Độc đáo tục cầu mưa của người Thái thôn Hiềng (Thanh Hóa)
- Văn hóa - Giải trí
- 16:37 - 31/10/2021
Huyện Bá Thước có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, giàu bản sắc của các dân tộc thiểu số, đặc trưng là di sản văn hóa truyền thống với nét văn hóa độc đáo, như: Lễ hội Mường Khô xã Điền Trung; Lễ tục cầu mưa xã Kỳ Tân; Lễ hội căm mương xã Văn Nho; Lễ hội xuống đồng làng La Hán, xã Ban Công... Cùng với đó, là một số loại hình văn nghệ dân gian như mo Mường, khặp Thái và nhiều trò diễn dân gian được phát huy trong lễ hội, cũng như trong đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.
Với những người dân tộc Thái ở thôn Hiềng, xã Kỳ Tân, huyện Bá Thước, tục cầu mưa là một nét đẹp văn hóa đã có từ xa xưa. Tục này xuất phát từ nhu cầu sản xuất nông nghiệp, cầu cho mưa thuận gió hòa để có mùa màng bội thu; cầu mong sự giao hòa giữa trời đất để sự sống của con người, vạn vật được sinh sôi nảy nở và trở thành tín ngưỡng gắn liền với đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân lao động.
Theo lời của các cụ cao niên kể lại rằng, người Thái thôn Hiềng sống quần cư bên những dòng suối, thung lũng. Từ xưa, do canh tác nông nghiệp chủ yếu dựa vào thiên nhiên, nên họ quan niệm vạn vật hữu linh và mọi hoạt động trong đời sống hàng ngày đều do thần linh sắp đặt. Do vậy, mỗi khi hạn hán kéo dài, người Thái ở thôn Hiềng lại tổ chức nghi lễ cầu mưa.
Ở thôn Hiềng, nghi lễ cầu mưa thường diễn ra từ 1 đến 2 ngày. Chủ lễ là người phụ nữ góa bụa, có uy tín trong cộng đồng dân cư, được người dân gọi là bà Mế.
Để chuẩn bị, bà Mế chọn những người phụ nữ khỏe mạnh, biết hát, biết múa cùng tham gia làm lễ. Khi màn đêm buông xuống, đoàn người thực hiện nghi lễ đi đến từng nhà trong thôn, đứng dưới chân cầu thang, cất vang lời hát cầu mưa: “Ủa lủng ơi ủa lang. Tôi đến xin đồ về làm lễ. Nhà này nhà tốt bụng. Có cái gì cũng cho. Không cho ta không đi. Không cho ta không đòi. Ngày mai ta lại tới. Ngày kia ta lại về. Về xin trời tuôn nước xuống làng bản. Về xin trời tuôn nước xuống làm ăn. Làm ruộng làm chân mạ. Làm chân mạ Nà On. Làm chân đồng nà cạn. Men gác bếp hun khói. Rồi cháy nắng cháy đen. Đàn ông đàn bà đòi đi tắm. Trời mưa đi mưa ơi"... Sau đó, gia chủ sẽ đưa sản vật sẵn có trong nhà như: gạo, rượu, gà, trứng... biếu và mang nước té vào đoàn hát.
Sau khi đi khắp lượt các nhà, đoàn người trở lại nhà bà Mế cùng mọi người trong thôn chuẩn bị đồ lễ, để đầu giờ chiều hôm sau ra suối Bo lập đàn cầu mưa.
Sau khi hoàn tất công việc chuẩn bị cho buổi lễ, bà Mế sẽ tiến hành đọc bài khấn, người đàn ông ở bên cạnh sẽ thổi nhạc theo lời bài khấn, các cô gái khấn phụ họa theo. Bài khấn gồm ba phần. Phần đầu, bà Mế sẽ mời thần linh xuống ăn cơm và nghe nỗi khổ của bà con trong thôn khi thiếu nước sinh hoạt, sản xuất, sau đó, bà Mế đọc lời mời thần linh uống nước, ăn trầu và cuối cùng là tiễn thần linh về trời.
Trong lúc bà Mế làm lễ, mọi người trong thôn sẽ mặc lên mình những bộ quần áo đẹp nhất, cùng nhau tổ chức các trò chơi, trò diễn, như: bắt thuồng luồng, đánh cù, đánh mảng, đánh trống đất, thi vật, cưỡi ngựa tung khăn...
Ông Hà Văn Nguyệt, Chủ tịch UBND xã Kỳ Tân cho biết, nghi lễ cầu mưa là tín ngưỡng văn hóa có từ lâu đời, là nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái xã Kỳ Tân. Tuy nhiên, những năm gần đây, hệ thống kênh mương nội đồng được xây dựng đã khắc phục tình trạng thiếu nước sản xuất, sinh hoạt, nên nhân dân thôn Hiềng không còn tổ chức cầu mưa nữa. Gần đây nhất, năm 2014, được sự quan tâm của cơ quan chức năng, nhân dân thôn Hiềng đã tổ chức nghi lễ cầu mưa thành lễ hội, thu hút đông đảo người dân trong xã tham gia.
“Vấn đề chúng tôi quan tâm là nếu không tổ chức thì các giá trị văn hóa đặc sắc sẽ bị thất truyền, giới trẻ lãng quên nét văn hóa truyền thống của ông cha. Vì vậy, trong thời gian tới, xã sẽ hỗ trợ kinh phí để thôn Hiềng tổ chức lễ hội này nhằm mục đích giáo dục truyền thống văn hóa đối với thế hệ trẻ; thắt chặt tình đoàn kết giữa các hộ gia đình để người dân trong bản sống có trách nhiệm, cùng nhau hướng về nguồn cội”, ông Nguyệt chia sẻ.