THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:14

Người dũng sỹ xin được chết cho quê hương

 

Sẵn sàng hy sinh cho quê hương

12 tuổi, Bùi Văn Rê, quê ở Phổ Cường (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) làm liên lạc cho ông Võ Thủ (Bí thư xã ủy Phổ Cường, hy sinh tháng 3/1963) và nhiều cán bộ, du kích xã. Sự thông minh, gan dạ đã giúp Rê bao lần thoát khỏi sự truy lùng của giặc, mang công văn, tin tức đến cho các chú. Sau đó, Bùi Văn Rê gia nhập du kích, trực tiếp cầm súng đánh trả quân thù gây bao tang thương trên mảnh đất quê hương. Trong một lần phá hủy đường ray xe lửa nhằm ngăn chặn việc vận chuyển của địch, Rê bị thương nặng ở vùng đầu, hỏng mắt bên trái. “Bùi Văn Rê rất gan dạ và sống hết lòng với anh em, đồng đội. Vì thế, lãnh đạo xã khi ấy đã tin tưởng giao cho đồng chí Rê những nhiệm vụ quan trọng” - ông Nguyễn Xuân Thái, nguyên cán bộ xã Phổ Cường trong những năm kháng chiến chống Mỹ, nhớ lại.  

Dũng sỹ Bùi Văn Rê.

 

 Không ngại gian khổ, hy sinh Bùi Văn Rê luôn nhận mọi nhiệm vụ cấp trên giao, đảm nhiệm nhiều chức vụ ở địa phương và Cục Chính trị Quân khu 5. Trong những tháng ngày xông pha trận mạc có đến 5 lần bom đạn kẻ thù đã làm ông bị thương. Dù vậy, ông vẫn nhất quyết xin được ở lại chiến trường miền Nam để tiếp tục chiến đấu thay vì ra miền Bắc điều trị và học tập. Những dòng nhật ký với tinh thần sẵn sàng hy sinh cho quê hương: “Chú Ba! Trong lúc cháu còn đang điều trị. Cháu nhớ mãi hôm chú đến thăm cháu. Động viên cháu đi… để có điều kiện chữa bệnh và ăn học. Điều tâm huyết của cháu chú cũng chưa chấp nhận, là cháu sẽ ở lại. Dù cho còn một giọt máu, cháu sẵn sàng hiên ngang trút hơi thở cuối cùng… cho mảnh đất quê hương…. Nhưng rồi chú đâu còn nữa… Thôi thì cháu sẽ nguyện cùng chú, thản nhiên ngã xuống cho mảnh đất này cũng đủ rồi”.

Hơn 170 trang nhật ký, dũng sỹ Bùi Văn Rê còn ghi những điều tâm sự với Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Châu Thọ Chín (hy sinh tháng 4/1972): “…như chú T... nói thì anh sẽ đi miền Bắc. Theo anh là anh không đi. Thà anh em ta chỉ có giờ cuối cùng... Anh nhắc lại với em rằng: Thà 20 năm ngắn ngủi cuộc đời còn hơn sống trăm năm vô vị”.

Ông Dương Nhơn, người em, người bạn chiến đấu của ông Rê cho biết: Năm 1970, ông tham gia cách mạng với vai trò là cơ sở bí mật do ông Rê (khi đó giữ chức xã đội trưởng) phụ trách. Sau đó, ông Nhơn chuyển sang du kích thôn Nga Mân, xã Phổ Cường rồi về Đại đội đặc công 120, Huyện đội Đức Phổ. Dù không còn cùng chung đơn vị nhưng hai ông luôn gắn bó trong những năm khói lửa. “Anh Rê luôn sâu sát, gắn bó với quần chúng để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia cách mạng. Vì vậy, người dân rất tin yêu, tình nguyện làm cơ sở cách mạng, dù gặp nhiều hiểm nguy. Anh còn là người chỉ huy chiến đấu rất tài tình khiến địch phải khiếp sợ...” - ông Nhơn nói.

Dũng sỹ Bùi Văn Rê (ngoài cùng bên phải) cùng với Nữ tướng Nguyễn Thị Định và các đại biểu tham dự Đại hội Anh hùng các lực lượng vũ trang miền Nam đầu năm 1974 tại tỉnh Bình Phước.

 

“Thi sỹ” nơi chiến trận

Giữa lúc sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc, ông Rê vẫn bình thản viết những câu thơ động viên thanh niên hăng hái tham gia đánh trả quân thù. Những vần thơ cháy bỏng tình yêu quê hương: “Bao đau khổ của đồng bào yêu dấu/Dưới bàn tay, loạt súng của quân thù/Chốn chiến trường đang gọi khách chinh phu/Đang chờ đợi những tâm hồn yêu nước/Đem xương máu để chặn đường xâm lược/Dẫu hy sinh chiến đấu vẫn cam lòng…”.

Tuổi thanh xuân và một phần thân thể của ông đã gửi lại chiến trường được ghi nhận với 7 lần đạt danh hiệu dũng sỹ cùng nhiều Huân, Huy chương cao quý. Ông còn được cấp trên cử tham dự đại hội anh hùng các lực lượng vũ trang miền Nam đầu năm 1974 tại tỉnh Bình Phước và ghi những dòng thơ trong niềm hân hoan: “Đón Xuân đất đỏ miền Đông/Thắm tình đồng chí từ lao tù về/Nỗi niềm như tỉnh cơn mê/Người vui chiến thắng, người về đón Xuân/Anh em, đồng chí xa gần/Khi vào gặp mặt bâng khuâng, bồi hồi... Nay ta lấy Xuân này giao ước/Tạm chia tay, ta quyết tiến lên/Càng xa, ý chí càng bền/Ta về ra trận, dâng lên Bác Hồ”. Cuối năm 1974, ông là thành viên đoàn đại biểu quân giải phóng miền Nam ra Hà Nội tham dự lễ đón nhận Huân chương Sao Vàng nhân dịp 30 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Vào thăm những nơi Bác từng sống và làm việc, ông bùi ngùi xúc động với những vần thơ: “Ba mươi năm trước nơi đây/Bác Hồ tuyên bố dựng xây nước nhà/Bây giờ ta lại gặp ta/Đến thăm nhà Bác, Bác đà ra đi… Đầu Xuân 69, Bác bảo rằng thắng to/Vì độc lập, vì tự do/Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/Bây giờ Bác đứng trên cao/Như là tư thế đi vào miền Nam”.

Một trong những trang nhật ký của dũng sỹ Bùi Văn Rê.

 

Và những vần thơ ông viết cho người yêu là bà Nguyễn Thị Sáu (hai người kết hôn sau khi quê hương giải phóng): “… Anh mong về đến Bình Đê/Nán thêm đôi phút ghé về quê em/Đêm nay quang cảnh êm đềm/Mai về em chịu nỗi niềm chờ mong/Bao ngày mòn mỏi ngóng trông/Người đi, kẻ ở trông mong ngày về/Anh đi lưu luyến tình quê/Dù vàng son, giữ trọn thề nghe em/Vì bao kỷ niệm êm đềm/Tình anh phải giữ bên em trọn đời”.

Khi đất nước yên bình, ông Rê đảm nhận nhiều nhiệm vụ theo sự phân công của tổ chức. Ông luôn quan tâm đến cuộc sống của người thân và đồng đội. Ông từ trần ở tuổi 54, bởi bệnh hiểm nghèo để lại niềm thương tiếc khôn nguôi đối với gia đình và đồng đội. “Lúc còn sống, anh của tôi thường lo lắng cho mọi người, thậm chí nhịn ăn để dành tiền giúp đỡ cho những anh em và đồng đội có hoàn cảnh khó khăn. Đến khi đau nặng, anh bảo muốn được ăn cá hấp. Tôi vội chạy ra chợ mua cá về hấp và mang đến bệnh viện, nhưng anh chỉ nhìn chứ không thể ăn được nữa...” - bà Bùi Thị Lệ Thu, em gái ông nghẹn ngào kể lại.

“Anh Rê sống rất tình nghĩa với mọi người. Dù cuộc sống của anh cũng khó khăn, nhưng vẫn luôn đến thăm và giúp đỡ anh em, đồng đội. Anh gõ cửa nhiều cơ quan chức năng để xác nhận công lao của những cơ sở cách mạng, minh oan cho những người bị nghi ngờ làm tay sai cho địch. Khi anh qua đời, nhiều người thương tiếc anh như chính người thân trong gia đình…” - ông Dương Nhơn bùi ngùi nhớ lại.

Bà Nguyễn Thị Sáu nghẹn ngào: “Do chồng tôi bị thương nặng nên phải về nghỉ mất sức khá sớm, cuộc sống gia đình khó khăn. Để có tiền lo cho các con ăn học, ảnh phải rời quê vào miền Nam làm thuê. Vì quá cơ cực nên đến khi phát hiện thì bệnh đã nặng, không thể cứu chữa”.

QUỲNH MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh