CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:17

Cần tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho trẻ em

Phong trào đổi đã có nhiều đổi mới để thu hút thiếu nhi tham gia

Theo Báo cáo đánh giá sơ kết giữa nhiệm kỳ công tác Đội và phong trào thiếu nhi giai đoạn 2018-2023, công tác Đội và phong trào thiếu nhi thời gian qua đã có bước phát triển mới, phù hợp với xu hướng phát triển của thiếu nhi và xã hội. Nhiều đơn vị đã có sự chủ động, cụ thể hóa thành các phong trào, phần việc cụ thể với nhiều cách làm sáng tạo, bước đầu tạo được chuyển biến tích cực trong các cơ sở Đội, thu hút đông đảo thiếu nhi tham gia.

Cần tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho trẻ em - Ảnh 1.

Nhiều phong trào, hoạt động của Đội thu hút đông đảo thiếu nhi tham gia.

Điểm mới trong công tác chỉ đạo từ đầu nhiệm kỳ là thiết kế nhóm các chương trình, phong trào, kế hoạch lớn xoay quanh "5 điều Bác Hồ dạy", tạo chuyển biến trong tổng thể chung từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh. Cùng với đó, nhiều chủ trương, việc cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 – 2022 được các cấp Đội thực hiện quyết liệt từ đầu nhiệm kỳ đã tạo nên sự chuyển biến tích cực cho công tác Đội và phong trào thiếu nhi.

Phong trào "Thiếu nhi Việt Nam thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy" được các liên đội tập trung triển khai với nhiều nội dung phong phú, hình thức sáng tạo. Các cấp bộ Đoàn, Đội có sự chủ động hơn trong vận động nguồn lực, đồng hành chăm lo cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn.

Với vai trò là tổ chức đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tổ chức được nhiều hoạt động bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng, được cộng đồng, xã hội ghi nhận... Công tác xây dựng Đội đã được chú trọng, mô hình Liên đội 3 tốt được triển khai tại nhiều đơn vị. Việc phát triển và nâng cao chất lượng đội viên được các cấp bộ Đoàn, Đội được quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện.

Trước tình trạng bạo lực học đường, xâm hại trẻ em đang diễn biến phức tạp, các cấp bộ Đoàn đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, nói chuyện chuyên đề, trang bị kiến thức phòng, chống xâm hại trẻ em cho đội ngũ giáo viên làm tổng phụ trách Đội, cán bộ phụ trách thiếu nhi và thiếu nhi; lồng ghép các chuyên đề về phòng chống xâm hại trong các hoạt động Hè như: các trại Hè kỹ năng, hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt Hè trên địa bàn dân cư.

Thời gian qua, các cấp bộ Đoàn cũng đã phối hợp với ngành LĐ-TB&XH các cấp nắm bắt, kịp thời lên tiếng trước các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em; tiếp tục đẩy mạnh phong trào "Hãy lên tiếng" nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về phòng, chống xâm hại trẻ em. Điển hình như mô hình "Hội đồng trẻ em" giai đoạn 2017 - 2020 được triển khai thí điểm hiệu quả.

Sau gần ba năm triển khai, từ 5 mô hình thí điểm ban đầu tại các tỉnh, thành phố: Yên Bái, Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Định, Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay mô hình này đã phát triển được 14 mô hình Hội đồng trẻ em cấp tỉnh, 11 mô hình Hội đồng trẻ em cấp huyện…

6 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 160 vụ đuối nước

Qua bản dự thảo tổng hợp, báo cáo về tình hình trẻ em 6 tháng đầu năm 2020 từ 53/63 tỉnh, thành phố cho thấy tình trạng đuối nước, tai nạn, thương tích và xâm hại trẻ em còn diễn biến phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm 2020, Hội đồng Đội T.Ư nhận được 289 báo cáo của các tỉnh, thành đoàn phản ánh về các vụ việc liên quan đến trẻ em, trong đó, có 160 vụ đuối nước, 52 vụ tai nạn thương tích, 77 vụ xâm hại trẻ em.

Trẻ em cũng kiến nghị nhiều đề xuất, nguyện vọng liên quan đến học tập, bảo vệ, chăm sóc và vui chơi, giải trí. Về học tập, do tỉnh hình dịch bệnh COVID -19 đang diễn biến phức tạp, thời gian nghỉ học kéo dài, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng học tập. Vì vậy, các em mong muốn các cấp, ngành tổ chức các khóa học trực tuyến miễn phí học tập tại nhà. Bên cạnh đó, nhiều em mong muốn được giảm tải việc học, nhất là học thêm để các em có thêm thời gian được vui chơi, giải trí. Các em cũng đề xuất các cấp, ngành hỗ trợ học phí cho các em có hoàn cảnh khó khăn, kinh tế không ổn định, bố mẹ phải đi làm ăn xa, học sinh người dân tộc thiểu số để các em có cơ hội được đến trường.

Ông Nguyễn Thứ Mười, Hiệu trưởng trường Đội Lê Duẩn cho rằng, năm học 2019-2020 ghi nhận sự nỗ lực, sáng tạo rất lớn của Hội đồng Đội T.Ư. Đây là năm học đặc biệt, vì tình hình dịch bệnh COVID -19 diễn biến phức tạp nhưng Hội đồng Đội đã thiết kế, tổ chức được nhiều sân chơi hấp dẫn, thiết thực thu hút hàng triệu học sinh từ khắp mọi miền Tổ quốc tham gia. Tiêu biểu như cuộc thi: Bác Hồ với thiếu nhi – Thiếu nhi với Bác Hồ.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em cho rằng, cần tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho trẻ em trong phòng chống xâm hại, tai nạn, thương tích… Bên cạnh đó, trang bị kiến thức, kỹ năng về công dân số, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Theo ông Nam đây là vấn đề rất quan trọng trong thời đại công nghệ, internet lên ngôi. "Để công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho trẻ em đạt hiệu quả, cần tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo 5 điều Bác Hồ dạy. Các em cần được tạo điều kiện để thực hành quyền trẻ em, bổn phận của trẻ em đã quy định rất rõ trong Luật trẻ em", ông Nam nhấn mạnh.

K.VÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh