CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:53

Dự án thủy điện làm khổ người dân miền núi Thừa Thiên Huế trong nhiều năm

Bao giờ chủ đầu tư dự án thủy điện Thượng Nhật mới chịu chi trả số tiền hơn 22 tỷ đồng đền bù cho người dân?


Dự án thủy điện Thượng Nhật được cấp phép đầu tư xây dựng tại thôn 2 và thôn 3, xã Thượng Nhật (huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế). Dự án do Công ty cổ phần đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam (tên viết tắt là MVC) được Bộ Công Thương phê duyệt năm 2005, cấp phép đầu tư vào năm 2007, chính thức khởi công vào ngày 19/5/2008.

Dự án thủy điện Thượng Nhật có tổng vốn đầu tư 158,2 tỉ đồng, xây dựng trên diện tích 154 ha với 2 tổ máy công suất 6MW, dự kiến tổ máy số 1 phát điện vào quý 1 năm 2010. Thế nhưng sau khởi công dự án chỉ triển khai vài hạng mục nhỏ lẻ rồi “án binh bất động”, bỏ dở việc đền bù giải phóng mặt bằng.

Đáng chú ý, kể từ khi đăng kí lần đầu tại Nghệ An (năm 2007), đến nay MVC đã có 8 lần đăng kí thay đổi chứng nhận đăng kí doanh nghiệp. Ngày 10/5/2016 MVC được Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cấp giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp lần thứ 8 với trụ sở công ty hết sức mập mờ. Trong tháng 5/2016, Bộ Công Thương có quyết định điều chỉnh dự án thủy điện Thượng Nhật, trong đó công suất lắp máy nâng lên 7MW. Trên cơ sở này MVC đã thay đổi thiết kế nhiều hạng mục, vị trí nhà máy nên mọi việc gần như khởi động lại từ đầu với số vốn được điều chỉnh lên hơn 340 tỷ đồng.

Để thực hiện dự án “rùa bò” này, gần 200 hộ dân ở các thôn 2, 3 của xã Thượng Nhật bị thu hồi hàng trăm ha đất rừng sản xuất để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Ngay tại thời điểm đó, bà con trong vùng ảnh hưởng của dự án đã tỏ ra không hài lòng về giá cả đền bù đất đai giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, dù đã phải chấp nhận phương án đền bù chưa thỏa đáng của chủ tư, họ lại bị MVC “chây ỳ” tiền đền bù cho đến tận thời điểm bây giờ, tức hơn 3 năm qua.

Ông Hồ Văn Trân là một trong số các hộ dân ở thôn 2, xã Thượng Nhật bị thu hồi nhiều diện tích đất rừng nhưng đến nay vẫn chưa được đơn vị chủ đầu tư dự án đền bù. Ông Trân cho biết: “Từ năm 2016, cơ quan chức năng cùng đại diện chủ đầu tư  thủy điện Thượng Nhật đã tổ chức đo đạc diện tích đất rừng của gia đình để thu hồi và lập phương án đền bù. Nhưng đến nay, đã hơn 3 năm trôi qua chúng tôi vẫn chưa nhận được một đồng tiền nào trong số tiền đền bù”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, có tất cả 187 hộ dân ở xã Thượng Nhật, trong đó tập trung phần lớn ở thôn 2 bị thu hồi hàng trăm ha đất rừng để giao cho dự án thủy điện Thượng Nhật. Hộ bị thu hồi ít thì cũng phải hàng trăm m2, trong khi hộ nhiều lên đến vài ha đất nhưng đến nay chưa một gia đình nào được nhận được tiền đền bù từ MVC. Trong khi đó, sinh kế của đa phần các hộ dân bị ảnh hưởng đều dựa vào việc trồng rừng kinh tế như keo, tràm, cao su… nên sau khi bị thu hồi đất, cuộc sống của họ rơi vào cảnh khốn khó, nợ nần chồng chất.

Hộ ông Nguyễn Văn Đức, sống ở thôn 2 được phê duyệt đền bù với số tiền gần 1 tỷ đồng là 1 ví dụ. Khi bị thu hồi đất, với số tiền đền bù được nhận, vợ chồng ông nhẩm tính lên kế hoạch chuyển đổi sinh kế, mua bò giống về để chăn nuôi, phát triển kinh tế thay cho việc trồng rừng. Tuy nhiên việc chủ đầu tư dự án thủy điện Thượng Nhật chây ỳ đền bù đã khiến mọi kế hoạch làm ăn của gia đình ông đổ vỡ. “Sống ở miền núi, quanh năm chỉ biết bám nương bám rẫy, lấy việc trồng cây rừng để mưu sinh nuôi sống cả gia đình, lo cho con cái ăn học nhưng giờ đất rừng bị dự án thủy điện thu hồi nên rất vất vả. Không có đất sản xuất, tiền đền bù cũng không được phía chủ dự án chi trả, chúng tôi phải đi làm thuê làm mướn cho các chủ rừng để đắp đổi qua ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị vấn đề này trong những cuộc họp thôn, xã và các cấp nhưng không biết phải chờ đến bao giờ thì những hộ dân như tôi mới nhận được tiền đền bù…”, ông Đức bày tỏ bức xúc.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Đình Khởi – Chủ tịch UBND xã Thượng Nhật cho biết, dự án thủy điện Thượng Nhật đã gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân địa phương. Ngoài việc đền bù đất đai bị thu hồi cho dân bị chậm chễ đến việc MVC nổ mìn thi công đập thủy điện gây nứt nẻ nhà cửa người dân. Sự việc này đến nay bên chủ đầu từ vẫn chưa có động thái kiểm tra, khảo sát mức độ thiệt hại để đền bù cho người dân.

“Tổng số tiền mà cơ quan chức năng và nhà đầu tư phê duyệt đền bù từ việc thu hồi đất của 187 hộ dân để thực hiện dự án là hơn 22 tỷ đồng. Xã đã nhiều lần liên hệ với chủ đầu tư, nhưng họ cứ hẹn lần này đến lần khác. Mới đây nhất, họ hẹn đến tháng 5/2019 sẽ chi trả đền bù cho bà con nhưng rồi cũng không thấy đâu, trong khi dự kiến trong tháng 6 này thì thủy điện Thượng Nhật sẽ bắt đầu tích nước”, theo lời ông Khởi.

Lý giải về việc dù chủ đầu tư chưa trả tiền bền bù cho người dân nhưng dự án vẫn được triển khai, ông Trần Quốc Phụng – Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho rằng, lúc đầu nhà đầu tư thông báo gặp khó khăn về tài chính và hứa sẽ sớm thực hiện việc chi trả đền bù cho người dân khi thi công nên dự án mới được cho phép triển khai. Theo ông Phụng, đến nay, trong tổng số 187 bị thu hồi đất thì hộ bị nợ ít cũng 150 triệu đồng, hộ nhiều nhất gần 1 tỷ đồng. “Nếu chủ đầu tư chưa hoàn tất việc chi trả đền bù cho người dân thì chắc chắn thủy điện Thượng Nhật không thể tích nước được”, ông Phụng khẳng định.

Một dự án thủy điện “rùa bò” lại gây ra bao nhiêu phiền toái cho người dân địa phương, trách nhiệm thuộc về ai? Người dân bao giờ mới được nhận tiền đền bù mà đáng lý họ phải được nhận từ cách đây nhiều năm về trước?

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh