THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:10

Dạy con giữ chữ tín

Khi cha mẹ là người thất hứa

Chia sẻ trong chương trình truyền hình “Điều con muốn nói”, bé Gia Hân khá bức xúc: “Mẹ con hay hứa nhưng lúc nào cũng thất hứa. Mẹ hứa buổi chiều đó đi ăn lẩu, nhưng tới chiều thì tùy tâm trạng, mẹ giận là không đi”.

Cô bé cho rằng, mẹ không bận rộn, chỉ là do mẹ “cộc tánh”. Gia Hân thẳng thắn nói: “Tụi con làm gì sai một chút là mẹ rất bực mình. Mỗi lần mẹ hứa điều gì đều kèm theo một câu “tùy theo tâm trạng”. Điều đó khiến con khó chịu và không tin vào lời hứa của mẹ nữa”.

Chị Thu Hồng, mẹ bé Gia Hân giải thích, ông xã chị làm bên truyền thông, đi công tác suốt, có khi cả tuần, cả tháng. Một mình chị phải chăm sóc bố mẹ chồng và hai con.

Hàng ngày, chị lo chuyện nhà cửa, bếp núc, việc ăn học của hai con rất vất vả. Nhiều khi thấy con không được đi chơi, chị rất thương nên hứa dẫn con đi siêu thị, uống trà sữa, ăn lẩu, nhưng rồi hôm đó lại xảy ra nhiều chuyện khiến chị bực mình nên không còn hứng thú đi nữa.

Những lý do khiến chị hay thất hứa với con thường là công việc nhiều, con cái không lo học hành, mê chơi game... Việc thất hứa với con, chị Thu Hồng thừa nhận là có lặp đi lặp lại nhiều lần. Chính bản thân chị cũng không kiềm chế được cảm xúc, tâm trạng của mình.

Câu chuyện của chị Thu Hồng và bé Gia Hân có lẽ nghe rất quen, dường như có bóng dáng của chính mình ở trong đó.

Hầu hết phụ huynh đều ít nhiều có vài lần thậm chí cả trăm lần không giữ lời hứa với con trẻ. Chúng ta luôn có lý do để biện minh cho hành động này, lúc thì do bận, lúc thì do mệt, có lúc lại do tâm trạng không vui hoặc có khi lại do hết tiền, trời mưa, do kẹt xe...

Chỉ tội cho những đứa trẻ, chúng luôn thần tượng cha mẹ và nghĩ rằng những điều cha mẹ nói thì nhất định sẽ thực hiện. Bị cha mẹ bội tín lần đầu tiên, trẻ sẽ cảm thấy vô cùng thất vọng. Nhưng nếu liên tiếp bị cha mẹ bội tín, dần dà trẻ sẽ mất niềm tin và không còn tin vào bất cứ điều gì bạn nói. Và một khi đến cha mẹ còn không thể tin được thì liệu trẻ có thể tin tưởng ai ngoài xã hội?

460386

Làm thế nào để giữ chữ tín với trẻ?

Không hứa với con khi bạn không chắc chắn có thể thực hiện. Còn nếu đã hứa với trẻ thì cần cố gắng sắp xếp thời gian và công việc để thực hiện lời hứa ấy. Trong trường hợp bất khả thi, hãy chia sẻ thành thật với trẻ lý do bạn không thể thực hiện được điều đã hứa tại thời điểm này và cam kết sẽ thực hiện lời hứa với con ở một thời điểm phù hợp hơn. Hãy xin lỗi con khi bạn không thể thực hiện được lời hứa của mình thay vì đổ lỗi cho hoàn cảnh hay đổ lỗi cho trẻ. Việc bạn đổ lỗi cho trẻ về việc mình không thể giữ lời hứa sẽ chỉ càng khiến trẻ cảm thấy thất vọng hơn về cha mẹ.

Nếu như người lớn “nói được làm được” thì cũng đồng nghĩa với việc đang trao cho con một bài học, đó là có trách nhiệm với lời nói của mình. Ảnh minh họa

Nếu như người lớn “nói được làm được” thì cũng đồng nghĩa với việc đang trao cho con một bài học, đó là có trách nhiệm với lời nói của mình. Ảnh minh họa

Tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân cho biết: “Trong giáo dục gia đình, giữ lời hứa cũng là một bài học dành cho con. Nếu như người lớn “nói được làm được” thì cũng đồng nghĩa với việc đang trao cho con một bài học, đó là có trách nhiệm với lời nói của mình”.

Theo Tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân, cha mẹ cần tách bạch sự vật và cảm xúc. Những cảm xúc tiêu cực từ bên ngoài thì không đem vào trong nhà để không ảnh hưởng đến cách trò chuyện với con. “Quản lý cảm xúc là một quá trình dài lâu nhưng nếu kiên trì tập luyện thì sẽ được. Ngoài ra, giữ cam kết rất quan trọng, nó sẽ mang đến kết quả tốt đẹp trong mọi mối quan hệ, nhất là quan hệ gia đình”, vị Tiến sĩ khẳng định.

Để dạy con giữ chữ tín trong cuộc sống, điều đầu tiên cha mẹ phải làm gương cho con, hãy cố gắng giữ lời hứa với con để tránh việc con trẻ thất vọng, bắt chước theo hành động của người lớn.

Các chuyên gia tâm lý học cho biết, việc giữ chữ tín là một trong những nền tảng để xây dựng nên nhân cách tốt cho một đứa trẻ. Đứa trẻ sẽ trở nên trung thực hơn, mối quan hệ của trẻ với gia đình, bạn bè cũng trở nên tin tưởng và gắn kết hơn. Điều này cũng sẽ khiến các em sống có trách nhiệm hơn và tự tin hơn trong quá trình phát triển. Để dạy con giữ chữ tín, cha mẹ không nên tùy tiện nói đùa, nói dối, hứa cho vui miệng.

Khi thấy con xuất hiện hành vi thất hứa, cha mẹ phải kịp thời giáo dục và uốn nắn con, nói cho con biết tầm quan trọng của việc nói thật và giữ chữ tín với mọi người.

Hãy kể cho con bạn nghe những câu chuyện ngụ ngôn về việc giữ chữ tín để con tự rút ra bài học kinh nghiệm. Phân tích những ích lợi nếu con trọng chữ tín: Con sẽ được mọi người tôn trọng, tin cậy và yêu mến. Con có thể dễ dàng hợp tác, làm việc chung với mọi người. Còn nếu không giữ chữ tín, con sẽ không được mọi người coi trọng, không ai muốn làm việc cùng con, cũng không ai tin lời con nói, thậm chí, con có thể bị cô lập, ghét bỏ.

Nếu muốn trở thành một người tử tế thì một trong những điều con cần học, đó chính là giữ chữ tín.

BÌNH YÊN

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh