THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:31

Dự án thủy điện biến thành… bãi khai thác vàng

 

Cách đây gần 5 năm, Công ty cổ phần Phúc Kim Tâm được UBND tỉnh Kon Tum cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án thủy điện Đắc Brót, công suất thiết kế hơn 2MW, ở làng Nú Vai, xã Đắc K’roong, huyện Đắc Glei. Điều trớ trêu là, từ đó đến nay không những Công ty này không triển khai xây dựng thủy điện, mà còn lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền cơ sở và ngành chức năng địa phương để khai thác vàng sa khoáng trái phép.
Qua 6 năm triển khai, dự án thủy điện Đắc Brót chỉ xây dựng được nhà điều hành, còn công trường chỉ là bãi khai thác vàng sa khoáng trái phép
Gần 5 năm đã trôi qua, kể từ khi Công ty cổ phần Phúc Kim Tâm được UBND tỉnh Kon Tum cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án thủy điện Đắc Brót, vẫn chưa có hạng mục thủy điện nào được thi công. Trái lại, hoạt động khai thác vàng sa khoáng ở đây diễn ra với quy mô lớn, hàng chục hec-ta bị đào bới nham nhở. Khu vực dự án thủy điện Đắc Brót trở thành điểm nóng khai thác vàng trái phép ở huyện Đắc Glei. Mới đây, đoàn kiểm tra của Sở Tài Nguyên và Môi trường và UBND huyện Đắc Glei kiểm tra đột xuất tại khu vực này, phát hiện 20 người với 2 máy đào cùng nhiều dụng cụ khai thác vàng.
Ông Võ Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum cho biết: “Dự án thủy điện Đắc Brót này đã xảy ra rất nhiều lần trong phạm vi công trình có khai thác vàng sa khoáng trái phép. Khi họ khai thác vàng này thì tốn rất nhiều công sức, thời gian của các ngành cũng như UBND huyện trong công tác kiểm tra.”
Có thể khẳng định, sự buông lỏng quản lý của chính quyền cơ sở; thiếu giám sát, thiếu phối hợp để giải quyết sự việc của ngành chức năng địa phương đã tạo cơ hội để doanh nghiệp đầu tư dự án thủy điện Đắc Brót lợi dụng khai thác vàng sa khoáng trái phép trong nhiều năm qua.
Cụ thể là, ngay sau khi Công ty cổ phần Phúc Kim Tâm được tỉnh Kon Tum cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 6/2010, việc khai thác vàng sa khoáng trái phép đã diễn ra ở dự án thủy điện này. Chính quyền xã Đắc K’roong, huyện Đắc Glei, ngành chức năng tỉnh Kon Tum đều biết song không kiên quyết xử lý triệt để.
Quá trình triển khai dự án, Công ty tự ý đưa máy móc vào khai thác vàng với danh nghĩa khai hoang tái định canh, dù hạng mục này không có trong dự án. Sai phạm của chủ đầu tư thủy điện khá rõ, song ngành chức năng tỉnh Kon Tum, cụ thể là Sở Công thương lại tỏ ra quá thận trọng và dễ dãi trong xử lý, dẫn đến sự việc kéo dài gần 5 năm, mặc dù tiến độ thực hiện dự án quy định chỉ trong 2 năm.
Theo ông Bùi Văn Cư, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kon Tum, cần phải đánh giá tất cả những nguyên nhân chậm trễ của dự án, khách quan và chủ quan.
Liên quan đến việc doanh nghiệp biến dự án thủy điện thành bãi khai thác vàng trái phép, vừa qua Thường trực Huyện ủy, UBND huyện Đắc Glei đã làm việc với Đảng ủy, UBND xã Đắc K’roong và các cơ quan có liên quan kiểm điểm trách nhiệm, đồng thời yêu cầu các cơ quan, đơn vị chấn chỉnh công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn.
Đối với chủ đầu tư dự án thủy điện Đắc Brót là Công ty cổ phần Phúc Kim Tâm, ông A Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng cần thiết phải thu hồi giấy phép đầu tư của Công ty này.
Để xử lý dứt điểm tình trạng khai thác vàng sa khoáng trái phép tại dự án thủy điện Đắc Brót, cùng với UBND huyện Đắc Glei, hai ngành chức năng của tỉnh Kon Tum là Sở Tài Nguyên và Môi Trường và Sở Công thương đã đề nghị UBND tỉnh Kon Tum đình chỉ, thu hồi dự án đầu tư theo quy định. Dư luận tại địa phương đang chờ đợi kết quả xử lý của UBND tỉnh Kon Tum đối với một dự án thủy điện có nhiều sai phạm./.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh