui vì tất cả mọi người đều chung tay góp sức để cùng lo cho người có công với cách mạng. Tất cả những trường hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp bằng Tổ quốc ghi công đều đạt sự nhất trí, đồng thuận của các đại biểu tham dự trong tất cả các cuộc họp và cũng không có bất kỳ ý kiến nào khác qua niêm yết, đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các cấp. Cho đến nay, chưa có trường hợp cụ thể nào có đơn thư phản ánh, khiếu nại dưới bất cứ hình thức nào.

*Các địa phương đang vướng như thế nào, vướng ở đối tượng nào?

Có thể nói tất cả hồ sơ đều vướng, vì vướng cho nên mới tồn đọng. Nhưng cái vướng nổi lên là việc xác minh trường hợp hy sinh, bị thương - đó là cơ sở rất quan trọng để xem xét có đủ điều kiện công nhận thương binh, liệt sĩ, người hưởng chính sách như thương binh hay không. Việc này thường gặp ở hai đối tượng người có công: Một là những đồng chí đã hy sinh, bị thương thời gian càng về trước thì càng khó khăn bởi người làm chứng hầu hết đã từ trần hoặc người làm chứng còn sống nhưng tuổi cao, trí nhớ giảm sút và đối tượng thứ 2 là những người hoạt động nội tuyến trong lòng địch trước đây. Đặc biệt, đối với những trường hợp chỉ có một nhân chứng xác nhận nhưng nhân chứng ấy đã từ trần thì việc xác minh là hết sức khó khăn.

 

Giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng tại Thái Bình.

 

*Chỉ thị số 14  của Ban Bí thư  đề ra chỉ tiêu đến năm 2020 giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị xác nhận NCC với cách mạng còn tồn đọng. Vậy theo ông, chúng ta cần có những giải pháp đột phá như thế nào để thực hiện chỉ tiêu này?

Vừa qua, việc giải quyết hồ sơ tồn đọng đã được các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, nỗ lực và quyết tâm cao nên đã đạt được kết quả bước đầu như vậy. Bây giờ hồ sơ tồn đọng người có công ngày càng khó, theo tôi các cơ quan, đơn vị, cá nhân làm việc này phải nỗ lực nhiều hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa bằng tất cả trách nhiệm, tất cả lòng tri ân của thế hệ sau đối với những người đã hy sinh để cho chúng ta có được cuộc sống như hôm nay.

Ở giai đoạn này hầu hết hồ sơ phải vận dụng. Vận dụng ở đây chủ yếu là vận dụng về thủ tục, còn điều kiện, tiêu chuẩn thì vẫn phải bám vào các quy định của pháp luật ở từng giai đoạn thích hợp. Với mục tiêu phấn đấu không để người có công với cách mạng không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước thì chúng ta phải thực sự tận tụy, chịu khó nghiên cứu, nghiền ngẫm từng trang hồ sơ, từng lời xác nhận của người làm chứng. Tích cực khai thác mọi nguồn tư liệu có thể. Hồ sơ càng khó thì càng phải thực hiện tốt việc công khai và qua đó phải thật sự tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân nhất là của các cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, các cụ cao niên, các đồng chí đã từng tham gia các cuộc kháng chiến trước đây để đi sâu vào mổ xẻ, phân tích thấu lý đạt tình từng trường hợp một là cơ sở cho việc đề nghị công nhận thương binh, liệt sĩ, người hưởng chính sách như thương binh.  

Khi mở ra Quyết định 408 nhiều ý kiến cho rằng phải ban hành thông tư hướng dẫn nhưng theo tôi không có thông tư nào có thể bao phủ hết hoàn cảnh của tất cả các đối tượng. Do vậy, mỗi trường hợp phải có cách vận dụng cụ thể,  phù hợp và thông tư chính là trái tim của người làm chính sách.

Xin cảm ơn ông!

NGUYỄN SÍU (Thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh