CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:17

Giếng 'se duyên'

 

Khối gỗ kỳ lạ dưới đáy giếng cổ

Giếng cổ ở thôn Xuân An nằm sát mặt đường bê tông, nhiều bậc cao niên trong thôn bảo đây là một cái giếng rất đặc biệt. Chính nhờ giếng Chăm đặc biệt này mà nghĩa quân Tây Sơn đã chọn làm nơi dừng chân lâu dài trong cuộc khởi nghĩa.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, gần nơi giếng cổ Xuân An tọa lạc vẫn còn các di tích như Vườn Cố, là nơi quân đội nhà Tây Sơn tạm giam những binh lính vi phạm quân luật hay Bàu Voi, nơi ngày xưa có 1 bàu nước mà nghĩa quân Tây Sơn thường dắt voi trận ra tắm sau mỗi lần xung trận, Gò Kho, nơi tích trữ lương thực, thực phẩm để cung ứng cho các chiến trường trong suốt cuộc khởi nghĩa của 3 anh em nhà Tây Sơn.

Đến tận giờ, người dân Xuân An vẫn không hiểu vì sao người xưa đào giếng lại lót dưới đáy 1 bộng gỗ, cũng chẳng biết đó là loại gỗ gì mà có thể ngâm trong nước đã nhiều thế kỷ nay mà không mục rã. Khối gỗ hình vuông, dày chừng 1 tấc, ngang khoảng 60cm, dài khoảng 100cm. 

Theo những người dân địa phương từng cảo giếng (vét đáy giếng) cho biết, trải qua hàng trăm năm ngâm mình trong nước nhưng hiện khối gỗ dưới giếng cổ Xuân An vẫn còn nguyên lành, không có dấu hiệu mục nát, hư hỏng. Khi giở khối gỗ lên, mạch nước từ dưới đáy giếng phun lên phùn phụt.

Chị Trần Thị Minh (36 tuổi, ở thôn Xuân An) cho biết: “Nơi giếng cổ tọa lạc nằm cạnh đầm nước mặn Đạm Thủy, vùng sản xuất muối của xã Cát Minh, ấy vậy mà giếng này chưa bao giờ bị nhiễm mặn. Đặc biệt trong những mùa hạn hán, tất cả các giếng nước trong vùng đều cạn kiệt, hoặc nhiễm phèn, nhiễm mặn, thì riêng giếng này vẫn ổn định mực nước, trong vắt, ngọt lịm”.

Ông Đinh Bá Hòa, nguyên Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định cho biết: “Giếng cổ ở thôn Xuân An có từ thời Chăm. Bởi nhìn từ miệng xuống dưới đáy là một khối vuông chứ không phải là hình tròn như những giếng ở nông thôn hiện đang sử dụng.

Để bảo tồn giếng cổ này, Bảo tàng Tổng hợp Bình Định đã tiến hành khảo sát, lập bản đồ số về hệ thống các di tích cần được bảo vệ. Đây là cơ sở pháp lý nhằm quản lý tốt hơn di tích này, để thế hệ mai sau còn được nhìn thấy và tiếp tục nghiên cứu về di tích giếng cổ đã tồn tại hàng trăm năm của người Chăm xưa”.

Dưới đáy giếng cổ này có một khối gỗ kỳ lạ, không mục nát, hư hỏng dù thời gian cứ trôi đi.

Chuyện tình bên giếng cổ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây, do giếng cổ không bao giờ cạn nước, nước giếng lại ngọt, nên có đến hàng ngàn hộ dân sống quanh vùng lấy nguồn nước của giếng cổ này làm nước sinh hoạt cho gia đình.

Ngày ngày, hàng trăm thanh niên, thôn nữ, không chỉ của thôn Xuân An mà cả ở những làng lân cận quang gánh dập dìu tập trung về giếng này lấy nước. Nam thanh nữ tú gặp nhau, mắt liếc đưa tình, thế là nảy sinh những chuyện tình đẹp.

Đến giờ, ông Đặng Xuân Thanh (63 tuổi, ở thôn Xuân An) vẫn còn nhớ như in mối tình đầu của mình với bà Trịnh Thị Kim Kha, giờ đã trở thành người vợ gắn bó keo sơn suốt mấy chục năm qua. 

Ông Thanh kể: “Sở dĩ tôi để ý đến bà ấy là vì thấy ngày nào bà ấy cũng đến giếng gánh nước, có ngày gánh đến dăm bận. Dù đã để ý, nhưng hồi ấy không ai dám nói lời nào, mà chỉ dám nhìn lén nên tôi cũng phải “chịu khó” ra giếng.

Mãi sau này tôi mới thú thiệt là gia đình tôi không dùng nhiều nước vậy đâu. Thấy trong lu còn nước là tôi xài bừa cho hết để đi gánh nước, kiếm cớ để được nhìn thấy bà ấy. Vậy là chúng tôi thương nhau, cưới nhau, ở với nhau mãi đến tận giờ”.

Ông Trần Văn Ngẫu (85 tuổi, ở thôn Thái Bình, xã Cát Tài) móm mém kể lại câu chuyện của mình: “Hồi xưa, tôi làm nghề đánh tranh (cắt cây tranh trên núi về làm lá lợp nhà) cho người dân ở khu này.

Có bận đi ngang qua giếng lúc trưa nắng, thấy cô gái đi gánh nước, tôi ghé lại xin nước uống, rồi trò chuyện. Uống mấy dạo như vậy thì tôi với cô gái thành vợ thành chồng, sống với nhau đến tận bây giờ. Có mấy ông bạn làm nghề đánh tranh như tôi cũng tìm được vợ nhờ cái giếng này”.

Theo ông Thanh, nước của giếng cổ này dùng để nấu rượu thì rượu ngon chẳng thua gì rượu Bàu Đá ở xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định), một thương hiệu rượu nổi tiếng khắp cả nước.

“Sở dĩ rượu Bàu Đá ngon có tiếng là do người ta múc nước trong 1 cái bàu nằm giữa cánh đồng, dưới đáy bàu có nhiều tảng đá Chăm, múc nước bàu này về nấu rượu rất ngon. Cái giếng này cũng xây từ nhiều tảng đá Chăm nên hậu vị ngọt rất dễ uống”, ông Thanh cho biết

Tuy nhiên, trong 5 năm trở lại đây, khi nhà nhà đã có giếng đóng, giếng khoan thì giếng cổ Xuân An không còn được sử dụng như trước. Giếng cổ bây giờ cỏ hoang mọc dày, bên cạnh con đường bê tông mới làm. Mặt giếng được đậy một tấm lưới B40, nhằm để người đi đường không bị lỡ chân rớt xuống. 

Ông Thanh tiếc rẻ: “Giờ nhà ai cũng có giếng, có điện, có nước sẵn trong nhà, nhưng với tôi và dân làng quanh đây, nước giếng cổ vẫn là ngon nhất. Giờ giếng cổ nằm hoang vu, chẳng mấy chốc sẽ bị thời gian vùi lấp, tôi thấy tiếc đứt ruột. Giá mà nó được người ta trùng tu, tôn tạo lại cho đẹp đẽ, khang trang thì quý biết mấy. Dù gì, nó cũng là di sản quý mà thời cha ông để lại”.

Ông Thanh kể về chuyện tình của mình bên giếng cổ.

Phù hộ cho người đi đường

Theo tìm hiểu của chúng tôi, giếng cổ này nằm ngay khúc cua, nên nhiều vụ tai nạn đã xảy ra tại nơi đây. Tuy nhiên, theo nhiều người dân, tất cả những người bị tai nạn đều may mắn thoát chết. Từ đó, họ cho rằng, giếng cổ này phù hộ cho người đi đường. 

Một trong những vụ tai nạn xảy ra tại đây mà đến nay người dân thôn Xuân An vẫn chưa thể quên, đó là vào năm 2008. Khi đó có một người tài xế lái xe tải chạy đến đoạn đường này thì bỗng nhiên xe chết máy.

Vì không có phương tiện nào lai dắt được, anh đành phải tự sửa chữa. Thế nhưng khi đang nằm dưới gầm xe thì một chiếc xe tải khác đang đi bỗng nhiên mất lái lao thẳng tới chiếc xe đang sửa. Cú đẩy khiến chiếc xe hỏng dịch chuyển mạnh, tài xế bị đè bẹp dưới gầm xe, nhưng chẳng thương tích gì.

Nửa năm sau, một vụ tai nạn khác lại xảy ra ngay cạnh giếng cổ. Một người phụ nữ đi xe máy chở theo đứa con qua đoạn đường này thì ngoái đầu nhìn lại phía sau, khiến xe lao thẳng vào tường nhà dân, hư hỏng nặng. Điều đáng ngạc nhiên là hai mẹ con người phụ nữ bị văng ra nằm ngay cạnh miệng giếng, nhưng tất cả đều bình an vô sự.

Chị Minh cho biết: “Trong thời gian Tết âm lịch vừa rồi, hai thanh niên say xỉn chạy xe máy lượn qua lượn lại, rồi cả xe và người té ngã nằm sõng soài trên miệng giếng. May là mấy năm gần đây miệng giếng đã được phủ tấm lưới B 40, chứ không thì họ lọt xuống giếng rồi. Mà lọt xuống đó thì chết chắc. Tôi nghĩ, chắc là giếng cổ phù hộ cho họ đó”.

Bấm tay đếm sơ sơ, chị Minh nhớ ít nhất hơn 10 vụ tai nạn giao thông đã xảy ra quanh giếng cổ này. Và, sau những vụ tai nạn ấy, tất cả đều thoát chết. Từ đó, người dân trong thôn đồn nhau rằng, nhờ có giếng cổ phù hộ nên người tai nạn mới thoát chết. Chẳng biết đó có phải là sự thật hay không, nhưng mỗi khi nhắc đến giếng cổ này, người dân ở đây lại râm ran những câu chuyện kỳ bí quanh giếng nước đặc biệt này.

Pháp luật Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh