THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:35

Bảo tồn nét đẹp văn hoá trang phục dân tộc Mông ở Sơn La

Xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La là xã có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống nhất, chiếm hơn 60% dân số là người Mông trên địa bàn huyện Vân Hồ. Từ bao đời nay, những người phụ nữ dân tộc Mông ở nơi đây vẫn gìn giữ được phong tục may, thêu và sử dụng trang phục trong cuộc sống hàng ngày.

Trang phục truyền thống của dân tộc Mông là trang phục rất đặc biệt. Trong cuộc sống hiện đại, với sự du nhập của nhiều kiểu thời trang bắt nhịp xu hướng mới, thì những bộ váy áo dân tộc Mông vẫn luôn được yêu thích và được tìm đến nhiều nhất mỗi khi cần đến chất liệu dân tộc trong những sự kiện đặc biệt, hay cần sự sáng tạo nghệ thuật. Trang phục dân tộc Mông ngày nay có sự cải tiến rất nhiều so với truyền thống, và mỗi sự cách tân đều có chủ đích riêng để làm nổi bật thêm những nét độc đáo, riêng có của bộ trang phục này. Trong đó, trang phục nổi bật và đặc biệt nhất phải kể đến là váy của phụ nữ Mông. Những chiếc váy có hình nón cụt, phần eo hông bó sát, phần thân váy xòe rộng do kỹ thuật xếp nếp sóng váy độc đáo, thân váy được trang trí bằng hoa văn vẽ từ sáp ong, ghép vải màu với những hoạ tiết bậc thang, đan chéo. Trang phục người Mông Hoa trước đây được làm bằng vải lanh, nay nghề trồng lanh dệt vải đã mai một, do đó, đồng bào dùng vải dệt công nghiệp nhưng cách tạo hoa văn, thêu, trang trí các hoạ tiết hoa văn vẫn theo lối truyền thống.

van-ho-bao-ton-nghe-theu-may-trang-phuc-dan-toc-mong_2633_635369_1

Vào dịp giáp Tết, phụ nữ Mông lại tập trung may, thêu trang phục cho bản thân, gia đình hoặc bán cho du khách. Chị Tráng Thị Dua ở bản Pa Kha, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ cho biết: “Gia đình tôi có truyền thống làm nghề thêu, may. Vào dịp Tết Độc lập, Tết cổ truyền, có ngày tôi bán được gần 100 bộ trang phục với giá 1 - 2 triệu đồng/bộ. Tôi dự định thành lập nhóm thêu, may từ 15 đến 20 phụ nữ trong bản để tạo công ăn việc làm cho chị em. Tôi cho rằng mình cũng phải dạy lại cho con cháu biết được cách may, thêu váy kết hợp với làm du lịch cộng đồng cho du khách trải nghiệm việc may váy, để trang phục của dân tộc mình được nhiều người biết đến hơn nữa”.

Điều đặc biệt là hầu hết các gia đình người Mông đều có máy may và nhà nào có con đi lấy chồng đều được tặng cho một chiếc máy may. Nhất là vào dịp giáp Tết hay những lúc rảnh rỗi, người phụ nữ Mông lại tập trung may, thêu trang phục cho mình và gia đình. Cùng với đó, nhiều gia đình đã đầu tư mua thêm máy may để phục vụ nhu cầu của người dân địa phương và khách du lịch.

Những năm gần đây, du khách khi đến với Vân Hồ đều yêu thích những bộ trang phục của người Mông bởi màu sắc đẹp, lạ mắt. Trang phục không chỉ phục vụ đồng bào dân tộc Mông mà còn bán cho du khách để làm kỷ niệm. Nhờ đó, mặt hàng này đã trở thành hàng hóa và được nhiều hộ sản xuất phục vụ khách hàng. Ông Tếnh A Chìa, Chủ tịch UBND xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ cho biết, trang phục của người Mông khá đắt tiền, mỗi bộ trang phục bình thường ít nhất cũng từ 1 đến 2 triệu nên là cũng tạo được nguồn thu nhập cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã. So với các mặt hàng khác thì trang phục của người dân tộc Mông cũng góp phần vào sự phát triển kinh tế của hộ gia đình trên địa bàn xã, nói chung là kinh tế các hộ gia đình đã ổn định.

1161_dong_bao_mong_an_tet_moi

Để bảo tồn văn hóa trên trang phục của người phụ nữ Mông, huyện Vân Hồ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến đồng bào tiếp tục duy trì, bảo tồn nghề truyền thống với những nét hoa văn chủ đạo của dân tộc mình. Hàng năm tổ chức cuộc thi “Người đẹp trình diễn trang phục Mông” và các hoạt động văn hóa biểu diễn, trình diễn nghệ thuật. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động truyền dạy nghề thêu, may truyền thống; tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch nhằm đưa trang phục của người Mông trở thành sản phẩm du lịch gắn với việc bảo tồn các nét đẹp văn hóa cũng như phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tăng thu nhập của đồng bào dân tộc Mông.

Theo bà Nguyễn Thị Lư, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Vân Hồ, đồng bào Mông chiếm khoảng 30% dân số toàn huyện. Vì vậy, việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc sẽ mở ra những cơ hội phát triển mới cho huyện. Vân Hồ đang tích cực tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch nhằm đưa trang phục của người Mông trở thành sản phẩm du lịch gắn với việc bảo tồn các nét đẹp văn hóa của đồng bào.

Với những nét độc đáo riêng biệt, trang phục của người Mông đã trở thành sản phẩm du lịch gắn với việc bảo tồn nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần, khích lệ người dân thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn an ninh trật tự, mà còn được huyện Vân Hồ khai thác hiệu quả để phát triển du lịch, mở ra những cơ hội phát triển mới cho địa phương.

Nguyễn Sơn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh