CHỦ NHẬT, NGÀY 08 THÁNG 09 NĂM 2024 09:07

Bảo tồn phát huy giá trị văn hóa Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp

Đặt chân đến Đồng Tháp, du khách không thể bỏ lỡ việc thưởng thức những giai điệu Đờn ca tài tử và điệu Hò đặc trưng làm nên thương hiệu của vùng sông nước.

Vừa qua, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Đờn ca tài tử, Hò Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025, đây được xem là nền tảng để tiếp tục duy trì và phát triển những giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương.

Không chỉ là di tích văn hóa, đờn ca tài tử và hò Đồng Tháp còn là sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút sự quan tâm, thưởng thức của đông đảo người dân và du khách. Trong những Tuần lễ văn hóa du lịch Đồng Tháp, đờn ca tài tử và điệu hò được xem là “món ăn” tinh thần không thể thiếu, gắn liền với đời sống tinh thần của người dân miền sông nước, tạo nên bức tranh đa sắc màu trên bản đồ du lịch của địa phương.

Đờn ca tài tử và điệu hò được xem là “món ăn” tinh thần không thể thiếu, gắn liền với đời sống tinh thần của người dân miền sông nước.

Đờn ca tài tử và điệu hò được xem là “món ăn” tinh thần không thể thiếu, gắn liền với đời sống tinh thần của người dân miền sông nước.

Đờn ca tài tử và điệu hò Đồng Tháp thể hiện tâm tư tình cảm như tính cách chất phác, thật thà của người miền Tây, khiến bao du khách phải vấn vương, say đắm. Kế thừa và phát huy những yếu tố nghệ thuật đặc sắc của loại hình hát ru như đường nét giai điệu, cách luyến láy, hơi, điệu thức, điệu hò Đồng Tháp được các nghệ sĩ phát triển tạo thành một phong cách rất riêng và khác biệt cho loại hình nghệ thuật dân gian này.

Điệu hò Đồng Tháp thường được các nghệ sĩ thể hiện trên đồng nước, từng câu hò được thể hiện với nhịp điệu chậm rãi, buông lơi, lúc trầm lúc bổng, lúc xuống thấp, lúc lại lên cao mang đến nhiều cung bậc cảm xúc dành cho người nghe.

Tại Đồng Tháp, loại hình Đờn ca tài tử có tốc độ phát triển khá mạnh, đây được xem là loại hình nghệ thuật gắn liền với cuộc sống của người dân nơi đây, tạo dấu ấn khác biệt, góp phần thúc đẩy sự phát triển của phong trào văn nghệ quần chúng.Là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, việc giữ gìn và phát huy những giá trị của Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp là việc làm cần thiết và cấp bách, đặc biệt trong điều kiện những giá trị văn hóa dân gian đang dần bị mai một.

Các cấp chính quyền địa phương cũng đã quan tâm tạo điều kiện để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa này, nhiều lớp bồi dưỡng, đào tạo, truyền lửa đam mê Đờn ca tài tử và Hò được tổ chức thường xuyên dành cho các thế hệ trẻ, bồi đắp tình yêu, ý thức trách nhiệm kế thừa và phát huy loại hình văn hóa dân gian đặc sắc của dân tộc.

Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Tháp cũng khuyến khích việc thành lập những câu lạc bộ Đờn ca tài tử và hò tại các phường, xã, là nơi giao lưu và học hỏi, duy trì niềm đam mê với loại hình nghệ thuật này. Những cuộc thi, liên hoan nghệ thuật với sự xuất hiện của thể loại Đờn ca tài tử và hò cũng được tổ chức liên tục nhằm khuyến khích người dân tham gia, cùng nhau chung tay giữ gìn và bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật này.

Với sự quan tâm của địa phương cùng sự chung tay của người dân, di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Đờn ca tài tử và hò Đồng Tháp sẽ được bảo tồn và phát triển hơn nữa, trở thành một trong những thế mạnh về du lịch, giải trí, đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đồng Tháp phấn đấu 50-70% xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành lập Câu lạc bộ Đờn ca tài tử và hò Đồng Tháp cấp xã.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đồng Tháp phấn đấu 50-70% xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành lập Câu lạc bộ Đờn ca tài tử và hò Đồng Tháp cấp xã.

Ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp thông tin, Đồng Tháp đã thực hiện bảo tồn bằng phim tư liệu 8 di sản gồm: Lễ hội truyền thống Gò Tháp, lễ hội truyền thống Thượng tướng Quận công Trần Văn Năng, lễ hội truyền thống ông, bà Đỗ Công Tường, nghề đóng xuồng, ghe xã Long Hậu, huyện Lai Vung, nghề dệt chiếu truyền thống Định An, Định Yên, huyện Lấp Vò, nghề đan đát, nghề trồng hoa kiểng Sa Đéc, hò Đồng Tháp - dân ca Đồng Tháp. Để bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hò Đồng Tháp, tỉnh đã "sưu tầm - nghiên cứu - phục hồi điệu hò Đồng Tháp"; mở lớp tập huấn ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Hiện nay, Đồng Tháp có hơn 300 người biết hò, mang lại sức sống mới cho điệu hò xưa.Tỉnh tiếp tục thực hiện dự án "Sân khấu học đường"; lồng ghép trong phong trào "Trường học thân thiện - học sinh tích cực"; tổ chức sinh hoạt ngoại khóa, mở lớp dạy hò Đồng Tháp cho học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng và hệ thống Trường trung học Phổ thông, Trung học Cơ sở trong toàn tỉnh, giúp học sinh có niềm đam mê, yêu thích, ý thức bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Theo ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, triển khai bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể quốc gia Đờn ca tài tử và hò Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh phấn đấu 50-70% xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành lập Câu lạc bộ Đờn ca tài tử và hò Đồng Tháp cấp xã. Tỉnh khuyến khích mỗi xã, phường, thị trấn thành lập một Câu lạc bộ Đờn ca tài tử và hò Đồng Tháp khóm, ấp.

HẰNG LINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
2 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh