Đồng đội gọi... (Tiếp theo)
- Người có công
- 18:12 - 14/07/2020
II - "Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ"
Ngày chia tay cô bạn gái bên bến Pha Lô ở thị xã Tuyên Quang, tôi hứa với em rằng: Nếu chiến tranh kết thúc, còn sống trở về "Anh sẽ để một đêm thức suốt, kể em nghe chuyện chiến đấu miền Nam".
Vãn hồi cuộc chiến, anh đã trở về bên bến sông xưa, nhưng em đã "bỏ thuyền, bỏ bến bỏ dòng sông, cô lái đò kia đi lấy chồng" mất rồi! Nhưng lời hứa của người lính còn đó, em đi rồi, anh sẽ kể cho con sông Lô quê mình nghe về cuộc chiến ấy vậy. Đêm nay anh chỉ kể một chuyện thôi, chuyện liên quan đến những dòng sông trên đất nước này, trong đó có chuyện con đò và dòng sông Thạch Hãn, nơi đó có bạn anh, chiến sĩ Hà Huy Thành và bao đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại đáy sông này. Sau này anh Lê Bá Dương trước là đồng đội, sau là đồng nghiệp của anh ở báo Quân giải phóng Trung Trung Bộ quặn lòng khi thấy những con đò qua khúc sông này cứ vô tình khỏa mạnh mái chèo, làm thức giấc chú Thành và bao đồng đội của anh và Dương nằm dưới đáy sông kia, anh Dương đã kêu trời lên thế này "Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Nơi đó đáy sông bạn tôi nằm"!
Ngày còn nhỏ, biết bao lần em thấy anh làm con rái cá trên sông Lô quê mình mà khiếp phải không, con sông hiền lành ấy cứ vỗ về anh, có lúc nó nổi giận với mọi trò nghịch ngợm tinh quái của anh mà kéo anh xuống đáy sông. Nhưng sông Mẹ không bao giờ giết hại con mình, Mẹ đã dạy anh mọi cách bơi ngang, bơi ngửa, bơi đứng, bơi nằm, giả chết bơi, lặn ngụp nơi đáy sông... để anh mang vào đời mà đi đến tận cùng đất nước.
Anh đã vượt sông nơi đầu nguồn sông Bến Hải, vượt sông ở khúc cuối của cầu Hiền Lương; vượt sông Hiếu chạy dọc Cam Lộ - Đông Hà; qua sông Tranh của Quảng Nam gầm gào thác dữ; qua sông Côn Bình Định máu đỏ nhuộm dòng; cùng Lương Hồng Thao con cô Ngà vượt qua sông Vu Gia vùng Thượng Đức trôi đầy xác giặc; rồi sông Thu Bồn, Trà Khúc của Quảng Nam địch phục kích đêm đông, để khi anh thoát chết, anh đã lấy tên hai con sông anh đặt tên cho cô con gái yêu quý của anh; anh cũng đã vượt sông Đồng Nai, sông Vàm Cỏ mênh mang sóng nước... nhưng con sông Thạch Hãn của Quảng Trị nếu anh không nhắc đến thì thôi, nhắc đến thì lòng anh quặn đau như cắt.
Bao năm qua, không biết và cũng không ai biết có cơ quan nào tính được trong suốt 81 ngày đêm bom đạn làm dòng sông này suốt ngày đêm sôi sùng sục ấy đã có bao chiến sĩ bộ binh, đặc công cạn, trinh sát pháo binh, lính công binh, lính hậu cần... hy sinh trên sông này hay không? Đó là những người mới chỉ đôi mươi, mười tám giống như bao đồng đội của Hà Huy Thành và Lê Bá Dương, vào bộ đội mới 17 tuổi thời đó. Anh sống, Dương sống, đồng đội các anh nằm lại đáy sông, hoa của Dương, của bao đồng đội khác và của nhân dân cả nước thả xuống sông này cũng chỉ làm vợi chút nào nỗi đau mất đồng đội thôi em ơi! Trong số hàng ngàn chiến sĩ nằm dưới đáy sông Thạch Hãn ngày đó có Hà Huy Thành, lính K3, mới 18 tuổi đã vĩnh viễn nằm lại dưới đáy sông Thạch Hãn trong một ngày ác liệt như mọi ngày ác liệt nhất trong 81 ngày đêm trong Thành cổ em ạ.
Đêm nay anh sẽ kể cho em nghe về việc hai lần Hà Huy Thành lừa địch trên sông Thạch Hãn để đưa anh qua sông, rồi chú ấy đã hy sinh như thế nào em nhé!
Giữa tháng 8/1972 mặt trận Quảng Trị sôi sùng sục như dầu trên vạc được đun sôi vài ngàn độ. Từ chiến trường Thành cổ, những lời thề "Quang Sơn còn, Thành cổ còn" "K3 còn, Thành cổ còn" ầm vang dãy trường Sơn. Bộ Tư lệnh B5 trên trạm T70 cũng sôi sùng sục. Các câu hỏi của Bộ Tổng Tư lệnh từ Hà Nội vào khiến Tư lệnh chiến trường bị quay như chong chóng. Tổng Tư lệnh gọi thẳng vào tiền phương mặt trận Thành cổ, dây điện thoại ưu tiên số 1 đứt, tổ thông tin của Mai Ngọc Thoảng thuộc Trung đoàn 48 liều mình cầm dây để dòng điện chạy qua thân, kệ cho điện giật tung người tưởng chết. Hậu phương, tiền phương cần câu trả lời bằng hình ảnh từ chiến trường. Đại đội phóng viên tiền phương được lệnh cử người vào Thành cổ. Đích thân Thượng tá Hồng Cư ra trạm khách giao nhiệm vụ cho trung úy Trần Huy Vĩnh Ổn phụ trách nhóm phóng viên tiền phương ở lại T70 phải thi hành mệnh lệnh này với nguyên tắc "Tuyệt đối bí mật và an toàn". Anh và nhà báo Nguyễn Đức Thiện chuyên viết nhận lệnh thi hành nhiệm vụ này. Lúc đó Thiện không biết nhiệm vụ của anh, anh cũng không biết nhiệm vụ của Thiện, chiến tranh là thế! Trước khi anh vào Thành cổ, anh và Thiện trao nhau mảnh giấy ghi rõ địa chỉ của từng thằng, để nếu thằng này chết, thằng kia sống về báo tin nơi nó chết cho gia đình để sau này họ đi tìm xác con mình. Anh đã để địa chỉ của anh trai anh cho Thiện, mà không để địa chỉ cho em chỉ vì sợ em không chịu nổi khi nghe tin anh đã chết!
Gần 17 giờ ngày 27/7/1972 sau khi ăn bữa cơm cuối cùng với mấy anh bảo vệ hậu cứ của K3 bộ đội địa phương Quảng Trị, tổ 3 người gồm Hà Huy Thành dân Hương Sơn, Hà Tĩnh, Ngô Văn Đợi dân Hải Dương và anh lên đường. Thành mang súng AK và 3 băng đạn, Đợi chỉ thích đánh nhau bằng lựu đạn nên thắt lưng đeo đầy lựu đạn mỏ vịt của Mỹ. Anh của em được giao một khẩu súng ngắn côn 45 và đặc biệt được trao một quả lựu đạn nổ tức thì chỉ nhỏ bằng ngón chân cái. Anh biết, anh không có quyền được sống khi sa vào tay giặc, nếu bị chúng bắt, anh phải rút chốt lựu đạn tự sát không được để lộ bất cứ thứ gì về nhiệm vụ và nơi đóng quân của Bộ Tư lệnh tiền phương trên trạm T70. Anh chỉ biết hai chú làm bảo vệ cho anh, còn hai chú cũng không được biết nhiệm vụ của anh. Mãi 37 năm sau khi tìm được Đợi, bắt Đợi đến nhà anh hạ bàn thờ thờ sống nó và Thành tại nhà anh xuống, anh mới biết, hai chú được giao nhiệm vụ: Nếu anh bị thương hay hy sinh, họ phải mang bằng được phim anh chụp về Bộ Tư lệnh. Sau khi nghe chú Đợi nói anh đã rùng mình, chiến tranh khủng khiếp thật.
Bữa ăn đó quá ngon, vì thế anh gọi bữa cơm đó là bữa cơm vĩnh biệt những người cảm tử vậy. Bữa cơm đó ngon nhất trần đời, suốt nhiều tháng dòng trên T70 anh không được ăn rau, không được ăn thịt tươi sống, chỉ có rau khô ép, ruốc B mặn chát và thịt hộp. Bữa cơm đó ở cứ K3 có cả một đĩa rau lang tú ụ do chú Vược thông tin K3 đi hái về; mâm đầy ắp thịt bắp bò, gan bò và cả thứ lòng bò khoái khẩu uống với bia lon của Mỹ, anh em K3 đi lấy thịt bò trúng bom chết trên đường 1 mang về, vì hôm đó địch ném bom đường 1, bò của dân bỏ hoang chết nhiều lắm. Hơn thế, lần đầu tiên trong đời lính anh còn được uống cả nước xoài hộp. Vừa ăn, uống vừa thầm nghĩ, các bạn sợ mình làm ma đói, ma khát hay sao mà cho mình ăn ngon thế? Đằng nào cũng chết, giờ chưa chết, hãy chén cái đã! Thành và Đợi nhìn anh ái ngại lắm, họ có kinh nghiệm chiến trường hơn anh mà nên họ ăn uống rất dè dặt. Sau bữa ăn này, không bao giờ đi các chiến dịch ở khu 5 anh dám ăn no và ăn ngon nữa đâu em ạ, mà ở khu 5 đói quay đói quắt, ăn no và ăn ngon là điều lý tưởng, vì thế em đừng ước ao nấu cho anh một bữa ăn thật ngon nữa em nhé!
19 giờ, 3 anh em lò dò ra bến vượt ở thôn Nham Biều huyện Triệu Phong, đối diện với bên kia sông là Thành cổ chiến địa. Vừa chạm chân vào mép nước thì pháo sáng địch bừng lên, tất cả rõ như ban ngày. Không chạy là chết, Thành hô chạy. Lúc này pháo biển có tọa độ, cứ thi nhau rót xuống sông, chặn trước, chặn sau lưng 3 anh em. Cắm đầu cắm cổ mà chạy, thở ra đằng tai cũng chạy. Gai tre đâm thủng dép đúc đâm vào gan bàn chân lúc nào không biết vẫn cắm cổ chạy. Cánh lính bộ binh 48 đã có lần nói tếu tục với anh "đứng nó cối, ngồi nó cối, nằm nó càng cối", giờ thì "chạy nó cũng ra sức cối", ù tai, hoa hết cả mắt. Đang chạy thì một quả pháo lóe sáng trước mặt, Thành lao đến đè lên mình anh che cho anh sống. Thoát quả đạn pháo chú hổn hển hỏi: Anh sao, máy sao? Anh chỉ nói mỗi câu: ổn! Thế là lại vùng dậy chạy lên bờ sông. Tưởng 3 cán binh cộng sản đã chết, địch thôi không bắn pháo nữa.
Đang lò dò qua các bụi tre chỉ còn thân cây trơ chỏng, bất ngờ cả 3 bị một nhóm người từ đâu xuất hiện quật ngã rồi đấm túi bụi vào mặt, vào bụng không thể đỡ nổi. Đánh chán bên ngoài họ lôi vào hầm thi nhau dùng cạnh dép cao su đúc tẩn bọn anh vào đầu, vào mặt, vào lưng như kiểu đánh kẻ thù vậy. Kêu là bộ đội, họ hỏi, tại sao trả lời mật khẩu Tam Đảo? Vì đêm đó mật khẩu đã đổi thành Trường Sơn không ai trong nhóm biết. Đưa giấy giới thiệu của B5 ra, họ càng đánh. Thôi thì kệ các ông đánh, cứ lấy tay che mặt, che đầu cho khỏi vỡ đầu vỡ mặt để còn chụp được ảnh là được.
Một lúc sau có ông cán bộ vào kêu cánh lính dừng tay và nói: Chúng tôi đã điện lên trên, đúng anh là nhà báo. Xin lỗi anh, chúng tôi là đặc công mặt trận, tưởng thám báo nên chúng tôi bắt, ai ngờ, thành thật xin lỗi anh. Cáu quá anh phải nói:
- Bố thẩm tra chậm tý nữa thì lính đặc công của bố chắc chắn sẽ xả thịt con làm trăm mảnh. Đau quá!
- Các anh ăn tạm gói gạo sấy rồi ngủ, mai tôi chỉ bến vượt mới cho các anh.
Hơn 4 giờ sáng, cánh đặc công dẫn chúng tôi đến một mô đất cao hối thúc chúng tôi vượt sông ngay. Vừa lúc đó, pháo sáng của địch lại sáng rực mặt sông. Thành vừa nhô đầu khỏi ụ đất thì đạn đại liên địch từ chỗ đầu cầu bắn sang khiến chú phải thụp xuống. Lần thứ 2, thứ 3 như thế, chú ấy bảo chúng ta bị lộ. Ngửa mặt lên trời nhìn pháo sáng một lúc, chú Thành bảo anh:
- Các anh cho hết đồ đạc vào bao ni lông đựng gạo, rồi tôi sẽ ném từng bao xuống sông. Khi ném như vậy địch sẽ bắn, bắn hết đạn, tôi hô nhảy là nhảy. Tôi, anh Chiến, anh Đợi nhảy sau bảo vệ. Thi hành ngay!
Đồ đạc được túm gọn và quấn chặt theo lệnh của chú em kém mình 5 tuổi, nhưng lệnh là lệnh phải thi hành! Dứt tiếng đại liên, Thành ném bao thứ nhất. Địch xiết cò. Bao thứ hai đại liên găm vào ụ đất. Bao thứ 3, điên lên địch néo cò, cả băng đạn sổ ra rồi im bặt. Thành ra lệnh:
- Nhảy!
Theo quy định, 3 anh em bám nhau mà nhảy, rồi nhanh chóng bơi xuôi dòng bám lấy phao bơi. Lắp xong băng đạn, thằng bắn đại liên trên bờ cứ thế xiết cò, nhưng cả 3 anh em anh đã quá tầm đạn, nên chẳng hề hấn gì. Lúc này cái tài bơi trên sông Lô của anh so với tài bơi trên sông Ngàn Phố của Thành chả kém nhau là mấy. Cả 3 vừa đẩy phao, vừa ra sức bơi sải để nhanh đến bờ.
Thấy không làm gì được, địch gọi máy bay OV10 đến bắn pháo khói xuống sông, chỉ vài phút sau, mấy máy bay A37 nấp ở đâu trên mây liền lao đến ném bom. Sóng dồi lên tức hết cả ngực. Thành vẫn dẫn đầu, khẩu AK đã được Thành đeo vào cổ từ lúc nào, lúc này vẫn hếch lên phao bơi. Anh và Đợi vẫn cách Thành từ 5 -10m.
Loạt bom thứ 2 ném xuống sông Thạch Hãn đẩy 3 anh em xuôi xa hơn, cách bờ ngày càng xa hơn. Thành ngoái lại chỉ tôi bơi xuôi nữa, còn chú ấy đẩy phao ngược dòng Thạch Hãn. Nhìn vào bờ đã thấy cánh bộ binh đang cầm thùng đạn gỗ trực nhảy xuống sông cứu Thành, thì A37 lại cắt tiếp 2 quả bom nữa. Bom không rơi trúng bọn anh, nhưng chỉ cách chỗ chú Thành đang bơi ngược sông Thạch Hãn mươi mét. Anh thấy rõ sóng tung chú ấy lên khỏi mặt nước, rồi nhấn chú ấy xuống dòng sông sâu. Anh đã vào được bờ, còn chú ấy nằm lại ở đáy sông Thạch Hãn phía bên này của Thành cổ.
Những ngày trong Thành cổ, đêm đến anh cũng ra bờ sông đón anh em, đón đạn dược. Có những đêm thuyền cao su của công binh đưa thương binh ra giữa sông, trúng pháo, cả xuồng chìm dưới đáy sông. Có đêm bộ binh tăng cường, ào ào vượt sông vào Thành cổ, chưa kịp đến bờ, trúng pháo, không thể nào tìm được xác. Bảy đêm trong Thành cổ là bảy đêm anh tận mắt thấy các chiến sĩ ta hy sinh nhiều kiểu trên sông Thạch Hãn như thế. Đến ngày 16/9/1972, ngày toàn bộ các đơn vị rút quân khỏi Thành cổ, trợ lý tác chiến tên Sửu cùng quê Hà Tây với anh cũng bị trúng pháo, chú Thể vệ binh nói với anh như thế!
Anh đã nói với em rằng, không có một thống kê nào cho thấy trong hàng vạn chiến sĩ, trong đó có nhiều lính sinh viên đã hy sinh tại mặt trận Thành cổ 81 ngày đêm, thì có bao chiến sĩ đã hy sinh trên sông Thạch Hãn như Hà Huy Thành? Không ai biết được, nhưng đáy sông Thạch Hãn vẫn còn nhiều anh em nằm dưới đó lắm, đó là điều chắc chắn! Vì thế em ơi, nếu đến đây, nếu em bơi thuyền trên sông này thì trước hết hãy thắp hương, rải gạo và muối cho anh em, và nhớ lời Lê Bá Dương nhé:
"Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Nơi đó đáy sông bạn tôi nằm..."
Nơi đó có chú Hà Huy Thành 18 tuổi, quê Hương Sơn (Hà Tĩnh), chưa một lần được cầm tay bạn gái cùng làng, đã hai lần lừa địch để cứu sống anh đó em ơi. Hãy nhớ mãi Hà Huy Thành và đồng đội của anh, vì họ là những ân nhân cứu mạng anh trong Thành cổ Quảng Trị đấy em ạ!