THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:06

Năm 2017 ngành LĐ-TB&XH chuyển động mạnh, đổi mới, vượt trội, liên tiếp đạt - vượt chỉ tiêu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi: Xét một cách toàn cục, năm 2017, ngành LĐ-TBXH ghi dấu sự đổi mới và phát triển rõ nét, vượt trội.

 

Đây là nhận định của Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi trước thềm năm mới 2018, khi nhìn lại các nhiệm vụ ngành LĐ -TB&XH thực hiện trong năm 2017.

Dấu ấn “tư lệnh” Đào Ngọc Dung

 

- “Tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng người có công, không để nợ dân”- vấn đề được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề cập khi nhậm chức tháng 4/2016. Bước sang năm 2017- năm kỷ niệm 70 năm ngày thương binh - liệt sỹ, toàn ngành LĐ-TB&XH đã triển khai mạnh mẽ; theo ông, có đạt được những kết quả ấn tượng?

Việc định hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 và tổ chức chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày thương binh - liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2017) rất thành công, ấn tượng, thiết thực, khơi dậy trách nhiệm của cộng đồng xã hội trong chăm lo cuộc sống gia đình thương binh - liệt sỹ và người có công với cách mạng. Qua đó giáo dục thế hệ trẻ trân trọng, biết ơn những hy sinh của cha ông…

Thông điệp của người đứng đầu ngành Lao động thương binh và xã hội đưa ra khi nhậm chức là “Quyết tâm chính trị cao để xử lý cơ bản những vấn đề tồn đọng trong việc xác nhận người có công ”. Và thực tế, Bộ trưởng đã chỉ đạo quyết liệt giải quyết hồ sơ tồn đọng người có công, giải quyết các đơn thư, khiếu nại tố cáo xung quanh lĩnh vực này. Tôi cho là không hề đơn giản.

Đó là vụ 2 ông Nguyễn Công Uẩn, Nguyễn Tiến Lãng ở Bắc Ninh được khen thưởng vì có thành tích trong đấu tranh chống tiêu cực trong thực hiện chính sách người có công.

Rồi việc tham gia chỉ đạo tìm kiếm hài cốt liệt sỹ trong chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968 tại sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất; chỉ đạo tập trung giám định ADN xác định danh tính các liệt sỹ tại Hang Tám Cô - đường Quyết Thắng ở Quảng Bình; thúc đẩy việc giải quyết và công nhận hơn 5.900 hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ, người hưởng chính sách như thương binh trong năm 2017 (trong đó xét công nhận hơn 1.000 liệt sĩ).

Tiếp sau đó, là bước đột phá giải quyết xây mới, sửa nhà ở cho người có công với đề xuất của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung theo quy trình “địa phương có điều kiện, tạm ứng ngân sách để xây mới, sửa nhà ở cho các hộ gia đình chính sách trước dịp 27/7” - một nghĩa cử rất ấm áp đối với hộ gia đình chính sách có nhà ở bị xuống cấp, dột nát.

Chính từ quyết tâm của ngành Lao động và ngành Xây dựng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ghi vào vốn trung hạn hơn 8 nghìn tỷ đồng để giải quyết dứt điểm nhà ở người có công trong năm 2018.

 

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thăm hỏi các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Mẹ liệt sĩ tại Lễ Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ tỉnh Hà Nam. (Ảnh sử dụng trong bài: Mạnh Dũng - Chí Tâm)

 

Quan trọng hơn cả, trong năm 2017 Bộ đã trình Ban Bí thư Trung ương ban hành Chỉ thị số 14 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công, với nhiều quan điểm, đường lối chỉ đạo sâu sắc, toàn diện tạo nền tảng vững chắc cho việc hoàn thiện lĩnh vực chính sách quan trọng này trong thời gian tới.

Đây là dấu mốc rất ý nghĩa để năm 2017 - năm kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ trở nên trọn vẹn.

- Giải quyết chính sách cho người có công luôn là một áp lực lớn. Có một vấn đề đặt ra là hiện tại, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng chính sách ưu đãi người có công, con thế hệ thứ 2 chỉ hưởng chính sách bảo trợ xã hội. Dư luận xã hội đang đặt vấn đề thế hệ thứ 3, ông nghĩ sao?

Đến thời điểm này chắc chắn phải nghĩ đến chính sách đối với thế hệ thứ 3 bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxine. Đây cần được nhìn nhận là trách nhiệm của Nhà nước trong thực hiện an sinh xã hội, trợ giúp xã hội. Nên phải coi đối tượng đó là đi trước, và được giải quyết chính sách sớm nhất. Đây là quyết tâm chính trị và quan điểm sáng rõ của Đảng ta.

Tuy nhiên, việc thiết kế chính sách và triển khai thực tế phải được tính toán cụ thể. Để xác định người bị phơi nhiễm chất độc hóa học, cơ bản phải dựa vào thực chứng, và quan trọng hơn là phải đúng đối tượng để bảo đảm sự công bằng trong đóng góp, hy sinh và thụ hưởng. Dư luận rất quan tâm tới vấn đề này.

Trước đây, khi làm giám đốc Sở LĐ-TB&XH, tôi xem xét “đối tượng” có đúng là người hoạt động, công tác trong vùng bị địch rải chất độc hóa học đó không. Nếu đúng như vậy và có biểu hiện bệnh tật hoặc sinh con có dị tật, dị dạng hoặc bản thân vô sinh, thì  giải quyết chính sách, không may có sai, tôi cũng cho rằng bản thân họ có tham gia và hoạt động trong vùng đó; nhưng nếu giải quyết chính sách không đúng đối tượng (không tham gia hoạt động trong vùng có chất độc hóa học, kể cả có thể sinh con bị dị tật, dị dạng) thì sai sót này không chấp nhận được.

Phải có quan điểm đó mới giải quyết được chính sách, còn nếu không thì không giải quyết được chính sách.

Liên tiếp đạt- vượt chỉ tiêu, đưa ra các giải pháp đột phá

 

- Còn vấn đề việc làm, giải quyết các điểm nóng trong quan hệ lao động như thế nào, thưa ông?

Năm 2017 với việc giải quyết cho 1,6 triệu việc làm mới, trong đó đưa đi xuất khẩu lao động vượt con số trên 130 nghìn, như vậy là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt chỉ tiêu (kế hoạch đề ra đầu năm là 105 nghìn người).Đặc biệt, lao động Việt Nam đang có xu hướng chuyển dần tỷ trọng vào các thị trường có thu nhập cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Australia v.v…

Năm 2017 tình trạng lãn công, đình công, tranh chấp lao động thật đáng mừng có xu hướng giảm so với các năm trước đây.

Bên cạnh đó, là dấu ấn của việc sắp xếp lại tổ chức hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau khi Chính phủ giao chức năng thống nhất quản lý nghề nghiệp cho ngành LĐ-TB&XH. Trong lĩnh vực tuyển sinh, tính đến hết tháng 9/2017 đạt 1.381.355 người. Kết quả này cho thấy, bước đầu đã có sự thay đổi nhận thức của xã hội, của các bậc phụ huynh và các em học sinh khi quyết định con đường tương lại chính là học nghề để lập thân, lập nghiệp.

Với  khoảng 70% học sinh trường nghề tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, ở một số nghề và một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tỷ lệ này đạt trên 90%; một số ngành, nghề đạt tỷ lệ 100%...

Giải quyết bài toán  lương tối thiểu vùng cũng vậy. Lần đầu tiên sau nhiều năm, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã đạt được sự đồng thuận nhanh trong việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2018. Đó thực sự không phải là vấn đề dễ dàng.

Đặc biệt là giải quyết tồn đọng chính sách NCC và sắp xếp lại bộ máy sự nghiệp công lập, trong đó hệ thống các trường dạy nghề, các cơ sở đào tạo nghề của ngành LĐ-TB&XH, tôi cho là điểm quyết định của thành công.

 

"Ký thỏa thuận hợp tác với Viettel đẩy mạnh ứng dụng CNTT, cho thấy Bộ LĐ-TB&XH tập trung cải cách hành chính; đưa ra các giải pháp đột phá, đổi mới phương thức quản lý, điều hành- tạo chuyển động mạnh trong năm 2018... "- ông Bùi Sỹ Lợi đánh giá.

 

- Công tác xây dựng thể chế, không để nợ đọng các văn bản pháp luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ giao rất được Bộ chú trọng. Năm 2017 thì sao thưa ông?

Bộ đã tập trung giải quyết những vấn đề về cải cách thủ tục hành chính; đưa ra các giải pháp đột phá trong việc ứng dụng CNTT, đổi mới phương thức quản lý, điều hành. Việc “bắt tay” với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) ký thỏa thuận hợp tác nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT, viễn thông trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội giai đoạn 2017- 2020 minh chứng điều đó.

Rồi mới đây là việc tổ chức khai trương và đưa vào vận hành Cổng Dịch vụ công trực tuyến, mục tiêu nâng cao hoạt động hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận thủ tục hành chính… góp phần nâng cao chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGI) của Việt Nam. Tuy mới bắt đầu, nhưng tôi cho rằng rất quan trọng để tạo nền tảng chuyển động mạnh trong năm 2018 và các năm tiếp theo.

Qua giám sát của Ủy ban về Các vấn đề xã hội, toàn bộ các văn bản luật thuộc chức năng quản lý của Bộ LĐ-TB&XH được triển khai thực hiện tồn đọng rất ít. Chất lượng xây dựng văn bản tốt, không còn tình trạng chồng chéo nhiệm vụ. Điểm thành công chính là việc điều chỉnh nhanh, rất kịp thời tháo gỡ nhiều vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

Khách quan mà nói, so với một số Bộ, ngành đây là sự vượt trội!

Mở rộng đối tượng tham gia BHXH- bao phủ toàn dân

 

- Khi đánh giá tổng quát về ngành, đương nhiên không thể không nhắc đến vai trò của người đứng đầu ngành. Dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, theo ông đâu là điểm nhấn trong các hoạt động chỉ đạo, điều hành?

Đánh giá toàn ngành xong, phải đánh giá người đứng đầu một câu chứ (cười). Xông xáo, quyết liệt, bám sát cơ sở, nắm bắt nhanh tình hình. Tâm đắc nhất với Bộ trưởng là đọc tất cả đơn thư chuyển đến và xử lý kịp thời.

Giải quyết cái gì là quan trọng? Thì giải quyết tồn đọng chính sách cho người có công là quan trọng nhất - và phải coi đó như là “sinh mệnh” chính trị của Bộ trưởng. Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trả lời đại biểu Quốc hội, ông Dung đã thể hiện rõ quyết tâm đó.

Vì thế, tôi đánh giá cao vai trò của người đứng đầu - Chọn đúng lĩnh vực, chọn đúng vấn đề, nắm chắc vấn đề.

Cụ thể, thứ nhất, vềmặt điều hành, thì Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã biết lựa chọn “trúng” những vấn đề bức xúc của xã hội để giải quyết trước, như giải quyết tồn đọng người có công. Cùng với đó, chú trọng giải quyết về sắp xếp lại bộ máy cơ sở đào tạo nghề, khi vừa từ Bộ Giáo dục & ĐT chuyển sang.

Thứ 2, với vai trò người đứng đầu, lựa chọn phụ trách những mảng cốt yếu nhất như là thanh tra, như là tổ chức để giải quyết đơn thư, khiếu nại công dân hoặc là giải quyết vấn đề thanh tra, kiến nghị, đề xuất chính sách của người lao động, doanh nghiệp.

Thứ 3, là sâu sát cơ sở, chịu khó đi cơ sở và bám sát, lắng nghe cơ sở và giải quyết bức bách từ cơ sở. Ông Đào Ngọc Dung rất chịu khó đọc đơn thư. Đơn thư đến tay là ông đọc. Ông khác người khác ở chỗ là không để cho “lính tráng” đọc đơn rồi phê vào góc. Chỉ người đứng đầu đọc đơn, mới hiểu người dân mong muốn gì. Đã là đơn thư khiếu nại tố cáo thì phải gọi là “tìm sâu trong lá”. Phải tìm được những “nút khuất” trong lá mới giải quyết được đơn thư khiếu nại. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã đọc hết, không để cho ai đọc. Thì đó là điều được đánh giá cao.

Thứ 4, linh hoạt trả lời các chất vấn, đề xuất trước UBTVQH, trước Quốc hội và trước các phiên giải trình. Trả lời kết thúc phiên thảo luận truyền hình trực tiếp trên hội trường Quốc hội về bình đẳng giới, ông nói quá thuyết phục. Khi đó tôi phải chủ trì một phiên họp khác, đến “phần” ông Dung trả lời là phải mở máy nghe. Trả lời rất sâu sắc, rất chặt.

 

Năm 2017 ghi nhận con số nổi bật khi giải quyết 1,6 triệu việc làm mới; đưa đi xuất khẩu lao động khả năng vượt trên 126 nghìn - năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt chỉ tiêu 

 

- Tuy thế, đối với ngành LĐ-TB&XH, qua thực tiễn cũng bộc lộ một số thách thức. Đấy là những thách thức nào, thưa ông?

Thách thức còn nhiều. Đấy là chất lượng nguồn nhân lực, cơ cấu, bố trí nguồn nhân lực của chúng ta đang chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình phát triển và đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được thị trường lao động và hướng tới mục tiêu của cuộc cách mạng 4.0 . Đây là một thách thức của ngành LĐ-TB&XH.

Vấn đề thứ 2 là nghèo đói. Theo tiêu chí nghèo đa chiều, dẫn đến một sự bất bình đẳng giữa các vùng miền và giữa các dân tộc. Đây là thách thức. Nghèo đói tập trung vào lõi nghèo không thể giải quyết theo “bài” đi hàng ngang mà phải tập trung nguồn lực, phải có điểm nhấn trong giảm nghèo bền vững.

 Thứ 3, chính sách người có công còn ít, cơ bản giải quyết xong nhưng những trường hợp còn lại tuy rất ít nhưng lại rất khó khăn và vô cùng phức tạp. Nếu không có quan điểm, không có cách nhìn, không có trách nhiệm cao thì không thể giải quyết được!

 Thứ 4, là tổ chức sắp xếp bộ máy trong điều kiện Hội nghị Trung ương 6 về tổ chức sắp xếp lại bộ máy của Đảng và tổ chức sắp xếp lại bộ máy nhà nước, rồi vấn đề về đề án đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập đặt ra cho các bộ, ngành áp lực về tổ chức, về con người, sẽ dẫn đến những vấn đề rất khó khăn khi giải quyết biên chế, và cải cách các thủ tục hành chính.

Do đó, đối với ngành LĐ-TB&XH phải hết sức quan tâm đến vấn đề chỉ đạo, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Để sắp xếp, tổ chức lại bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó nòng cốt là cơ sở đào tạo nghề. Rất quan trọng. Đòi hỏi phải có các giải pháp tích cực.

Áp lực nữa của ngành LĐ-TB&XH hiện nay là cải cách chính sách tiền lương và BHXH. Làm sao mở rộng đối tượng tham gia BHXH cho cả khu vực chính thức và phi chính thức theo hiến định về quyền được bảo đảm an sinh xã hội của công dân, tiền lương phản ánh đúng giá trị sức lao động theo cơ chế thị trường. BHXH cũng phải như BHYT- phải bao phủ toàn dân.

Và cuối cùng là gì? Vẫn phải tiếp tục để giải quyết tồn đọng sau chiến tranh, trong đó đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra những người không có công mà đang được hưởng chính sách như người có công với cách mạng. Số này rất ít, rất nhỏ, nhưng tạo ra sự bất công bằng xã hội, gây ra dư luận xã hội không tốt. Cuộc “cách mạng” đó còn nặng nề hơn cả các việc khác. Việc đó phải được lưu ý.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

“Và cũng trong năm qua, Bộ LĐ-TB&XH được các cơ quan của Quốc hội, đặc biệt được Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá là một trong những Bộ giải quyết nhanh nhất, kịp thời nhất, đầy đủ nhất đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân do Quốc hội và các cơ quan chuyển đến.

Xét một cách toàn cục, năm 2017, ngành LĐ-TBXH ghi dấu sự đổi mới và phát triển rõ nét, vượt trội xuất phát từ quyết tâm chính trị của người đứng đầu, sự đồng thuận vào cuộc của cả hệ thống chính trị và xã hội…- Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi.

 

THANH PHÚC - THANH NHUNG (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh