Dũng sĩ làng Yên Vực ngày ấy
- Người có công
- 07:17 - 28/07/2022
Nằm ở phía bắc Thanh Hóa, cầu Hàm Rồng được xem là “yết hầu” của con đường huyết mạch một thời, là niềm tự hào cho cả dân tộc trong giai đoạn lịch sử oanh liệt. Trong suốt những năm tháng chống Mỹ cứu nước, hàng trăm nghìn tấn vũ khí, lương thực, thuốc men đã được vận chuyển qua cây cầu này để chi viện cho chiến trường miền Nam. Với quyết tâm cắt đứt mạch máu giao thông quan trọng này của ta, Bộ Quốc phòng Mỹ đã trực tiếp chỉ đạo phương án đánh phá Hàm Rồng. Chúng đã huy động 121 tốp với 2.924 máy bay đánh phá 1.096 trận, ném 71.600 tấn bom phá với 11.526 quả, 99 bom nổ chậm, bắn 600 tên lửa, 2.840 quả rốc két, 2.178 quả đạn pháo kích, hàng trăm bom bi và thủy lôi… tính bình quân mỗi người dân ở trận địa xung quanh cầu Hàm Rồng phải chịu đựng 5 tấn bom đạn…
Làng Yên Vực nằm ở bờ bắc cầu Hàm Rồng, trước kia thuộc huyện Hoằng Hóa, nay thuộc phường Tào Xuyên, TP. Thanh Hóa. Trong những ngày đầu đánh Mỹ, làng Yên Vực có 75 dũng sĩ đã không đi sơ tán mà kiên quyết bám trụ để chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Yên Vực được ví như rốn bom khi phải hứng chịu hàng nghìn tấn bom, đạn ngày đêm cày xới.
Năm 1964, Trung đội dân quân tự vệ (DQTV) làng Yên Vực được thành lập. Để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng, các thành viên Trung đội DQTV Yên Vực ngày đêm đào công sự, đào hào, làm hầm trú ẩn; tập đánh trận giả với lính Mỹ, ngụy do tàu địch ngoài khơi đổ bộ vào đất liền; tập kéo phà, bắn súng, sơ cứu bệnh binh, chuẩn bị cáng thương binh... Trong 2 ngày 3, 4/4/1965, mở màn chiến dịch đầu tiên, quân và dân bảo vệ cầu Hàm Rồng đã bắn rơi 47 máy bay Mỹ, gây chấn động địa cầu. Chiến công đó có sự đóng góp không nhỏ của Đội DQTV làng Yên Vực.
Qua 2 cuộc chiến tranh phá hoại, từ 1965 - 1973, làng Yên Vực có 156 nóc nhà nhưng đều bị bom đạn địch đánh phá không còn nóc nhà nào. Có những gia đình trúng bom chết cả nhà, đau thương chồng chất đau thương, nhưng những DQTV làng Yên Vực vẫn bám trụ đất quê hương, tải đạn, tiếp lương, san lấp hố bom, phá bom nổ chậm, đào công sự, giúp dân đi sơ tán, cấp cứu thương binh, mai táng liệt sĩ, tuần tra canh gác, tăng gia sản xuất...
Trong câu chuyện kể, bà Nguyễn Thị Hiền (SN 1945) ở phường Nam Ngạn, TP. Thanh Hóa, một trong 75 dũng sĩ làng Yên Vực nhớ lại: “Trước trận đánh mở màn bảo vệ cầu Hàm Rồng, quân và dân đã sẵn sàng về mọi mặt, quyết giành thắng lợi ngay trận đầu. Ngày ấy tôi 18 tuổi, cùng 6 chị em với nhiệm vụ cứu thương, tiếp tế phục vụ bộ đội. Trong trận chiến ngày 3, 4/4/1965, hàng trăm lượt máy bay ném bom bắn phá cầu Hàm Rồng, ngoài biển tàu Mỹ bắn pháo dữ dội. Dưới làn mưa bom, bão đạn, tôi cùng 6 chị em dùng thuyền chở hàng trăm lượt đạn vượt sông Mã sang bờ Nam cầu Hàm Rồng chi viện cho bộ đội ta đánh giặc. Do trận đánh kéo dài, nòng pháo cao xạ 37mm của các khẩu đội quân ta nóng đỏ làm ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ và cự ly của đường đạn. Tôi đã xé ống quần, nhúng nước rồi đắp lên nòng pháo. Và sáng kiến “xé ống quần” sau đó nhanh chóng được áp dụng ngay cho các trận địa pháo Yên Vực, cũng như các trận địa pháo bảo vệ cầu Hàm Rồng. Trong 3 ngày (21, 22, 23/9/1966), máy bay Mỹ điên cuồng thả bom đánh phá. Trong làn bom đạn dày đặc, tôi cùng 6 chị em lại chèo thuyền vượt sông Mã tiếp đạn cho bộ đội. Mảnh bom rơi khiến mặt cầu Hàm Rồng bị phá hủy, trơ lại những thanh ray và tà vẹt. Có lúc chúng tôi vác hòm đạn băng qua cầu trên những thanh ray khấp khểnh, để kịp thời tiếp ứng cho bộ đội chiến đấu. Trong những trận đánh, pháo thủ hy sinh, tôi cùng mấy chị em lại trực tiếp lên mâm pháo bắn máy bay Mỹ…”.
Nhắc về chuyện gia đình, giọng trầm buồn, bà Hiền cho biết, trong làn bom đạn của máy bay Mỹ, bố, mẹ, nhà cửa của gia đình bà bị bom đạn vùi lấp. Bà đưa các em về vùng sơ tán rồi quay về tiếp tục chiến đấu. Mắt nhòa đi, bà kể: “Ngày 22/4/1965 tôi không bao giờ quên được. Khi đang chiến đấu cùng đồng đội, nhìn những quả bom rơi xuống, theo kinh nghiệm bản thân, tôi biết có chuyện chẳng lành. Cũng như nhiều gia đình khác ở trong làng, căn nhà của gia đình tôi bị bom Mỹ đánh sập, xót xa hơn là mẹ tôi đang nằm trong đó. Trận đánh kết thúc, khi tôi về nhà cũng là lúc thi thể của mẹ tôi được đưa ra. Không lâu sau, cha tôi mất trong một trận mưa bom khác”.
Gạt nước mắt đau thương, sau các trận đánh, bà Hiền lại cùng đồng đội san lấp hố bom, đào hào công sự, cấp cứu thương binh đưa đến nơi an toàn; tìm bom, tìm thi thể bộ đội và dân quân hy sinh để mai táng; tổ chức giúp nhân dân đi sơ tán, tuần tra canh gác, bảo vệ xóm làng; tham gia sản xuất, chi viện cho tiền tuyến... tất cả đều trở thành công việc thường nhật của bà cũng như các DQTV làng Yên Vực lúc bấy giờ.
Năm 1966, hình ảnh dũng sĩ nữ DQTV làng Yên Vực Nguyễn Thị Hiền vai khoác súng trường, đầu đội nón đi trực chiến đã được nhà báo chiến trường Mai Nam ghi lại. Tác phẩm ảnh sau đó đoạt Huy chương Đồng trong cuộc thi ảnh quốc tế tổ chức tại Bungari năm 1967. Hình ảnh ấy đã trở thành nguyên mẫu về tinh thần chiến đấu bất khuất của quân và dân Hàm Rồng, góp phần làm nên trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam.
Trong những năm tháng bảo vệ cầu Hàm Rồng (1965 -1973), với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” bà Hiền cùng các anh, chị em Trung đội DQTV làng Yên Vực thường xuyên bám trận địa với anh bộ đội, có người đã hy sinh ngay trên trận địa khi đi tiếp lương, tải đạn, cứu thương binh. Riêng bà Hiền đã xông vào thay thế pháo thủ bị thương và chiến đấu 380 trận, bị bom B52 “chôn sống” đến 4 lần… Với những cống hiến to lớn đó, bà đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngay tại trận địa và được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ bắn máy bay, được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, 2 Huân chương Chiến công hạng Nhì và hạng Ba, 2 Huy hiệu Bác Hồ, 2 Huy hiệu Chiến sĩ thi đua dân quân tự vệ cấp Trung ương, 24 bằng khen, giấy khen từ cấp Trung ương đến địa phương...
“Đã hơn 50 năm trôi qua, những dũng sĩ làng Yên Vực người còn, người mất, dù có ở xa nhưng cứ đến ngày 3, 4/4 hàng năm chúng tôi lại trở về Yên Vực, về nhà truyền thống của làng để gặp gỡ, cùng nhau ôn lại những ngày tháng gian khổ chiến đấu và làm nên chiến thắng. Với tôi, đó là những ký ức không bao giờ quên…”, bà Hiền chia sẻ.