THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:40

Kỳ thú giếng cổ Gio An

Đây không chỉ là những công trình dẫn thủy, cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất cho người dân từ hàng trăm năm trước, đến nay vẫn được sử dụng, mà đây còn là một loại hình di tích văn hóa rất đặc biệt ở nước ta cần được nghiên cứu, khai thác và bảo vệ. Tại sao giếng cổ Gio An không vơi cạn nguồn nước? Kỹ thuật đào giếng của người xưa như thế nào mà hàng ngàn năm vẫn dùng tốt? Ai là chủ nhân của những  khuôn giếng này?

Các giếng cổ này đều nằm ở chân sườn các quả đồi đất đỏ bazan  lớn, được tạo thành nhờ kỹ thuật lắp ghép, kè đá để khai thác các mạch nước ngầm trong lòng đồi. Nước giếng rất trong và mát lạnh. Đây là nguồn nước sạch tinh khiết để ăn, rồi dẫn nước vào các ruộng trồng loại rau xà lách soong nổi tiếng đặc sản Quảng Trị. Chúng tôi quan sát, giếng cổ chia thành 2  dạng: Một dạng giếng có bể lắng và máng dẫn ở thôn An Nha như giếng Kình, giếng Trạng, giếng Đào...

Đây là những công trình liên hoàn rất quy mô, đòi hỏi sự tính toán kỹ thuật rất cao, và chế tác đá rất công phu. Mỗi hệ thống giếng có ba bậc. Bậc cao nhất là bãi hứng nước, bãi này rất rộng, có nơi hàng trăm mét vuông, xếp bằng đá cuội lớn (đá “mồ côi”)  rất cứng để chống “nước chảy đá mòn”. Bãi hứng này tập trung hứng nhiều mạch nước ngầm  trong đất chảy ra cùng một lúc. Từ bãi hứng này, nước chảy qua các máng bằng đá. Các máng này hình trụ bổ dọc, nằm nghiêng,  được đẽo từ đá tổ ong màu đen. Dân làng kể rằng, ngày xưa, để làm một cái “vòi” nước bằng đá như thế, 10 trai tráng lực lưỡng  làng An Nha đã phải ghè, đẽo,  mài một hòn đá lớn hàng năm trời mới được. Từ các máng, nước chảy xuống bậc thứ hai, gọi là bể chứa hay là giếng. Giếng này sâu hơn 1 mét,  mặt giếng  khoảng 15 - 20 m2, xếp bằng đá cuội lớn. Tiếp theo bể chứa là mương dẫn nước vào các ruộng bên dưới. Dạng thứ hai là những giếng được xây dựng ít công phu hơn, chỉ là những bể chứa (giếng) được đào sâu và xếp bằng “đá mồ côi” ngay cửa mạch nước trong sườn đồi trực tiếp chảy ra, làm cho giếng luôn đầy và mát lạnh. Từ giếng này, nước có  lối thoát phía dưới, chảy xuống các ruộng rau xà lách soong phía dưới. Đó là các giếng Ông, giếng Bà, giếng Gai, giếng Dưới ...ở thôn Hảo Sơn. Bà con cho biết ở các xã Gio Bình, Gio Sơn cũng có những giếng cổ như ở Gio An.

Tác giả của các  giếng cổ này  chắc chắn phải là những người rất hiểu biết và thông thạo về mạch đất, đã tích lũy được những kinh nghiệm từ một vùng nào đó về đây áp dụng (?) Và họ đã lao động trong một thời gian không ngắn để tạo ra những hệ thống giếng rất hoàn hảo về kỹ thuật, rất phù hợp với phương thức canh tác ruộng bậc thang ở vùng đất đồi Gio An này. Vì từ ngàn đời nay, dù thời tiết khô hạn đến đâu, hệ thống giếng cổ Gio An vẫn không bao giờ cạn nước, vẫn trong xanh và mát lạnh. Vậy ai là chủ nhân những chiếc giếng cổ độc đáo có một không hai ở nước ta này?  Có nhà khoa học cho rằng, hệ thống giếng Gio An này được tạo ra vào thời kỳ cuối của thời đại đồ đá mới, nghĩa là đã 5.000 năm tuổi! Có nhà khoa học  lại cho rằng, người Việt  không biết làm những loại giếng như thế này. Mà người Việt đến cư trú tại đất này chỉ từ thế kỷ XI. Còn trước đó, đây là đất của người Chăm, và phải chăng những công trình giếng cổ Gio An này là do người Chăm xây dựng nên? Có nhiều người lại nghiên cứu phương thức thủy lợi của người Chăm ở Phan Rang, và họ cho rằng, cách sử dụng thế đất và cơ cấu mạch đất để xây nên các giếng nước, các bệ đất, các máng chảy theo lối xây khô, rất khác với cách thức của người Chăm! Vậy ai là chủ nhân thực sự của hệ thống các giếng cổ Gio An? Nữ học giả Pháp M. Colani thì cho rằng, loại giếng này nguồn gốc từ Nam Dương. Hoặc do người dân Do Linh đã di cư đến Nam Dương sau đó trở về quê, mang theo kỹ thuật về. Hoặc là người Nam Dương đã trôi dạt đến và định cư ở đây và xây dựng hệ thống giếng này theo kinh nghiệm của xứ mình. Tất cả đều là giả thuyết, mà chưa có câu khẳng định, nhưng rất gợi trí tưởng tượng của mỗi người.

Giếng cổ  Gio An là những công trình thủy lợi cổ quý giá hiện được nhân dân sử dụng. Dù chưa nghiên cứu được ai là tác giả, nhưng  nhờ những quảng bá đó mà hệ thống giếng cổ Gio An ngày càng nổi tiếng. Nhiều du khách nước ngoài đi du lịch tour DMZ đã đến các làng Gio An tham quan hệ thống  giếng cổ. Đúng là hấp dẫn thật. Vì từ lịch sử tới hiện tại, hệ thống giếng cổ Gio An bao giờ cũng gợi nên nhiều khám phá thú vị cho du khách. Tôi vụm hai tay vục lên ngụm nước từ giếng Bà, giếng Ông, cái mát lạnh của cổ sơ thức dậy  nhiều suy nghĩ. Tại sao chúng ta không tổ chức tour du lịch giếng cổ? Du khách đến Gio An, dừng lại nơi đây để xem  và nghe những câu chuyện cổ về chuyện làm giếng, lại  được tắm nguồn giếng cổ để cảm nhận  hương vị  “nước siêu sạch” này. Đó là một tour du lịch rất dị biệt và hấp dẫn. Sau khi tham quan các giếng cổ, du khách sẽ được tắm bằng hệ thống nước giếng cổ dẫn ra các bể tắm hiện đại, nhất định du khách sẽ vô cùng thích thú. Vâng,  giếng cổ Gio An - một di sản văn hóa và khoa học cần được khai thác, giới thiệu!

NGÔ MINH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh