THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:51

Huyền bí thư tịch viết tay của người Chăm

 

Thư tịch viết trên giấy dó

Người Chăm và người Raglai có mối quan hệ lâu đời trong lịch sử. Hiện nay, kỹ thuật làm giấy của người Chăm đã bị thất truyền, chỉ còn thấy ở người Raglai. Loại giấy mà người Raglai làm ra để trao đổi với người Chăm gọi là giấy dó làm từ vỏ cây, giấy có màu trắng đục, bề mặt giấy mịn và mỏng. Trong khoảng thời gian 7 năm (1994-2001), Tiến sĩ Thành Phần thuộc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam Đông Nam Á của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành các cuộc điều tra, thống kê, sưu tầm thư tịch người Chăm ở Ninh Thuận. Kết quả làm việc đã sưu tầm được trên 500 tập sách với khoảng 10.000 trang viết tay. Bên cạnh đó, còn có một số cá nhân, gia đình có người làm chức sắc như Po Adhia, Po Basaih, Po Acar, Kadhar và Maduen đang bảo quản tư liệu gia đình đựng trong Ciét sách, hoặc đựng trong túi vải chưa có số liệu khảo sát và thống kế một cách quy mô và toàn diện.

 

Thư tịch cổ viết trên lá buông được lưu giữ tại đền thờ Pô Klong Girai ở xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước.                Ảnh: Sơn Ngọc

Từ năm 1993 đến 2015, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm đã sưu tầm được 52 quyển văn bản chép tay với 2.842 trang. Ngoài ra, còn tiến hành sao, chụp Microfilm từ tư liệu viết tay của 17 cá nhân ở các làng Chăm trong tỉnh được 281 cuộn phim với 8.662 trang văn bản. Những tư liệu viết tay của người Chăm đã được sưu tầm chỉ là con số khiêm tốn so với thực tế còn một lượng lớn đang lưu hành trong dân. Nguồn thư tịch viết trên vải trắng có số lượng rất ít và hiếm thấy, nội dung thường vẽ những hình bùa và ma thuật trong chữa bệnh.

Thư tịch viết tay trên chất liệu lá buông

Những thư tịch viết trên lá buông chỉ có thành phần giới chức sắc mới được phép sử dụng. Trong các năm 1997, 1998 và 2000, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm sưu tầm được 12 quyển thư tịch viết bằng chất liệu lá buông, với số lượng 749 trang. Những quyển sách này vốn là bài kinh được sử dụng khi làm các nghi lễ tôn giáo trên đền tháp, đã được sử dụng qua 3 đời Po Dhia trụ trì ngôi đền Pô Inư Nưgar ở thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước. Từ đời Po Adhia Nguyễn Thanh đến Po Adhia Lâm Ai và truyền lại cho Po Adhia Hải Quý. Như vậy, những bộ kinh lá buông có độ tuổi ít nhất cũng khoảng 200-300 năm.

Đặc điểm của thư tịch lá buông thường được khoét một lỗ tròn nhỏ ở hai đầu để xâu dây kết lại thành một quyển kinh sách. Ở bìa ngoài cùng, dùng một thanh gỗ kẹp lại hai đầu và quấn dây chỉ buộc chặt. Chữ Chăm được viết ở 2 mặt, thỉnh thoảng có viết vài kí tự bằng chữ Sanskrit, mỗi một tờ lá buông trung bình viết từ 2 đến 5 dòng chữ bằng ngòi bút có mũi nhọn. Nội dung của thư tịch lá buông đề cập đến kinh sáng thế kí, các nghi thức hành lễ thánh tẩy đất đai, cách tính lịch pháp, xem ngày giờ tốt xấu, nghi lễ dựng Kut và đền tháp, các bài kinh khấn trừ tà ma, thiên văn học, giải thích hiện tượng nhật thực và nguyệt thực...

Giá trị của các thư tịch viết tay của người Chăm

Thư tịch viết tay nói chung và thư tịch lá buông là tài sản sở hữu chung của chức sắc Po Adhia trụ trì các đền tháp Pô Inư Nưgar, Pô Rômê và Po Klong Garai. Mỗi vị Po Adhia trụ trì đền tháp quản lý và lưu trữ một bộ kinh lá buông. Đây là tài sản thiêng liêng có giá trị về mặt tâm linh tôn giáo. Thư tịch viết tay trên chất liệu giấy dó được người dân sử dụng phổ biến trong giao tiếp, trao đổi thông tin, giải quyết công việc hành chính và lưu truyền tri thức dân gian hay sáng tác văn chương. Thực tế, đã có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa Chăm khai thác từ văn bản chép tay đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhưng chưa có công trình nghiên cứu khoa học chuyên sâu nào chú ý đến khai thác nguồn thư tịch viết tay trên chất liệu lá buông.

Nhằm nâng cao chất lượng bảo quản thư tịch viết tay, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm đã phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II tại TP. Hồ Chí Minh thuộc Bộ Nội vụ thực hiện việc tu bổ, bồi nền theo Đề án “Sưu tầm tài liệu quý, hiếm trong và ngoài nước”. Trong năm 2013, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II đã tiếp nhận từ đơn vị 62 cuốn thư tịch cổ được viết tay bằng chữ Chăm có niên đại cách đây khoảng 150 năm, gồm: 30 cuốn viết trên giấy dó (1.770 trang), 12 cuốn viết trên lá buông (746 trang) và 20 cuốn viết trên giấy bao xi-măng (1.050 trang). Ngoài ra, còn nhận xử lý, bảo quản 281 cuộn micro phim chụp thư tịch.

Hiện nay, các thư tịch đang lưu trữ và trưng bày trong trình trạng tốt vì đã thực hiện việc tu bổ, bồi nền đóng thành tập quyển sách, khử côn trùng gây hại, đọc và dịch đầu mục. Đặc biệt, thư tịch lá buông cũng đã được số hóa lưu trữ bằng đĩa CD-Rom và trong máy vi tính bằng phần mềm chuyên dụng nên rất thuận tiện cho công tác trưng bày giới thiệu và phục vụ nghiên cứu khoa học.

Theo Báo Ninh Thuận

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh