CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:59

Giải quyết hồ sơ NCC còn tồn đọng tại Bắc Kạn theo Quyết định 408

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, cần phải bóc tách rõ từng vấn đề, từng trường hợp sẽ giải quyết thấu đáo. 

 

Nhiều vấn đề cần tháo gỡ

Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Kạn Văn Phú Thụ, toàn tỉnh hiện còn 1.027 đối tượng chưa được hưởng chế độ, chính sách của Nhà nước (gồm người hoạt động kháng chiến thiếu giấy tờ chứng minh hoặc giám định không mắc bệnh; con của người hoạt động kháng chiến chưa đủ điều kiện được hưởng; cháu của người hoạt động kháng chiến). Tuy nhiên, qua rà soát, trong số đối tượng trên chỉ có khoảng hơn 300 hồ sơ người có công tồn đọng, số còn lại là con đẻ hoặc cháu của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Toàn cảnh buổi làm việc

Làm rõ thêm những vướng mắc trong thực hiện chính sách người có công trên địa bàn tỉnh, Phó bí thư, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn Hoàng Lê Chinh cho hay, lĩnh vực này còn rất nhiều bất cập ngay từ cơ chế, chính sách. Chẳng hạn, cùng một nguồn NSNN cấp nhưng mỗi địa phương lại được giao; thực hiện khác nhau; thời điểm thực hiện chưa gắn với năm tài chính ngân sách. Đơn cử, thực hiện QĐ 22 của Chính phủ, ngay từ đầu năm, Bắc Kạn đã chi hơn 1 tỷ đồng để mua BHYT cho người nghèo nhưng đến giữa năm, lại có thông báo thay đổi về đối tượng được hưởng chính sách BHYT nên rất khó khăn cho địa phương khi thu hồi số tiền này.

Thiếu tướng Ma Văn Lả - Giám đốc Công an tỉnh Bắc Kạn phát biểu tại buổi làm việc.


Vấn đề phòng chống trẻ em bị xâm hại trên địa bàn, Thiếu tướng Ma Văn Lả - Giám đốc Công an tỉnh Bắc Kạn cho hay, một số các vụ việc xâm hại trẻ em đều xảy ra ngoài khu vực trường học, qua đấu tranh, nguyên nhân chủ yếu nằm ở nhận thức của các đối tượng. “Công an tỉnh đang chỉ đạo công an huyện, xã bám sát địa bàn tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân và cộng đồng, kiên quyết không để xảy ra vụ việc trong thời gian tới” - Thiếu tướng Ma Văn Lả phát biểu.

Bên cạnh đó, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cũng nhận được nhiều quan tâm. Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Kạn, toàn tỉnh hiện có 19 cơ sở GDNN, trong đó có 15 cơ sở tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong giai đoạn 2012 - 2017, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh tuyển mới và đào tạo được trên 18 nghìn người. Có hơn 12 nghìn người có việc làm sau học nghề, đạt 81,3%. Số lao động nông thôn được đào tạo nghề chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc gia đình chính sách có công với cách mạng; người khuyết tật được đào tạo là 172 người (chiếm tỷ lệ 1,14%); số lao động là nữ được đào tạo là 7.886 người (chiếm tỷ lệ 52,4%); số lao động trong độ tuổi thanh niên là 6.778 người (chiếm tỷ lệ 45,07%). Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề của tỉnh hiện nay là 35%.

 

     Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm Trường Cao đẳng Nghề Dân tộc nội trú Bắc Kạn

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, Bắc Kạn nên thu gọn lại thành 1 trường cao đẳng; đối với các huyện cần sáp nhập các trung tâm đào tạo về một mối và tập trung đầu tư. “Tinh thần là rà soát tính toán hiệu quả các trung tâm cơ sở GDNN; tích hợp theo mô hình 3 trong 1, hiệu quả chất lượng, thu hút người học. Bắc Kạn nên tập trung một trường Cao đẳng nghề" - Bộ trưởng gợi ý.

Bóc tách rõ mới tìm ra hướng 

Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến, kiến nghị của các đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh đã được đề xuất.

Đối với lĩnh vực người có công, tỉnh Bắc Kạn đề nghị xem xét, không thu hồi số tiền chênh lệch của 188 trường hợp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đã hưởng không đúng chế độ. Sớm ban hành văn bản hướng dẫn xác nhận quân nhân tham gia kháng chiến tại vùng bị Mỹ sử dụng chất độc hoá học không còn các giấy tờ gốc vì hiện nay những đối tượng này đang rất bức xúc. Tổ chức tổng kết việc thực hiện chi trả trợ cấp người có công qua hệ thống Bưu điện để thống nhất việc thực hiện trong phạm vi toàn quốc. Xem xét các chế độ, chính sách đối với thế hệ thứ 3 của người trực tiếp tham gia kháng chiến trong vùng Mỹ sử dụng chất độc hóa học như đối với con đẻ của người tham gia kháng chiến (thế hệ thứ 2). Xem xét sửa đổi, bổ sung  một số bệnh, tật, dị dạng, dị tật không hợp lý trong Danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật quy định tại Thông tư liên tịch số 20/2016/TTLT-BYT-BLĐ-TB&XH ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Liên Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn khám giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ (như các loại bệnh ung thư). Hướng dẫn cụ thể thực hiện chế độ phụ cấp khu vực đối với bệnh binh hạng 3 (41 - 60%) chuyển sang hưởng chế độ Quân nhân bị bệnh nghề nghiệp.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Nguyễn Văn Du phát biểu tại buổi làm việc

 

Bên cạnh đó, xem xét, tăng mức hỗ trợ kinh phí cho thân nhân đi thăm viếng mộ, nghĩa trang liệt sĩ, di chuyển hài cốt liệt sĩ; chế độ vợ (hoặc chồng) liệt sĩ đi lấy chồng (hoặc vợ) khác cũng được hưởng chế độ như thân nhân liệt sĩ và bỏ phần quy định đã có công chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ khi còn sống hoặc nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành; quy định rõ vợ (hoặc chồng) liệt sĩ đi lấy chồng (hoặc vợ) khác chỉ được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, còn chế độ thờ cúng liệt sĩ và các chế độ ưu đãi khác thì thân nhân thờ cúng liệt sĩ được hưởng theo quy định.

Quan tâm cấp bổ sung kinh phí cho Quỹ Quốc gia việc làm tỉnh Bắc Kạn mỗi năm khoảng 40 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu vay vốn, tạo việc làm cho người lao động. Hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng các hạng mục công trình còn thiếu của Nghĩa trang liệt sĩ Phủ Thông, huyện Bạch Thông để đủ điều kiện nâng cấp thành nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh; dự kiến kinh phí 10 tỷ đồng.

Quĩ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tặng 100 triệu đồng cho Quĩ bảo trợ trẻ em tỉnh Bắc Kạn.

 

Trước các đề xuất kiến nghị của tỉnh, với tinh thần ủng hộ địa phương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, cần phải bóc tách rõ từng vấn đề, từng trường hợp để có cách giải quyết thấu đáo. Riêng đối với hơn 300 số hồ sơ người có công tồn đọng, Bộ trưởng khẳng định sẽ cho phép Bắc Kạn xử lý theo Quyết định 408/QĐ-LĐTBXH. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, tổ chức các công việc, vấn đề nào còn khó khăn, vướng mắc, địa phương nên gửi văn bản về Bộ, Bộ sẵn sàng xem xét và có cơ chế xử lý cá biệt. Cùng với đó, Bộ sẽ hỗ trợ địa phương kinh phí xây dựng nghĩa trang tỉnh. Các vấn đề còn lại sẽ xem xét và sớm có hướng giải quyết.

THANH MẠNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh