THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:37

Đồng đội gọi... (tiếp theo và hết)

III - Lính mà em

Đêm qua, anh đã dành một đêm thức suốt, kể cho em nghe chuyện của dòng sông Thạch Hãn, nơi không biết bao nhiêu chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại dưới đáy sông và tiếng gọi những người lái đò đi qua đây của Lê Bá Dương - đồng đội anh rằng "Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông nơi đó bạn tôi nằm", xin mọi người đừng làm lay động giấc ngủ ngàn thu của những người lính dưới đáy sông, hãy để họ nằm bên nhau ngàn đời như thế.

Đêm nay trăng sáng quá, trăng soi vào cửa sổ khiến anh nhớ đến em, cô gái bên dòng Lô ngày nào. Trăng bên Ải bắc có sáng như trăng trên sông Lô không em ơi? Hãy thức nghe anh thì thầm với dòng Lô quê mình, em nhé!

Đã 48 năm, hôm nay trên đường hành quân về Quảng Trị theo mệnh lệnh từ trái tim, theo tiếng gọi đồng đội, anh mới được nghe lại bài thơ "Đường hành quân" mà anh Thành Viên cùng Báo chí Khóa I hay ngâm trên giảng đường mỗi giờ giải lao đến:

"Vượt núi băng sông.

Chân tôi bước đi, giữa hương đồng cỏ nội,

Vòng lá ngụy trang đã bao lần thay lá mới,

Tôi lên đường, theo tiếng gọi quê hương.

Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi...".

"Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi", lời thơ giống như lời trong bài hát "Hành quân xa" của Đỗ Nhuận năm nào đã giục giã anh cùng đồng đội trong đại đội 28 phóng viên tiền phương hát với nhau trên con đường hành quân dài dằng dặc, từ Thủ đô Hà Nội vào mặt trận Quảng Trị, rồi lại từ Quảng Trị đến tận đồng bằng sông Cửu Long xa lắc xa lơ đấy, em ơi.

Đồng đội gọi...(tiếp theo và hết) - Ảnh 1.

Trên đường hành quân về Quảng Trị theo mệnh lệnh từ trái tim, theo tiếng gọi đồng đội, anh mới được nghe lại bài thơ "Đường hành quân".

Ngày ấy tại mặt trận bốn bề lửa khói, vì công việc, cánh phóng viên mặt trận luôn được tiếp xúc với lãnh đạo các đơn vị chiến đấu mà bọn anh gọi là Ban "Tham mưu lớn", nhưng tiếp xúc nhiều hơn cả lại là các "Tham mưu con" xuất hiện ở từng tiểu đội trên mặt trận không lúc nào ngớt tiếng bom rơi.

- Đói ư? Các "Tham mưu con" sẽ mò được cái ăn.

- Khát, không có nước ư? Các "Tham mưu con" sẽ đào đất hứng sương đêm cho mà uống.

- Không có nước uống giữa hai trận đánh ư? Đái ra ca mà uống để tiếp tục đánh địch.

- Đánh thua, mất chốt, "Tham mưu con" chửi chỉ huy, rồi lại chỉ cho mấy ông quen đánh địch trên xa bàn cách đánh triệt lấn, tấn, dũi cho họ theo kinh nghiệm chiến trường.

Không đánh nhau, các "Tham mưu con" đủ chuyện, chuyện vui nhất là chuyện bọ; chuyện dễ cãi nhau giữa các vùng miền nhất là chuyện con tôm và con tép, châu chấu và con cào cào. Cãi nhau suốt từ sáng đến tối chưa dứt, nếu không có chỉ huy đến, chắc họ lại vật nhau huỳnh huỵch. Hỏi tại sao thế? Câu trả lời gọn lỏn: Lính mà anh! Xong họ phá lên cười. Nụ cười người lính đã giúp bọn anh đi qua cái chết nhẹ như lông hồng trong mỗi cuộc chiến, mỗi mùa chiến dịch đó, em ơi.

Anh đang ngồi cạnh anh Nguyễn Hữu Phỏng, đồng đội, đồng tuổi, cùng chiến đấu ở 48 đây. Anh ấy cũng bạc hết cả đầu như anh rồi em ạ. Anh ấy làm thơ hay lắm, đầu anh ấy lúc nào cũng vang lên câu thơ "Đồng đội" rồi "Đầu súng trăng treo". Người nông dân mặc áo lính ấy hiền khô như cục đất Thụy Duyên, Thái Thụy, Thái Bình mà anh ấy từng mang đi từ ruộng lúa Thái Bình vào chiến trường Quảng Trị. Anh Phỏng tặng anh bài thơ "Nụ cười năm xưa", anh đọc em nghe, sông Lô ơi hãy mang bài thơ này đến bên tai em yêu của tôi nhé:

"Bạn xưa cùng một chiến hào,

Sau loạt bom, xẻng, cuốc đào tìm nhau.

Ngỡ ngàng dưới lớp đất sâu,

Mười phần chết chín, mong đâu một ngờ.

Vừa đào vừa nghĩ vẩn vơ,

Nếu không sống nữa, bây giờ tính sao?

Lòng thương nước mắt tuôn trào,

Thôi đành, cứ cuốc, cứ đào vu vơ.

Đây rồi! mà cứ như mơ,

Lôi nhau lên, mắt lơ ngơ đã cười...".

Nụ cười của người bị bom vùi dưới hầm chữ A được đồng đội "lôi" lên từ cõi chết, mắt còn lơ ngơ không hiểu sao đang ở dưới âm phủ tối om, giờ lại sáng bạch khiến anh kinh ngạc quá. Sao bài thơ của anh ấy giống như cái chết đã ập xuống hầm sâu, giáng vào đầu anh y vậy?

Anh cũng đã qua một trận bom ở góc Thành cổ như thế, gạch trên thành lấp kín 4 hầm, trong đó có hầm của anh, em ạ. Trận bom ấy đã chôn sống 15 người lính cảm tử xứ Nghệ cùng vào với anh đêm qua, mà họ không có may mắn thoát chết như bạn anh Phỏng, như anh và chú Đợi đâu em ạ. Đừng khóc, anh mới có thể kể được cho em nghe câu chuyện bi ai này.

Sau hôm Hà Huy Thành hy sinh, anh thoát chết vì bom trên sông Thạch Hãn; sáng ra lại thoát chết bởi mũi súng của vệ binh Nguyễn Hữu Thể E48. Đêm 28/8/1972, chú Đợi đưa anh đến vị chốt của K3. Cùng đi với anh có 15 chiến sĩ "Cảm tử" người xứ Nghệ mặc quần đùi, đeo bòng, khoác AK, tay phải có băng đỏ. 17 người vào ngay 4 căn hầm kèo dưới chân dốc Thành cổ, đối diện với sông Thạch Hãn của đơn vị nào đó đã di chuyển sâu vào mặt trận.

Tranh thủ chợp mắt ít phút thì máy bay địch đã quần đảo trên đầu. Pháo từ biển bắn vào trận địa của ta rào rào. Từ trận địa tên lửa của ta ở Ái Tử, hàng loạt tên lửa mà lính ta hay gọi là "ông già 72" cũng kêu viu viu đáp trả địch trong Thành cổ. Rút kinh nghiệm từ trận đánh bom vào bệnh xá Vĩnh Long gần Hồ Xá, Vĩnh Linh khiến anh Hồ Minh Khởi trúng mảnh bom và hy sinh, anh và Đợi đã ngồi xổm chéo, cách cửa hầm nửa mét, lưng dựa vào vách hầm chữ A để mảnh bom pháo có văng từ cửa hầm vào cũng không trúng vào mình ngồi góc đó được; hai ngón tay cái cho vào mồm ngăn sập hầm đứt lưỡi; hai ngón tay trỏ bịt chặt lỗ tai ngăn bom làm rách màng nhĩ không bị điếc, bọn anh qua được loạt bom đợt một do máy bay A37 ném xuống. Đợt hai, hai quả nữa, vẫn thoát chết. Đợt ba, chưa kịp nghĩ thì hầm rung lên, sập xuống, tối om, khói bom ùa vào hầm khiến hai anh em ho sặc sụa. Thanh gỗ xà gồ néo chặt thanh trên và thanh dưới nóc hầm kèo đứt dây thép buộc, đập xuống đỉnh đầu làm anh vỡ mũ cối khiến máu mũi, máu tai, máu mồm chảy ra, ngấm ngay vào cát đang đầy trong mồm; xanh tuya rông đeo súng vung đâu mất; máy ảnh buột khỏi tay. Anh và Đợi ngất đi.

Phải lâu lắm, anh và Đợi mới cùng tỉnh. Hầm vẫn ngột ngạt vì thiếu không khí. Nhìn ra cửa hầm thấy có chút ánh sáng, anh đã mò tìm dây xanh tuya để lấy súng và dao găm. Quờ tìm được súng và cả máy ảnh, mừng quá, anh rút dao găm bò ra cửa hầm, rồi chọc lên chỗ có ánh sáng. Đất tụt xuống theo cánh tay. Chọc một lúc mỏi quá, Đợi bò ra thay anh chọc tiếp. Chọc lâu lắm, bụi đất tụt xuống hầm để lộ mấy khúc gỗ che ngang cửa hầm. Thoáng nghĩ, nếu không có mấy khúc gỗ này, chắc anh và Đợi bị vùi hẳn. Anh khom lưng dùng đầu và vai ẩy khúc gỗ, nó không nhúc nhích. Đợi thay anh, nó khỏe hơn nên cây gỗ đã xê dịch, mệt quá nó thở như bò rống vậy. Đến lượt anh, "nhà báo thì làm gì được nó" - Đợi bảo thế và khúc gỗ vẫn không nhúc nhích thật. Nghỉ, lại thúc ngược, một đầu khúc gỗ bật lên. Hai anh em thay nhau thở. Lại một khúc nữa bật ra, thò được đầu lên mặt đất rồi, sống rồi! Thêm một khúc gỗ chèn ngang bật khỏi cửa hầm. Hai anh em chui ra khỏi hầm ngồi thở. Không có bom pháo nên nghe rõ tiếng kêu của ai đó ở hầm bên cạnh: "Anh ơi cứu em với". Dùng mỗi con dao găm của anh bới không được vì cả bờ tường của thành cổ dày hàng mét đã đổ sập xuống ba căn hầm anh em vào đêm qua. Chỉ còn lối thoát duy nhất là về hầm chỉ huy để báo cáo xin công binh ra đào mới mong cứu được anh em.

Đồng đội gọi...(tiếp theo và hết) - Ảnh 2.

Về Thành cổ Quảng Trị thắp cho các đồng đội anh một bó hương nhưng hãy lau nước mắt, nén đau mà cất lên tiếng hát "Cỏ non Thành cổ" như ngày nào em hát "Em là hoa plang" tiễn anh và đồng đội vào trận, em nhé.

Về hầm chỉ huy dưới nhà tỉnh trưởng, gặp anh Hải Như và anh Sửu, trợ lý tác chiến báo cáo tình hình. Anh Hải Như trầm ngâm nói:

- Anh ạ, muốn moi được anh em dưới bờ tường sâu hàng mét, nặng hàng tấn ấy phải có xe ủi, mà xe ủi thì làm sao vượt sông vào đây được? Có xe tăng mà còn không đưa được vào thì xe ủi vào đường nào khi một mặt là sông Thạch Hãn, ba bề còn lại là giặc? Dùng bộc phá phá tường để cứu anh em thì anh em bị sức ép cũng chết hoặc sẽ chết không toàn thây. Công binh vài người đào cả ngày, đến được thì anh em cũng đã hy sinh. Thôi anh hãy để anh em nằm như thế!

Anh lặng người. Anh biết tình thế chiến trường không cho phép anh Hải Như làm khác. Anh em đành phải nằm lại dưới chân Thành cổ như vậy, biết làm thế nào? Anh lén lau nước mắt trước vị Tham mưu trưởng Trung đoàn 48 kiên trung đang tiếp tục cầm máy chỉ huy tiểu đoàn 2 đóng ở Tri Bưu đánh thủy quân lục chiến đang nống ra vị trí của đại đội 5 của đại đội anh Vũ Trung Thướng.

Năm 1996, khi tỉnh Quảng Trị tổ chức thi thể thao cho những người khuyết tật, anh vào Quảng Trị và báo cáo anh Bường, lãnh đạo tỉnh lúc đó. Anh Bường đã cho cán bộ Sở Thương binh theo anh vào đúng nơi 15 chiến sĩ bị chôn sống để có phương án đưa anh em về nghĩa trang thị xã Quảng Trị. Tháng 5/2020, anh theo đoàn cựu chiến binh E48 vào thăm Thành cổ, 15 anh em đã được đưa vào nghĩa trang thị xã, chỗ hầm mà anh và 15 anh em nằm đã thành con đường lát gạch, cỏ non xanh tơ mọc lên che mất dấu tích ác liệt của chiến tranh. Em ơi, khi bạn anh Phỏng được công binh cứu lên mắt mới lơ ngơ đã cười. Còn 15 chiến sĩ lúc đưa lên không biết có ai mỉm cười không? Anh tin rằng, khi về nơi nằm cùng đồng đội ở nghĩa trang thị xã, chắc các anh cũng cười vui vì được nằm cùng đồng đội, bởi các anh ấy lúc nào cũng vui và nói mình là "Lính mà em!".

Em ơi, sáng mai rồi từ Ải Bắc, em hãy hướng về Thành cổ Quảng Trị mà thắp cho các đồng đội anh một bó hương nhưng hãy lau nước mắt, nén đau mà cất lên tiếng hát "Cỏ non Thành cổ" như ngày nào em hát "Em là hoa plang" tiễn anh và đồng đội vào trận, em nhé. Em hãy làm đúng lời anh dặn nghe em!

PHÍ VĂN CHIẾN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh