CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 04:06

Đồng đội gọi...

Vừa viết xong câu cuối của bài viết "Đêm bên dòng Lô" cho Tuyên Quang nỗi nhớ, trong đó tôi có nhại lại thơ của Xuân Diệu với mấy câu thế này:

"Đêm nay ta về nằm trên bến Pha Lô

Nằm với dưới kia là phố Tam Cờ

Nằm với trên này là Xuân Hòa phố

Nghe đâu đây tiếng vọng gọi đò"

thì tiếng chuông điện thoại reo vang:

- A lô em Hiền đây! Anh đi Tuyên Quang về thì sức khỏe anh thế nào?

- Anh khỏe! Sao hôm nay chú quan tâm đến sức khỏe của anh ghê thế? Có chuyện gì đấy?

- Em hỏi về sức khỏe để xem anh có hành quân về mặt trận thành cổ Quảng Trị được không?

- Đi với ai?

- Đi với 48 Thạch Hãn.

- Được, đăng ký ngay!

Tôi tắt máy và không thể nào viết được nữa. Từ trong sâu thẳm của ký ức bỗng vang lên tiếng hô khẩu lệnh của Đại đội trưởng Phan Tấn Trang, người Quảng Bình, là đại đội trưởng đại đội 28 phóng viên tiền phương của tôi ngày nào:

- Tiểu đội hàng ngang, trung đội hàng dọc, hai hàng dọc tập hợp!

Rồi ông hô:

- Mệnh lệnh hành quân: Phía Nam! Tốc độ hành quân: 4km/giờ! Cự ly hành quân: Cách nhau nửa mét, đi thường: bước!

Và thế là ngày mai, tôi tạm biệt Tuyên Quang nỗi nhớ ít ngày để hành quân về lại chiến trường Quảng Trị theo tiếng gọi của đồng đội và lệnh hành quân như thế! Đêm nay là một đêm sẽ không tài nào ngủ được, tất cả lại trào sôi trong trí óc người lính già thích "Kể chuyện Nguyên phong" như tôi đêm nay.

Đồng đội gọi ... - Ảnh 1.

Ôi tình đồng đội là thế, tình yêu cũng là thế.

I - Trường Sơn đông nắng tây mưa

Rời bến sông Nhật Lệ với câu hát vắt vai "Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình", đoàn cựu chiến binh trung đoàn 48 sư đoàn 320 thuộc tỉnh Thái Bình với đủ các mật danh, mà mật danh Thạch Hãn, Quang Sơn gắn liền với chiến dịch đánh nống lấn kéo dài suốt 81 ngày đêm trong thành cổ Quảng Trị, với lời thề sắt son "Quang Sơn còn, Thành Cổ còn" đọng mãi trong tim người lính, chúng tôi bỏ đường 1, rẽ lên đường Trường Sơn.

Đại ngàn Trường Sơn đây ư? Ôi con đường xưa lổn nhổn hố bom, ầm vang tiếng súng, đầy rẫy chết chóc, hôm nay đã phẳng lỳ, hai bên đường rừng đã xanh ngắt lại thế này ư? Ôi con đường có bao máu xương của hơn một vạn chiến sĩ từ những người lính cảm tử mở đường, đến các cô thanh niên xung phong tuyến lửa đã nằm lại trên dọc ngang Trường Sơn để có con đường huyết mạch đi khắp các chiến trường B - C - K này đây, làm trái tim những người cựu chiến binh hôm nay như bị bóp nghẹt. Ở nơi này "Ba vạn chín nghìn ngày là mấy chốc" các anh, các em ơi?

Đồng đội gọi ... - Ảnh 2.

Vào nghĩa trang Đường 9 thắp hương cho đồng đội xong, một cậu trinh sát lém lỉnh của 48 hỏi tôi, anh có biết câu này: "Đặc sản của Quảng Trị là nghĩa trang; Quảng Trị chơi sang là gió Lào" không anh?

Miên man nhớ và nghĩ! Miên man nghĩ và nhớ. Nhớ cái ngày mà hàng vạn sinh viên các trường đại học, trong đó có Trường Tuyên giáo Trung ương của chúng tôi, luôn nung nấu một câu ví von lay động trái tim "Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù" và lời thơ "Miền Nam ba mươi năm không đêm nào ngủ được" đau đáu lòng người; rồi câu thơ đầy hình ảnh thách đố tuổi trẻ "Trường Sơn đông nắng, Tây mưa, ai chưa đến đó là chưa biết mình" đã khiến chúng tôi "Xếp bút nghiên theo việc đao cung". Tiếng gọi từ chiến trường cứ thúc giục chúng tôi: Hãy đến với Trường Sơn, đến với miền Nam ruột thịt để đánh đuổi lũ cướp nước và bán nước, giành lại độc lập tự do cho dân tộc và đất nước.

Giờ khi đã sang tuổi "thất thập cổ lai hy" rồi, chúng tôi lại lên đường về với Trường Sơn, về với thành cổ Quảng Trị để tìm lại bóng hình đồng đội, trong đó có bóng hình mình một thời trai trẻ. Đường êm êm khiến tôi nhớ lại câu chuyện chia tay của người chiến sĩ bạn tôi với cô sinh viên y khoa Hà Nội 48 năm về trước. Đêm chia tay, em hỏi người yêu là lính Thái Bình và những đồng đội của anh đang ngồi quanh gốc xà cừ trên dốc K88 thế này:

- Anh ơi đồng đội là gì mà anh cứ mải mê với đồng đội anh thế? Đồng đội anh có hơn em không?

Tôi sững người khi nghe câu hỏi đó và càng bất ngờ hơn khi nghe câu trả lời của bạn tôi:

- Đồng đội là những người chung chiến hào, sẵn sàng chia nhau máu, chia nhau cơm áo, chia nhau lửa đạn, còn tình yêu là sự cộng vào và trừ đi em ạ!

Chúng tôi choáng, còn cô gái chỉ thở dài ngao ngán. Chúng tôi biết, thế là hết!

Và bây giờ, khi đứng trước hàng vạn ngôi mộ trong nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9 để thắp hương cho những đồng đội của tôi, những người cùng phố, cùng lớp, cùng Tuyên Quang quê tôi; thắp hương cho bạn của anh Vũ Đạt vốn là lính của 320 từng đánh Khe Sanh, nay là phóng viên báo Quân đội nhân dân xong, tôi được nghe anh Trịnh Đình Việt, người đại đội trưởng của tiểu đoàn 1 cùng trung đoàn với anh hùng Vũ Trung Thướng, cùng đánh địch trong thành cổ 81 ngày đêm... đọc cho nghe bài thơ "Đồng đội" mà cánh lính Trung đoàn 48 chung nhau viết, có mấy câu kết thế này:

"Em hỏi anh: đồng đội có cần không?

Không đồng đội thì tình yêu sẽ chết!

Không đồng đội thì niềm tin sẽ hết!

Và âm u mù mịt lối lên đường"...

Tôi chợt hiểu, tại sao trong các nghĩa trang liệt sĩ, những người lính đã hy sinh đang nằm ở đây vẫn được xếp hàng theo đúng đội hình 9 - 6 - 3 - 0 của trung đội hàng ngang, đại đội hàng dọc ngày nào! Và tôi càng hiểu tại sao nhiều người lính nằm đây cứ nói với gia đình để anh nằm đây, chứ nhất định không về quê nhà, các anh ấy bảo: Vì ở đây có đồng đội!

Và tôi càng hiểu hơn vì sao anh bạn sinh viên của tôi đã quyết tâm dứt bỏ tình yêu của mình với cô sinh viên y khoa khi cô đã dại dột so sánh "đồng đội của anh có hơn em không" ngay khi vừa nhận lệnh hành quân ban ra, dù biết rằng đó là mối tình đầu của anh với cô gái "nhất y, nhì dược" ấy. Và sau này khi anh bị bom vùi dưới góc thành cổ, đồng đội của anh, người đã lôi anh lên từ sâu thẳm của cái chết dưới chiến hào để cứu anh, anh sống được khiến anh càng hiểu "Không đồng đội thì tình yêu sẽ chết", bởi nếu không có đồng đội cứu thì anh đã chết rồi còn đâu mà yêu thương nữa, dẫu đó là tình yêu đầu tiên cũng thế!

Đồng đội gọi ... - Ảnh 3.

Đại ngàn Trường Sơn đây ư? Ôi con đường xưa lổn nhổn hố bom, ầm vang tiếng súng, đầy rẫy chết chóc, hôm nay đã phẳng lỳ, hai bên đường rừng đã xanh ngắt lại thế này ư?

Bây giờ ngồi bên vợ cùng 60 đồng đội tuổi 68 - 70, trong đó anh Vũ Trung Thướng tuổi đã 79, đang cùng nhau hành quân vào lại thành cổ, anh thấy mình hạnh phúc biết nhường nào. Bởi vì sau khi từ bỏ mối tình đầu vì cô ấy không hiểu người lính ấy, hết chiến tranh anh đã về quê hương Thái Bình lấy cô gái đồng nội vô cùng thương yêu anh này. Chính cô đã thay chồng tiếp máu của mình cho đồng đội của anh do máu của anh không cùng nhóm máu với đồng đội trong bệnh viện Thái Bình. Ôi tình đồng đội là thế, tình yêu cũng là thế hỡi cô sinh viên kia ơi!

Vào nghĩa trang Đường 9 thắp hương cho đồng đội xong, một cậu trinh sát lém lỉnh của 48 hỏi tôi, anh có biết câu này: "Đặc sản của Quảng Trị là nghĩa trang; Quảng Trị chơi sang là gió Lào" không anh?

Đang trầm ngâm, nghe thấy thế, tôi điên tiết quát lên:

- Sao mày dám ví von như thế?

Rồi dùng đôi bàn tay chuyên cầm bút xiết cổ nó. Khi đôi tay rắn như thép của anh trinh sát vốn là thợ cày đất năm tấn vừa đụng vào người tôi, khiến tôi buốt lên tận óc, vội phải buông tay nó ra để xem nó nói gì, thì ai ngờ nó khóc. Nó bảo tôi:

- Anh ơi, có nơi nào trên đất nước ta như khúc ruột miền Trung Quảng Trị này không anh? Đất đai thì ít, dân số cả tỉnh chỉ có hơn 63 vạn người, mà toàn tỉnh có tới 72 nghĩa trang, trong đó có hơn 60 ngàn liệt sĩ đang nằm giữa bạt ngàn gió Lào suốt ngày nóng bỏng như bây giờ thì có khiếp không anh? Chỉ riêng thành cổ địch đã ném xuống đây số bom đạn bằng mấy quả bom nguyên tử ném xuống Hi rô xi ma (Nhật Bản) rồi anh ạ. Hơn 1 vạn chiến sĩ, trong đó rất đông là sinh viên đã hy sinh trong 81 ngày đấy anh ơi!

Tôi rợn hết tóc gáy và bảo: Mày đúng là dân trinh sát địa hình của thành cổ Quảng Trị!

Nó khóc, tôi khóc, đồng đội quanh tôi cùng khóc.

Thương lắm Quảng Trị ơi!

PHÍ VĂN CHIẾN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh