CHỦ NHẬT, NGÀY 08 THÁNG 09 NĂM 2024 06:37

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Nỗ lực của ngành thời gian qua là công sức của cả tập thể”

 

Vị tư lệnh ngành quyết đoán, gần dân

Tuy là “lính mới” như cách gọi đùa khiêm tốn của ông khi vừa về Bộ LĐ-TB&XH, nhưng các vấn đề được người dân quan tâm hàng đầu là lao động việc làm, bảo đảm phúc lợi cho người lao động, rồi các vấn đề về bảo trợ xã hội, những tồn đọng trong chăm sóc người có công… ngay lập tức ở cương vị đầu tàu ngành LĐ-TB&XH, tổng tư lệnh Đào Ngọc Dung đã có những quyết định dứt khoát, nhanh nhẹn, đem đến nhiều niềm hi vọng cho người dân, giới đầu tư cũng như thắp lên niềm vui, sự an tâm ở người lao động.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (giữa), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (bên trái, ngoài cùng) trong chuyến thăm hỏi nhân dân vùng lũ Hà Tĩnh 

Ngay tại buổi Lễ bàn giao công việc giữa bộ trưởng tiền nhiệm Phạm Thị Hải Chuyền và người kế nhiệm Đào Ngọc Dung, vị tân Bộ trưởng  đã chia sẻ những tâm sự chân tình rằng: “Chúng ta đang nợ dân rất nhiều”.

Câu nói này của ông, những tưởng chỉ là một lời… nói suông trong suy nghĩ của nhiều người khi ấy, nhưng ngay lập tức, ông bắt tay vào “xử lý” những khó khăn trong chính sách cho người có công, các vướng mắc của người lao động, gần 200.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp... đã cho thấy thực tế, đây là những vấn đề ngành lao động “đang còn nợ dân”.

Nhằm giải quyết những khó khăn, bức xúc về nhà ở đối với người có công, Quốc hội quyết định bố trí 7.300 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn để thực hiện, đồng thời giao Chính phủ, trong trường hợp cần thiết, ưu tiên bố trí vốn thực hiện trong giai đoạn 2017-2018... Và cũng chỉ mới bằng đấy thời gian cho nhiều việc ngổn ngang, và “vẫn còn ngổn ngang nhiều lắm” như ông nói, đến những ngày cuối năm, người ta thấy các tỉnh, địa phương, gia đình người có công vui vì đã giải quyết xong thí điểm hồ sơ tồn đọng người có công - thí điểm áp dụng hướng xử lý hồ sơ đề nghị công nhận người có công, nhất là hồ sơ thương binh, liệt sỹ còn tồn đọng hàng chục năm qua theo “quy trình thí điểm giải quyết theo từng tình huống” ở 5 tỉnh (Bắc Kạn, Lai Châu, Thái Bình, Đà Nẵng,Long An); 5 địa phương có 68 hồ sơ đề nghị của địa phương xác nhận liệt sĩ, một số địa phương xin mô hình này để áp dụng. Đây thực sự là bước đột phá nền tảng cho năm 2017.

Cùng với đó, năm 2016 cũng là năm đầu tiên xuất khẩu lao động cán mốc 126 nghìn người, đạt 126% kế hoạch, một số thị trường xuất khẩu lao động được khơi thông…

Không truyền thông, không đưa tin rộng rãi, những bước đi vững chắc và khởi sắc đó của ngành đủ để in dấu vai trò “nhạc trưởng”, nhưng bao giờ vị tư lệnh ngành cũng chỉ thoáng cười, trong dáng vẻ hơi vội vã vì nhiều việc của ông, bảo: “Còn nhiều việc phải làm nữa lắm. Hãy nói về các cộng sự của tôi, vì đó là nỗ lực chung của cả tập thể”, ông cười.

Năm 2017, còn đó tầng tầng lớp lớp những công việc phải giải quyết ngay, như an sinh xã hội không phải là không đầy những lo toan, vì thiên tai gần như cao nhất, chưa năm nào số lượng cấp phát gạo cứu đói lại lớn như năm qua, lên đến hơn 60.000 tấn. 

Cũng là năm đầu tiên nhận nhiệm vụ chính phủ giao, Bộ LĐ-TB&XH thực hiện quản lý nhà nước toàn bộ lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Tất cả 234 trường cao đẳng, 303 trường trung cấp chuyên nghiệp đang trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chuyển sang Bộ LĐ-TB&XH quản lý... 

Với cương vị tổng tư lệnh ngành, vừa mới tiếp quản hơn nửa năm, thì đây là một nhiệm vụ lớn, một trọng trách đặt lên vai không thể nói là không nặng nề. Thách thức nhiều, trọng trách và khó khăn cũng muôn phần

Và nói đâu xa, ngay ở hành lang quốc hội, hình ảnh một vị Tư lệnh ngành tuy “mới”, rất kiệm lời nhưng cởi mở với báo chí đã nhanh chóng trở nên quen thuộc. Đúng kỳ họp thứ 2 Quốc hội, tân Tổng Tư lệnh ngành LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phải nhanh chóng xử lý 2 vụ việc cai nghiện trốn trại, vừa hối hả điều hành qua điện thoại không dứt, vừa phải “đối mặt” với cả rừng báo chí quan tâm sự kiện “nóng” ngày hôm đó… 

Người ta không thể không chia sẻ với những khó khăn ở các tân Bộ trưởng nói chung và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói riêng, vì ai cũng hiểu một vị tổng tư lệnh ngành mới chỉ tiếp quản với thời gian nửa năm, mà khối lượng công việc thì lớn, phải nắm bắt được ngay, thì trọng trách là không ít nặng nề. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng đoàn công tác dâng hương các anh hùng liệt sĩ


Thủ tướng hoan nghênh đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH

Như chia sẻ của các đại biểu quốc hội bên hành lang quốc hội, với các vị tân Bộ trưởng nói chung, có thể không tránh khỏi một khoảng giao thoa nhiệm kỳ, nhưng hành động trách nhiệm và quyết liệt của các vị tân bộ trưởng, thủ trưởng ngành trong lĩnh vực của mình đang là điều được tòan thể cử tri trông đợi. 

Bởi, ngay như ngành LĐ-TB&XH, trong bối cảnh kinh tế xã hội còn nhiều những khó khăn, việc Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất giảm nhẹ gánh nặng quỹ bảo hiểm cho doanh nghiệp được không chỉ doanh nghiệp hoan nghênh mà còn tạo được sự đồng thuận trong xã hội. 

Còn nhớ, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra ngày 29/10, Tư lệnh ngành LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã đề xuất giảm 5.400 tỉ đồng quỹ bảo hiểm cho doanh nghiệp. Theo tính toán, việc làm này có thể giảm cho doanh nghiệp khoảng 5.400 tỉ đồng chi phí mỗi năm. 

Với đề xuất này, Bộ trưởng cũng cho biết, nếu Chính phủ đồng ý với các phương án trên, để giảm tỷ lệ đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, nghề nghiệp, phải sửa đổi Nghị định 37 năm 2016. Còn để giảm tỷ lệ đóng quỹ bảo hiểm thất nghiệp thì phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Hoan nghênh đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nếu giảm được 0,5% tỷ lệ đóng các loại quỹ nói trên sẽ hỗ trợ rất tốt cho các doanh nghiệp. Thủ tướng giao Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu và trình Chính phủ phương án cụ thể. 

Đánh giá cao về đề xuất này, báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Lâu nay xã hội vẫn nghe than phiền không ngớt về nguy cơ thâm thủng quỹ BHXH thì nay thông tin cụ thể rõ ràng như trên thể hiện thái độ ứng xử fair-play của cơ quan quản lý đối với DN, người lao động. Đó là sự thấu hiểu khó khăn và chia sẻ kịp thời đối với các thành phần lao động, sản xuất tạo nguồn thu cho xã hội, đồng thời thể hiện tư duy quản lý công bằng, rạch ròi”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và đại diện IM Japan tại Lễ ký biên bản ghi nhớ về thực hiện chương trình Thực tập sinh kỹ năng Việt Nam tại Nhật Bản. Năm 2016 cũng là năm ghi dấu, lần đầu tiên Việt nam xuất khẩu lao động lớn nhất sang Nhật bản


Rồi số sinh viên ra trường thất nghiệp vẫn tăng cao. Nguy cơ đó là nhãn tiền, đặt lên vai ngành LĐ-TB&XH rất nhiều công việc phải giải quyết đồng bộ, đòi hỏi chuyển động nhanh, giải quyết từng mắt xích nhỏ, chưa kể toàn xã hội phải chuyển mình, sao cho doanh nghiệp làm ăn tốt, để giải quyết những mối lo cơm áo của từng cá nhân người lao động, đem lại công ăn việc làm bền vững…

Cuộc gặp dự kiến sắp tới ngay trong đầu năm 2017, với các doanh nghiệp đưa lao động đi xuất khẩu lao động nước ngoài giữa Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và các doanh nghiệp sẽ đem lại sự cởi mở cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, nhưng chắc chắn sẽ không ít doanh nghiệp phải ngay lập tức chấn chỉnh lại mình, nếu không thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. 

Để đạt được những kết quả lớn về công tác xuất khẩu lao động, các chuyên gia cũng luôn bày tỏ sự đồng thuận, cần một vị tư lệnh ngành dám quyết, dám làm, mạnh tay với những sai phạm, cẩu thả, để bức tranh xuất khẩu lao động trở nên sáng sủa vượt bậc. 

Nhiệm vụ nào cũng nặng nề, cũng quan trọng, cũng đầy những thử thách, cũng khó khăn, cũng to lớn…

Những trông đợi đã một lần nữa được thắp lên

Tất nhiên, để giải quyết dứt điểm những rối rắm, những tồn đọng trong điều kiện khó khăn chung hiện tại về kinh tế của đất nước, hay các vấn đề an sinh xã hội, lo chu đáo công tác chăm lo cho người có công… một cách đồng bộ, công việc và trách nhiệm của vị tân bộ trưởng ngành LĐ-TB&XH sẽ rất nặng nề, đòi hỏi quyết tâm và trách nhiệm rất lớn.

Bộ trưởng tiếp xúc cử tri, quan tâm hỏi han, thăm bản nông thôn mới Piềng Mòn, xã Tén Tằn, tỉnh Thanh Hóa

 

Tuy vậy, như nhận định của các đại biểu quốc hội, giới đầu tư- kinh doanh và người lao động tin rằng, vị tân Bộ trưởng ngành LĐ-TB&XH nắm trong tay cơ hội cũng như biết tạo nên những bước đột phá trong bối cảnh hiện tại…

Thế nhưng, khi để đánh giá những nỗ lực trong năm qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung luôn khiêm nhường: “Trong năm qua, tôi và các cộng sự luôn phải tiến hành nhiều công việc lớn, đã cùng nhau hoàn thành một khối công việc nặng nề, phức tạp. Đây là công sức của cả một tập thể, không phải cá nhân tôi”.

Năm 2017 đã đến, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phải quyết liệt, khẩn trương thực hiện trong năm 2017 rất nhiều việc. Như rà soát lại đội ngũ, xốc lại nguồn nhân lực, tạo sự chuyển biến thực sự trong cả hệ thống; phát huy những thành tựu đạt được từ trước đến nay, nhưng cũng phải thay đổi cách làm cũ, với những tồn đọng tiêu cực cũ…. 

Nhớ lại thời điểm tháng 4/2016, khi tân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức, với lời hứa “ra sức phấn đấu, rèn luyện để hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó”.

Tiếp theo tinh thần đó, Thủ tướng cũng gửi đi thông điệp xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động và phát triển…

Và trong suốt 8 tháng qua, quãng thời gian tuy chưa thể nói là dài, toàn bộ nội các chính phủ với những hình ảnh của các vị tư lệnh ngành, đủ để nhân dân kỳ vọng về một giai đoạn phát triển mới của đất nước. Những trông đợi đã một lần nữa được thắp lên!

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giữa "vòng vây" báo chí, truyền hình bên hành lang Quốc hội 


THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh