THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:34

Bài 2: Những người dãi nắng, dầm sương tìm… đồng đội

 

Những khoảng lặng không giới hạn

 Vừa cặm cụi, cẩn trọng cầm chiếc que nhỏ bới đất, anh Trịnh Xuân Cả - Đội công tác đặc biệt tỉnh Hủa Phăn vừa tâm sự với chúng tôi: “Ngày xưa chôn cất không như bây giờ, có khi chúng tôi đào 10, 15 ngày không thấy gì. Thông tin thì đúng nhưng thời gian làm cảnh vật, môi trường thay đổi nên có những nơi không thể chính xác ngay. Có những khi chúng tôi cứ đào mãi, đào mãi mà chẳng biết phía trước là cái gì, đến lúc nhìn thấy  một mẩu xương của các bác mà rơi nước mắt. Việc tìm kiếm của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn bởi chiến tranh đã qua đi 50 năm rồi, thời gian làm cho nhiều hài cốt đã không còn nguyên vẹn, thậm chí là không còn xương. Trong khi đó, các nhân chứng chiến tranh không còn nhiều, có những người biết thông tin thì đã già yếu hoặc dần mất hết, địa hình lại rất phức tạp. Các liệt sĩ chưa được quy tập thường nằm ở các khu vực rừng sâu, ít dân cư”.

 

 

Cũng chính bởi các hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập thường nằm trong các cánh rừng nên Đội tìm kiếm thường xuyên phải ăn, ngủ tại nơi khai quật. Có nhiều nơi phải hành quân cả ngày đường mới tới được, có những địa điểm không có nước, các chiến sĩ phải gánh nước theo để ăn uống, còn tắm, giặt thì đành…nhịn.

Tâm sự với chúng tôi, chiến sỹ Lê Đức Cường cho biết, hàng năm, hầu hết Đội công tác đặc biệt trực tiếp tham gia tìm kiếm các liệt sĩ từ tháng 10 năm trước cho đến tháng 5 năm sau. Đây là mùa khô của Lào nên thuận tiện cho việc tìm kiếm và sinh hoạt của đội. Thời gian còn lại trong năm là mùa mưa, không thể khai quật được thì anh em đi nắm thông tin hoặc về nước tham gia tìm kiếm, quy tập trong nước. Trong thời gian làm nhiệm vụ tại nước bạn, hầu như các chiến sỹ đều phải trực tiếp ở địa bàn cho đến hết mùa khô mới được trở về gặp gỡ gia đình.

Chứng kiến sự vất vả của những chiến sỹ trong đội tìm kiếm liệt sĩ Việt Nam hy sinh tại Lào, chúng tôi không chỉ cảm nhận được sự gian khó của các anh mà còn được lắng nghe những kỷ niệm nhói tim trong quá trình tìm các anh thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng này.

 

 

Có khi khai quật, các chiến sỹ gặp nguyên một đoàn văn công. Di vật của họ để lại cũng rất đặc biệt, có những lọ nước hoa còn nguyên mùi thơm, những chiếc gương còn lưu hình ảnh phía sau. Trong nhiều ngôi mộ, các chiến sỹ gặp được những chiếc lược rất đẹp được làm từ xác máy bay rơi, những chiếc bút chạm khắc tỉ mẩn… Hay có những ngôi mộ còn có cả một đôi dép trẻ em mới tinh. Theo các chiến sỹ phán đoán, người dưới mộ có lẽ đã mua dép cho con gái của mình nhưng mong ước tưởng chừng đơn giản ấy đã mãi mãi không thể thành hiện thực.

Nhưng, những cuộc tìm kiếm không chỉ gặp được những di vật đẹp như thế. Có nhiều ngôi mộ gần như không tìm thấy phần xương hoặc những ngôi mộ được chôn lấp ở vùng đất khô thì sau mấy chục năm, khi khai quật lên, liệt sĩ vẫn còn nguyên xương thịt hay có những ngôi mộ tập thể mà xương cốt lẫn lộn vào nhau.

 

 

Thượng úy Dương Đình Kiên – Đội công tác đặc biệt Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa đang làm nhiệm vụ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại Lào nhớ lại, có một chuyến kiếm tìm khiến anh ám ảnh không bao giờ quên. Đó là lần khai quật một ngôi mộ tập thể. Anh em của đội nhận được thông tin về ngôi mộ nằm trên nương của bà con, qua thẩm tra, xác nhận thông tin chính xác. Nhưng đến nơi, đào bằng tay mãi không thấy gì, đội quyết định dùng máy ủi, nhẹ nhàng lật từng lớp đất, lật đến hơn 1m đất mới bắt đầu chạm vào phần cốt. Thật không ngờ, tại ngôi mộ này có tới 182 bộ hài cốt. Đây là các chiến sỹ trong cùng đơn vị, khi đơn vị bị lộ, địch đã tiêu diệt toàn bộ và thả các chiến sỹ của ta vào một hố chôn tập thể. Đau lòng hơn nữa, các di vật và hài cốt cho thấy sau khi bị địch giết, hố chôn này đã bị tẩm xăng đốt, những mảnh xương vỡ vụn, cháy tan tành, lẫn lộn vào nhau. Lần ấy, đội đã phải khai quật trong 1 tháng dòng, hài cốt được bốc xếp lên chật kín một xe tải lớn về nơi tập kết. Nhưng điều đáng tiếc là cả 182 bộ hài cốt đó gần như sẽ mãi mãi không xác định được danh tính riêng biệt của từng người.

Với những ngôi mộ có di vật đặc biệt, dường như việc xác định danh tính trở nên dễ dàng hơn. Thế nhưng, không phải ngôi mộ nào cũng như thế. Cho đến nay, trong số hơn 2000 liệt sĩ được quy tập từ Lào về tỉnh Thanh Hóa, chỉ có hơn 200 phần mộ xác định được tên, tuổi; số còn lại thuộc về “những liệt sĩ chưa biết tên”. Nhưng cho dù như thế, công tác tìm kiếm liệt sỹ hy sinh tại Lào vẫn được tiến hành với mục đích thiêng liêng nhất là đưa được các anh về với quê hương – nơi các anh đã sinh ra – nơi có gia đình và đồng bào chung dòng máu, chung dân tộc.

HOÀNG PHƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh