'Người hùng' giữa đời thường
- Người có công
- 18:46 - 01/08/2018
Ông Hồng say sưa kể với phóng viên về những ngày chiến trận.
Người hùng nơi chiến trận
Chúng tôi đến thăm ông Hồng vào một ngày giữa tháng bảy. Trong ngôi nhà cấp bốn bên đồi, ông Hồng vừa rót cốc nước chè đặc quánh xứ Nghệ, vừa bắt đầu câu chuyện thời chiến tranh. Càng nói, ông càng sôi nổi hơn khi kể về chiến trận. Sinh năm 1948, tại xã miền núi Hồng Sơn, năm 4 tuổi cha qua đời, mẹ tần tảo nuôi hai anh em ông ăn học.
Năm 1967, cũng như bao thanh niên khác, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, ông giã từ quê hương lên đường chiến đấu. Ông nhập ngũ vào Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 22, Quân khu IV. Đầu năm 1968, đơn vị ông từ chiến trường Khe Sanh - Tà Cơn (Quảng Trị), tiến vào chiến trường Đông Nam bộ. Vào đến nơi, ông và nhiều đồng đội khác đã phải bước ngay vào một chiến dịch ác liệt nhất của lịch sử kháng chiến chống Mỹ. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.
Từ binh nhì, đến năm 1980, ông đã giữ chức vụ Tham mưu trưởng tiểu đoàn. Trở về cuộc sống đời thường, nhưng với ông, những trận đánh lớn và những gọt máu của đồng đội đổ xuống là những ký ức theo ông hết cuộc đời. Ông Hồng, trầm buồn: “Mình may mắn còn được sống đến ngày này, nhiều anh em đồng đội ngã xuống thương xót lắm. Lúc đó lực lượng quá chênh lệch. Để có được chiến thắng là sự hy sinh rất lớn, nên nhiều đồng đội của tôi hy sinh”.
Ông Hồng đang nói về những tháng ngày đi tìm hài cốt đồng đội.
Năm 1978, ông về quê cưới vợ, rồi sinh được hai con một trai một gái. Năm 1980, ông chuyển ngành về làm công nhân khai thác gỗ ở Tây Nguyên. Sau đó, làm công nhân đóng tàu thủy. Cuộc đời lắm bước thăng trầm nên trang bị cho ông nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống lẫn trong làm kinh tế. Đến nay, kinh tế đã khá, các con học hành thành đạt càng tăng thêm quyết tâm trên con đường kiếm tìm đồng đội đã hi sinh.
“Trong chiến đấu, mình cũng bị thương nhẹ, nhưng giờ, phần thì giấy tờ thất lạc, phần mình nghĩ những hy sinh của mình chưa là gì nên mình cũng không làm chế độ thương binh nữa. Mình chỉ đăm đăm một điều là phải tìm cho bằng được càng nhiều đồng đội càng tốt khi sức khỏe mình còn cho phép”, ông Hồng nhìn xa xăm.
Hiện gia đình ở TP. Hồ Chí Minh, con trai và con gái của ông đã trưởng thành và thành đạt, còn ông vẫn thường xuyên về quê vì ở quê còn nhà thờ tổ tiên và ngôi nhà của cha mẹ ông để lại. Chính vì ra bắc vào nam thường xuyên càng thuận lợi để ông đi tới các nghĩa trang, đơn vị chính sách để tập hợp những thông tin liên quan đến đồng đội để thực hiện tâm nguyện đưa đồng đội về với đất mẹ, về với quê hương họ hàng.
Người hùng trong thời bình
Ông Hồng là người thường xuyên vào Nam ra Bắc, lúc thì việc gia đình lúc thì đi làm nhiệm vụ của Ban liên lạc Cựu chiến binh (CCB) Đoàn đặc công 429 miền Đông Nam Bộ giao phó. Chính vì điều đó nên việc gặp được ông là rất khó khăn. Chúng tôi may mắn gặp được ông lúc ông đang ở nhà. Ông Hồng tâm sự: “Việc tìm mộ đồng đội đã thôi thúc tôi từ rất nhiều năm trước vì lúc đang chiến đấu, có nhiều đồng đội thì chính tay tôi là người chôn cất, có đồng chí thì trước lúc nhắm mắt, tôi đã hứa sau này khi hòa bình tôi sẽ đưa đồng đội trở về quê hương bản quán. Thế nhưng đến năm 1993, tôi mới bắt đầu thực hiện được lời hứa của mình vì nhiều lí do. Nói là ban liên lạc nhưng thực chất là chỉ có vài người và kinh tế các đồng chí khác cũng khó khăn quá, nên chủ yếu là một mình tôi đi tìm”.
Danh sách những đồng đội chiến đấu ở Miền Đông Nam Bộ luôn được người cựu binh già nâng niu, gìn giữ.
Năm 1993, ông Hồng đi tìm được 4 hái cốt đồng đội ở Tây Ninh. Sau đó vì thiếu thông tin, nên ban liên lạc cử ông ra Hà Nội để xin danh sách đặc công vào Nam từ cục Chính sách, bộ Quốc Phòng. Tuy nhiên vì nhiều lí do nên ông không xin được. Về nhà ông rất buồn, nhưng ông nghĩ không thể vì khó khăn mà chùn bước: “Lúc đó tôi nghĩ rằng, phải có cách nào đó để lấy bằng được danh sách đó thì mới tìm kiếm được các đồng đội. Tôi quyết định đi đến từng tỉnh để tìm kiếm danh sách. Rất may mắn là vào phòng Chính sách và phòng quân lực của quân khu IV, tôi đã tìm được khá nhiều. Sau đó tôi đi đến từng tỉnh một tìm kiếm. Cuối cùng cũng tìm được tương đối đủ”, ông Hồng chia sẻ.
Danh sách lưu giữ 4.653 liệt sỹ là những đồng đội đặc công từng chiến đấu trên chiến trường Đông Nam Bộ và Đông Bắc Cam - Pu - Chia. Phải mất đến hơn 20 năm tìm kiếm, ông và Ban liên lạc CCB Đoàn đặc công 429 mới tập hợp. Và chính danh sách này sau này là báu vật rất nhiều cơ quan đơn vị và cá nhân đã tìm đến ông, để xem nhờ khi đi tìm mộ liệt sỹ.
Tay run run lật từng trang, trong sổ từng trang chia thành bốn cột, thứ tự gồm: số thứ tự, tên liệt sỹ, quê quán, năm hi sinh, tất cả đều được ghi bằng tay. Trên danh sách, là những liệt sỹ quê quán ở nhiều tỉnh thành từ Bắc vào Nam họ đã theo cuộc trường chinh và gửi thân xác vào đất đỏ Miền Đông. Để có được danh sách này, ông và đồng đội còn sống phải đi nhiều tỉnh, thành, sà soát danh sách của hàng triệu liệt sỹ. Các ông còn đi đến hầu hết các nghĩa trang trên địa bàn 6 tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ và một số vùng của Cam - Pu - Chia để tìm kiếm bổ sung vào danh sách.
Danh sách 4653 liệt sỹ đặc công ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, do ông Hồng tìm kiếm 15 năm nay.
Không những tìm kiếm danh sách đồng đội sinh, ông Hồng đã trực tiến giúp đỡ rất nhiều người thân của đồng đội tìm kiếm cất bốc để đưa họ về với gia đình.
Ông Hồng cho biết, đến nay, ông đã hỗ trợ và trực tiếp tham gia tìm kiếm được khoảng 200 liệt sỹ giúp họ đưa về tận gia đình ở rất nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Nghệ An, Hòa Bình, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa…. “Nhiều gia đình khó khăn về kinh tế, muốn đi tìm nhưng không có thông tin hoặc điều kiện, cần giúp thì mình sẵn sàng. Mình sẽ đi tìm đồng đội cho đến khi không còn sức lực để đi tìm nữa thì thôi”.
Trong đời, người cựu binh đã giúp đỡ nhiều thân nhân liệt sỹ không chỉ ở quê mà còn nhiều địa phương khác. Có những gia đình khó khăn, ông phải đưa về tận nơi, an táng xong xuôi mới yên tâm trở về. Ông nhớ, thời điểm xuất hiện nhiều “nhà ngoại cảm” trong việc tìm mộ liệt sỹ, có nhiều kẻ đã liên hệ, lôi kéo ông cùng tham gia. Họ ra giá để mua lại danh sách những đồng đội mà ông tập hợp được nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu của người lính già.
Thậm chí có thân nhân liệt sỹ tưởng ông là “nhà ngoại cảm” mang hương hoa đến nhà ông lạy lục mong ông dùng “tiềm năng” ra tay giúp người. Đổi lại họ đã nhận lại được sự giúp đỡ từ những thông tin chính xác mà ông đã dày công thu thập không phải từ tiếng kêu ca của những người “nhập vong”.
Chia tay ông Hồng, lòng chúng tôi cảm thấy cảm kích vô cùng. Chỉ mong ông luôn khỏe mạnh để tiếp tục thực hiện tâm nguyện cao đẹp của mình.