THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:18

Đề xuất hơn 7.500 tỉ đồng hỗ trợ nhà ở cho người có công giai đoạn 2

 

Số lượng người có công có nhu cầu hỗ trợ nhà ở tăng 4,6 lần

Theo báo cáo của Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà, Nghị quyết 494 năm 2013 của Quốc hội quy định, có 12 nhóm đối tượng người có công với cách mạng đang ở nhà tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng cần phải phá dỡ để xây mới hoặc đang ở nhà tạm phải sửa khung, tường và thay mới mái nhà ở.

Số lượng hỗ trợ là khoảng 71.000 hộ (49.000 hộ xây dựng mới và hơn 21.000 hộ sửa chữa, cải tạo). Theo đề nghị thêm của các địa phương, tổng số hộ được hỗ trợ trong giai đoạn 1 được nâng lên thành 80.000 hộ. Đến khi triển khai Quyết định 22 của Chính phủ, đến tháng 7/2014, theo kê khai của các địa phương, số lượng lên tới trên 300.000 hộ, tăng gấp 4,6 lần so với số lượng dự kiến năm 2012!

Theo báo cáo của các địa phương, tính đến hết tháng 9/2016, trong tổng số 80.000 hộ thì có 75.600 hộ đã hoàn thành việc hỗ trợ, còn 4.400 hộ đang triển khai thực hiện (dự kiến hoàn thành trong năm 2016).

Trên thực tế, một số địa phương đã triển khai thực hiện vượt 15.270 hộ so với dự kiến ban đầu. Nguyên nhân tăng chủ yếu là do một số địa phương đã tạm ứng kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương, điều chỉnh giảm số hộ được xây mới để tăng số hộ được sửa chữa, cải tạo hoặc ngược lại; một số hộ gia đình đã tự huy động kinh phí để xây dựng, sửa chữa nhà ở…

Tổng kinh phí đã cấp để để thực hiện hỗ trợ cho 80.000 hộ là 2.758 tỉ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 2.516 tỉ đồng, ngân sách địa phương là 242 tỉ đồng. Kinh phí thực hiện xây dựng và cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với 15.270 hộ (tăng thêm so với ban đầu) các địa phương chưa xác định được.

 

Việc triển khai công tác hỗ trợ nhà ở cho NCC gặp khó khăn do những bất cập trong việc xác định đối tượng hỗ trợ

Trong giai đoạn 2, Bộ Xây dựng cho biết, tính đến hết tháng 9/2016 thì số hộ cần hỗ trợ là 291.128 hộ. Trong đó, xây dựng mới là 11.989 hộ, cải tạo, sửa chữa là 175.139 hộ. Như vậy, so với số liệu tháng 8/2016 đã tăng thêm 8.280 hộ, trong đó xây dựng mới là 5.113 hộ; cải tạo, sửa chữa là 3.067 hộ.

Để thực hiện hỗ trợ giai đoạn 2, Bô Xây dựng đã phối hợp với Bộ Kế hoạch đầu tư thống nhất về phương án bố trí nguồn vốn cấp từ ngân sách Trung ương như báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2121, phương án đề xuất ngân sách trung ương hỗ trợ 7.300 tỉ đồng theo số liệu báo cáo tháng 8/2016. Tuy nhiên, do việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng theo QĐ 22 không thuộc diện được bố trí vốn đầu tư công trung hạn theo Nghị quyết số 1023 ủa Ủy Ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 40 của Thủ tướng Chính phủ nên đến nay ngân sách Trung ương vẫn chưa bố trí được.

Do đó, tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đề nghị Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 để thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở đối với người có công với cách mạng với tổng số tiền là 7.540 tỉ đồng. Trong đó, bao gồm 7.300 tỉ đồng cho số hộ được tổng hợp đến tháng 8/2016; 240 tỉ đồng cho số hộ phát sinh thêm từ tháng 8.2016 đến tháng 9/2016.

Cần làm rõ trách nhiệm của Bộ Xây dựng

Theo danh sách các địa phương đã báo cáo đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2012 thì số hộ cần hỗ trợ về nhà ở là khoảng 71.000 hộ nhưng sau khi triển khai theo hướng dẫn của Chính phủ thì số lượng hiện nay lên đến khoảng 360.000 hộ. Sự chênh lệch quá lớn đã gây khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách. Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cho rằng, rõ ràng chúng ta đã không thực hiện được mục tiêu này khi Chính phủ, địa phương đã thực hiện nghiêm túc các quyết định, tuy nhiên mới đạt được ¼. Đến nay cần làm rõ trách nhiệm của Bộ Xây dựng khi tính toán số lượng vượt lên đã tính tới khả năng cân đối ngân sách.

Đại biểu Nguyễn Khắc Phương (Quảng Bình) cho rằng, chính sách hỗ trợ cho người có công triển khai chậm, nhiều nơi còn có nhiều đơn thư khiếu nại kéo dài. “Vậy trách nhiệm Bộ như thế nào? và sắp tới có giải pháp gì?. Sau 4 năm thực hiện vẫn còn trên 4.000 nhà nhưng thiên tai, bão lũ nhiều nhà lại tiếp tục xuống cấp về nhà ở thì thời gian tới khắc phục như thế nào?”.

 

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Huỳnh Văn Tí phát biểu tại phiên giải trình

Ông Huỳnh Văn Tí, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH  cho biết, các tỉnh sau khi phê duyệt danh sách đối tượng thì gửi về Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chứ không gửi cho Bộ LĐ-TB&XH. Bộ LĐ-TB&XH là nơi quản lý đối tượng người có công nhưng không được xác định đối tượng, trong khi đó Bộ Xây dựng lại là nơi xác định tình trạng nhà.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong cũng nhấn mạnh  “Việc phát sinh phải rút kinh nghiệm. Bộ LĐ-TB&XH được giao nhiệm vụ rà soát lại trong khi người có công do Bộ quản lý. Bây giờ Bộ LĐ-TB&XH phải đi xin số liệu của Bộ Xây dựng thì làm sao mà chặt chẽ được? Bộ Xây dựng cứ tính theo nhà dột nát, trong khi ở nhiều nơi nhà thủng mang chậu ra hứng nước rồi nói nhà dột nát để được hỗ trợ. Từ đó khiến danh sách tràn lan, khiến phát sinh thêm kinh phí. Bây giờ ai cũng đòi nên không đủ nguồn lực để thực hiện, làm cào bằng về chính sách người có công rằng ai cũng được thụ hưởng chính sách”

Trước chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận: “Trách nhiệm của Bộ là đã tổ chức triển khai nhưng công tác kiểm tra chưa thường xuyên chặt chẽ nên chưa kịp điều chỉnh một số vấn đề địa phương làm chưa đúng. Giao cho các địa phương gửi số liệu gửi cho Bộ Xây dựng. Khi thấy lệch về số liệu thì mới giao cho Bộ LĐ-TB&XH  thẩm định lại, kiểm tra đôn đốc chưa thường xuyên kịp thời, cách hiểu của địa phương cũng khác nhau, chưa được uốn nắn kịp thời”…

THÁI AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh