Thanh Hóa tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ
- Người có công
- 12:45 - 27/07/2022
Tham dự Lễ kỷ niệm có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan; lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh; đại diện các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Lão thành cách mạng, cán bộ Tiền khởi nghĩa, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến; 165 người có công, thân nhân người có công với cách mạng tiêu biểu đại diện cho trên 349.000 người có công với cách mạng trong toàn tỉnh và 10 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa” đã được các cấp, ngành, địa phương suy tôn, bầu chọn.
Thanh Hoá tự hào là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hoá và cách mạng. Phát huy hào khí Lam Sơn lịch sử, trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, thực hiện nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Lào và Campuchia, quân và dân tỉnh Thanh Hóa đã không quản ngại gian khổ hy sinh, đóng góp nhiều sức người, sức của cho công cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước.
Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, với tinh thần “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, trên 15 vạn thanh niên tỉnh Thanh Hóa đã tình nguyện lên đường tham gia các lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong và dân công hoả tuyến, trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường.
Ở hậu phương, Ðảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã đoàn kết một lòng, triệu người như một, hăng hái thi đua lao động sản xuất, dũng cảm chiến đấu đánh bại các âm mưu chiến tranh phá hoại của kẻ thù, lập được nhiều thành tích quan trọng, xây dựng hậu phương vững mạnh.
Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ ác liệt đó, có 55.932 người con ưu tú của quê hương Thanh Hóa đã anh dũng hy sinh; 43.751 thương binh; 15.959 bệnh binh; có 4.630 bà mẹ đã được Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” (hiện có 94 mẹ còn sống); 1.636 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đầy; có 19.183 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học…
Công lao to lớn, sự hy sinh sức lực, trí tuệ, xương máu, sự đau thương, mất mát tình cảm của các liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, Mẹ Việt Nam anh hùng và những người có công là vô giá, góp phần xứng đáng cùng quân dân cả nước “làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi”, chuẩn bị cho đất nước ta "nở hoa độc lập, kết quả tự do”.
Kế thừa truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công, trong suốt 75 năm qua, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực cố gắng, khắc phục khó khăn, quan tâm chăm lo, thực hiện ngày càng tốt hơn công tác thương binh, liệt sỹ và người có công với nước.
Thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, trong 5 năm (từ năm 2018 đến năm 2022) các cấp, các ngành tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thiện hồ sơ, đề nghị Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho 94 mẹ; tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, xét duyệt và giải quyết chế độ, chính sách mới cho 919 người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, thiết lập hồ sơ theo quy định và đề nghị công nhận 45 trường hợp là liệt sĩ, 373 trường hợp được xác nhận là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, xét duyệt và chi trả trợ cấp cho 4.713 người được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen trong kháng chiến. Hằng năm, ngành LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại gia đình cho gần 28.000 người có công, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% người có công và thân nhân người có công theo quy định.
Hiện nay, Thanh Hóa có trên 69.400 người đang hưởng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng hằng tháng. Đời sống của các đối tượng chính sách cơ bản ổn định, có trên 99,8% hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. 100% các Mẹ Việt Nam anh hùng đã được các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời. Các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công đã được đầu tư để đáp ứng yêu cầu chăm sóc, điều dưỡng người có công, nhất là thương binh nặng.
Cùng với việc chăm sóc, tri ân những người còn sống, công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ cũng đã được chú trọng. Các phong trào: "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng" đã huy động sự đóng góp của Nhân dân để sửa chữa, xây dựng mới và tặng sổ tiết kiệm, tặng quà thăm hỏi gia đình người có công với cách mạng.
Ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức, doanh nghiệp, các tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã quan tâm ủng hộ, thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc những người có công với nước trên địa bàn; nhiệt liệt hoan nghênh và ghi nhận sự nỗ lực cố gắng, ý chí vươn lên mạnh mẽ và thành tích đạt được của các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công tỉnh nhà, đặc biệt là những tấm gương tiêu biểu được lựa chọn, biểu dương, phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cũng đề nghị: "Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức, cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng để mọi người dân đều biết, nắm được đầy đủ các thông tin về các chính sách và quyền lợi có liên quan đến mình, cũng như người thân trong gia đình mình. Đồng thời quan tâm làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về truyền thống yêu nước, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, nhất là trong thế hệ trẻ, làm cho mọi người nhận thức sâu sắc và trân trọng tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ và những người có công trong xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước, từ đó, biến nhận thức thành hành động cụ thể, thiết thực, tích cực góp phần đưa phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng" trở thành hoạt động thường xuyên trong mọi mặt của đời sống xã hội. Triển khai tốt công tác đầu tư, tu bổ, tôn tạo, quản lý chăm sóc các phần mộ, nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia ghi danh liệt sĩ để tỏ lòng ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ và giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau; tích cực triển khai công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, báo tin phần mộ liệt sĩ đến thân nhân liệt sĩ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các gia đình, người thân tìm kiếm, thăm viếng mộ liệt sĩ. Rà soát, nghiên cứu kiến nghị với các cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện chính sách, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến người có công và thân nhân người có công với cách mạng..."- ông Đỗ Minh Tuấn nói.
Nhân dịp này, thay mặt Bộ LĐ-TB&XH, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan đã trao tặng 1.400 suất quà cho người có công với cách mạng tỉnh Thanh Hóa. Thay mặt Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng đã trao tặng nhà đại đoàn kết cho 92 hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh trị giá 5,04 tỷ đồng.
Cũng tại buổi lễ, 165 người có công, thân nhân người có công với cách mạng tiêu biểu và 10 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa” đã vinh dự nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.