THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 07:10

Đưa toàn ngành chuyển động mạnh, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đạt số phiếu tín nhiệm cao

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao, công tác chăm sóc người có công trở thành phong trào sâu rộng trong quần chúng nhân dân 

 

Trong top các Bộ trưởng có số phiếu tín nhiệm cao  

Khi được hỏi, trong số các Bộ trưởng, ấn tượng nhất với số phiếu của ai? Không chút do dự, ông Phan Việt Cường (Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) nói: “Bộ trưởng Đào Ngọc Dung”.

Những vấn đề “nóng” của ngành được xã hội quan tâm như: giải quyết chính sách người có công, đẩy mạnh lĩnh vực dạy nghề, Giáo dục nghề nghiệp, xuất khẩu lao động… theo ông Cường, rất cần một bàn tay thúc đẩy hoặc tháo gỡ khó khăn từ người “nhạc trưởng”, và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã thể hiện được vai trò “nhạc trưởng” ấy.

Trước thềm năm mới 2019, với những thành công của ngành, nhìn lại kết quả lấy phiếu tín nhiệm giữa kỳ tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV vừa qua, trong số các thành viên Chính phủ, tư lệnh ngành LĐTBXH nằm trong Top những Bộ trưởng nhận được sự tín nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội với tỷ lệ 92,17% số phiếu tín nhiệm và tín nhiệm cao (trong đó 53,2% phiếu tín nhiệm cao, 38,97% phiếu tín nhiệm). Cho thấy, dưới sự điều hành của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cùng nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội đã bước những bước vững chãi và hoàn thành toàn diện mọi nhiệm vụ được giao.

Còn nhớ, bên hành lang Quốc hội, giữa năm 2016, trong thời khắc chờ công bố lá phiếu phê chuẩn bổ nhiệm, người tiền nhiệm Phạm Thị Hải Chuyền khi tôi hỏi: "Bà có đặt kỳ vọng vào người kế nhiệm sau mình không?". Bà mỉm cười, ngập ngừng vài giây, nhưng rồi vẫn dành sự kỳ vọng vào tân Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và mong ông tạo được sự đột phá cho ngành.

Niềm tin trao gửi đấy của bà Phạm Thị Hải Chuyền, cùng ý kiến của các đại biểu bên hành lang Quốc hội lúc bấy giờ, dù khi ấy số phiếu của ông chưa cao, vẫn đặt lòng tin vào tân trưởng ngành Lao động-TB&XH sẽ biết tạo nên những bước đột phá trong bối cảnh hiện tại… Với nửa nhiệm kỳ vừa qua, bằng tâm huyết và trách nhiệm, tạo nên những chuyển động của toàn ngành, liên tiếp đưa ngành đạt- vượt chỉ tiêu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã cho thấy, những niềm tin trao gửi ấy ngay từ buổi đầu dành cho ông đã không phải thất vọng. 

Tìm hướng đột phá, trả “món nợ” tri ân cho người dân 

Ngay khi vừa về Bộ, rất nhanh chóng, minh chứng cho câu nói khi nhận chuyển giao công việc từ người tiền nhiệm: “Chúng ta đang nợ dân rất nhiều”, ông lập tức bắt tay ngay vào xử lý những bất cập của ngành.

 

Khơi thông nhiều thị trường lao động. (Ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shizo Abe chứng kiến Lễ ký Bản Ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng (MOC) tại Nhật).


Trước hết, thử thách và trọng trách lớn nhất đặt lên vai tân Bộ trưởng khi ấy, là năm kỷ niệm 70 năm thành lập ngày Thương binh liệt sĩ. Giải quyết hồ sơ tồn đọng người có công đòi hỏi phải đưa ra được những quyết sách đột phá, sáng tạo, nhưng không cho phép được để xảy ra sai sót, là cả vấn đề “khó khăn nhất, gai góc nhất” như Bộ trưởng thừa nhận.

“Về lĩnh vực Người có công với cách mạng, trong tâm thức và trong chỉ đạo điều hành luôn coi đây là một việc trọng tâm; để tất cả Người có công sớm được hưởng chính sách, đồng thời, đấu tranh không khoan nhượng với trục lợi chính sách. 

Rồi giải quyết công ăn việc làm, mở rộng độ bao phủ BHXH, xóa đói giảm nghèo… là những thách thức lớn, đặt lên vai ngành LĐ-TB&XH những nhiệm vụ nặng nề.

Đây cũng chính là trăn trở lớn của tôi khi nhận trách nhiệm trước Đảng, Quốc Hội, Chính phủ và trước nhân dân”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.

Giải quyết vấn đề này rất khó, bởi chiến tranh đã qua mấy chục năm. Những hồ sơ, trường hợp đủ tiêu chuẩn chúng ta đã giải quyết. Số 5.900 hồ sơ này rơi vào trường hợp hoặc không có hồ sơ hoặc không đủ hồ sơ chứng cứ hoặc người làm chứng không còn. Nếu không tìm cách làm mới, những "món nợ" này sẽ không bao giờ trả được”, Tư lệnh ngành Đào Ngọc Dung chia sẻ.

Vì vậy, trong năm 2017 đáng nhớ ấy của ngành, với quyết tâm chính trị rất cao, Bộ LĐ-TB&XH đã mạnh dạn tìm hướng đột phá làm thí điểm ở 5 tỉnh, sau đó rút kinh nghiệm, báo cáo với Thường vụ Quốc hội có kết luận, báo cáo với Chính phủ có Nghị quyết và xây dựng được quy trình do Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ban hành, với 7 bước. Từ đó, đẩy nhanh việc giải quyết vấn đề này. Hết năm 2017, năm “tổng lực” dành cho người có công với cách mạng, đã giải quyết và công nhận hơn 5.900 hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ, người hưởng chính sách như thương binh trong (trong đó xét công nhận hơn 1.000 liệt sĩ).

Với kết quả này, như nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá, ông đã chứng minh cho lời hứa "trả nợ" dân của mình một cách thuyết phục.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong dịp đến thăm, tặng quà người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội ngày 25/7 năm ấy, đã hoan nghênh, biểu dương Bộ Lao động-TB&XH, Thành ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã có nhiều hoạt động đa dạng, xuống đến tận thôn, làng, tổ dân phố để chăm sóc người có công, đưa công tác chăm sóc người có công trở thành phong trào sâu rộng trong quần chúng nhân dân. 

Tiếp sau đó, là bước đột phá giải quyết xây mới, sửa nhà ở cho người có công với đề xuất của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung theo quy trình “địa phương có điều kiện, tạm ứng ngân sách để xây mới, sửa nhà ở cho các hộ gia đình chính sách trước dịp 27/7” - một nghĩa cử rất ấm áp đối với hộ gia đình chính sách có nhà ở bị xuống cấp, dột nát. Chính từ quyết tâm của ngành Lao động và ngành Xây dựng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ghi vào vốn trung hạn hơn 8 nghìn tỷ đồng để giải quyết nhà ở người có công trong năm 2018... Đây là những việc làm thiết thực được các đại biểu Quốc hội ghi nhận, và cử tri đánh giá cao.

Hoàn thành toàn diện 3 chỉ tiêu Quốc hội giao 

Chưa dừng lại ở đấy, năm 2018 vừa qua, ngành LĐ-TB&XH đã hoàn thành toàn diện 3 chỉ tiêu như Quốc hội đề ra: Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều cả nước còn 5,35%; Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị còn dưới 4% so với năm 2017, giảm mạnh so với lao động có bằng cử nhân thất nghiệp; Tạo việc làm mới cho 1,64 triệu người - trong đó đưa đi xuất khẩu lao động trên 140 nghìn người, thị trường Nhật Bản nhiều nhất với 60 nghìn tu nghiệp sinh. Đây là năm thứ 3 liên tiếp xác lập kỷ lục mới về xuất khẩu lao động.

 

Trả lời chất vấn trước Quốc hội, các đại biểu đánh giá cao Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bám sát các vấn đề được đại biểu nêu, mạnh dạn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực mình quản lý cũng như các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.


Cùng với đó, tuyển sinh Giáo dục Nghề nghiệp có đột phá mạnh với việc tuyển sinh các cấp (cao đẳng, trung cấp nghề, sơ cấp nghề) đạt, vượt kế hoạch sớm, trên 2,2 triệu học sinh. Đây là con số mà nhiều năm qua, chưa bao giờ tuyển sinh vượt quá 100%, thì năm 2018 đã vượt kế hoạch đề ra một cách ngoạn mục.

Việc hoàn thành các chỉ tiêu theo Nghị quyết Quốc hội của ngành Lao động - TB&XH, góp phần cùng cả nước hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội cả nước năm 2018. 

Bên cạnh đó, ở các lĩnh vực khác của ngành, cũng chứng kiến nhiều thay đổi đáng ghi nhận: đột phá về cải cách hành chính, lọt top 12 bộ ngành có chỉ số cải cách hành chính tốt nhất; đã và đang sắp xếp, quy hoạch mạnh mẽ mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc; mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu lao động… 

Do đó, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng những lá phiếu tín nhiệm là rất khách quan, không chỉ là phiếu của từng đại biểu Quốc hội mà đó còn là dư luận xã hội và tâm tư nguyện vọng của cử tri. Lần lấy phiếu tín nhiệm này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nằm trong top các bộ trưởng có số phiếu tín nhiệm cao, chỉ có 5% số phiếu tín nhiệm thấp, theo ông Lợi, đây là sự đánh giá đúng mức và khách quan về Bộ LĐ-TB&XH.

Cùng với đó, xóa đói giảm nghèo là một trong những điểm sáng. “Đạt được kết quả này, có sự đóng góp của Đảng, Chính quyền và các ngành, nhưng có thể nói, ngành LĐ-TB&XH đóng vai trò rất quan trọng”, ông Lợi nhấn mạnh, và nêu thêm một điểm sáng nữa mà Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã góp phần tạo chuyển biến rõ rệt, gây được ấn tượng, đó là lĩnh vực đào tạo nghề đã bắt đầu đi đúng hướng. Đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng nhân lực, có sự tham gia các doanh nghiệp. “Đấy là điểm rất nổi bật”, ông Lợi nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng chỉ rõ một điểm mạnh nữa khiến tư lệnh ngành được các đại biểu đánh giá cao. “Ông Đào Ngọc Dung rất chịu khó đọc đơn thư người dân gửi đến. Chỉ người đứng đầu đọc đơn, mới hiểu người dân mong muốn gì. Bộ trưởng đã đọc hết, không để cho ai đọc. Thì đó là điều được đánh giá cao”, ông Lợi nói.

Về điểm này, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung là một trong một số tư lệnh ngành được cử tri khen ngợi, đánh giá cao khi đã dành nhiều thời gian trực tiếp chỉ đạo, giải quyết và ký toàn bộ văn bản trả lời cử tri nên chất lượng trả lời, số lượng các vấn đề được giải quyết dứt điểm khá nhiều, được cử tri đồng tình nhất trí.

Năm 2019 đã đến, trước thềm năm mới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phải quyết liệt, khẩn trương thực hiện trong năm 2019 rất nhiều việc. Như: tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, sắp xếp lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp, xốc lại nguồn nhân lực, tạo sự chuyển biến thực sự trong cả hệ thống; phát huy những thành tựu đạt được từ trước đến nay… Lá phiếu tín nhiệm giữa kỳ vừa thể hiện sức nặng niềm tin mà cử tri trao gửi, nhưng cũng như chia sẻ khiêm nhường của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, để thấy trọng trách càng phải lớn hơn để xứng với niềm tin ấy.

Con đường phía trước vẫn còn dài, đối với ông, nỗ lực của ông chỉ là một phần, nhưng chính sự đoàn kết và nỗ lực của toàn ngành mới là sức mạnh để giúp ngành đạt được những mục tiêu đề ra. 

Đánh giá về vai trò “nhạc trưởng” trong nửa nhiệm kỳ qua, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) nhìn nhận: “Với sự quyết tâm và cách thức, tư duy điều hành không mang tính quản lý nhà nước theo kiểu "đối phó" dư luận, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung luôn đưa ra nhóm giải pháp để giải quyết từng khâu, từng bước rất khoa học và chặt chẽ cho từng lĩnh vực của ngành. Với cách thức lãnh đạo, cũng như tư duy điều hành chỉ đạo của Bộ trưởng như vậy, ngành LĐ-TB&XH chắc chắn sẽ tiếp tục có những đổi mới rất đáng ghi nhận”.

 

“Tư lệnh ngành xông xáo, quyết liệt, bám sát cơ sở, nắm bắt nhanh tình hình. Và tuy không phải người từ ngành trưởng thành lên, hoàn toàn “ngoại đạo” nhưng nắm bắt công việc rất nhanh. Và vốn là người trưởng thành từ cơ sở, đi qua nhiều chức vụ khác nhau, nhiều kinh nghiệm thực tiễn nên năng nổ, tích cực, tập trung giải quyết dứt điểm những bức xúc của ngành.

Chính sự quyết đoán ấy, đi đúng trọng tâm, chọn đúng lĩnh vực trọng điểm để làm, ông Dung bằng những việc làm cụ thể đã chứng minh dưới sự điều hành của ông, ngành LĐ-TB&XH đã đạt được những thay đổi rõ nét, đổi mới, và nhiều chuyển động”, ông Bùi Sỹ Lợi đánh giá. 

Thành Công

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh