THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:06

Sáng 5/6: Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung lần đầu lên “ghế nóng”

 

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội từ 10h35 phút sáng 5/6

 

Theo chương trình chi tiết các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, diễn ra trong 3 ngày từ 4- 6/6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ trực tiếp điều hành các phiên chất vấn và dành 10 phút phát biểu kết thúc phần chất vấn đối với mỗi vị bộ trưởng. 

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và 4 Bộ trưởng: Lao động -Thương binh và Xã hội, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục & Đào tạo sẽ đăng đàn trả lời chất vấn.

Cụ thể, sáng thứ 2 (4/6), sau khi Quốc hội nghe Trưởng ban Dân nguyện của UBTVQH Nguyễn Thanh Hải trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể sẽ là Bộ trưởng đầu tiên lên “ghế nóng”, trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội – sáng từ 08h25 đến 11h30 buổi sáng, và từ 14h- 15h chiều cùng ngày. 

Bộ trưởng Thể trả lời về giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong cả nước, nhất là tại các thành phố lớn. Giải pháp xử lý những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT).

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng, KH&ĐT, Tài chính, Công an; Thống đốc NHNN Việt Nam; Tổng TTCP và các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan (nếu có).

Từ 15h10- 17h00 chiều cùng ngày, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 2: công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo. Tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp. Các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại các vùng, địa phương, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà là người trả lời nhóm vấn đề này. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Công an; Tổng TTCP... xuất hiện trong danh sách "chia lửa". 

Sáng hôm sau, thứ 3 (5/6) thời gian được dành tiếp cho Bộ trưởng Hà từ 8h đến 10h25.

Từ 10h35 đến 11h30: Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. 

Nhóm vấn đề dành cho Bộ trưởng Đào Ngọc Dung là thực trạng thị trường lao động ở nước ta hiện nay, vấn đề giải quyết việc làm trong nước và đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Các giải pháp nâng cao chất lượng dạy nghề; dạy nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và theo nhu cầu xã hội. Công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em; giải pháp khắc phục tình trạng bạo hành và xâm hại trẻ em.

Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao, Công an cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Phiên chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp tục vào buổi chiều cùng ngày đến 16h50. 

Tư lệnh ngành cuối cùng đăng đàn là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ vào sáng ngày 6/6. Chiều cùng ngày, từ 14h25 là thời gian dành cho Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thay mặt Chính phủ báo cáo làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Với 20 phút nghỉ giải lao và kết thúc vào lúc 16h45, Phó thủ tướng chỉ có hai giờ cả báo cáo và trực tiếp trả lời chất vấn, ít hơn tất cả các thành viên Chính phủ trước đó.

Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi làm Phó thủ tướng ông Huệ là "nhân vật chính" của "ghế nóng", những kỳ trước ông ở vị trí "chia lửa".

 

Tại phiên chất vấn này, nhiều đại biểu Quốc hội đều mong muốn các thành viên Chính phủ và Quốc hội làm rõ, đưa ra giải pháp cho những vấn đề mà người dân quan tâm.

Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho rằng, chất vấn trong phiên họp toàn thể của Quốc hội là hình thức giám sát tối cao. Cùng với sự hỗ trợ của truyền thông, phiên chất vấn sẽ tác động rất mạnh mẽ đến người dân. Người dân không chỉ theo dõi những việc làm của Chính phủ mà còn cả năng lực của Quốc hội, đại biểu Quốc hội thông qua cách đặt câu hỏi, trao đổi và tranh luận.

Những vấn đề xã hội, đời sống dân sinh rất đa dạng, phong phú đều được người dân quan tâm và mong muốn Quốc hội làm rõ như: an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường, lao động việc làm… Khi các thành viên Chính phủ và Quốc hội làm rõ những vấn đề mà người dân quan tâm, lo lắng chính là nâng cao trách nhiệm đối với lợi ích của nhân dân.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) bày tỏ, phiên chất vấn nào cũng “nóng” nhưng phải làm sao để các đại biểu Quốc hội cùng với Chính phủ quan tâm đến những vấn đề mà người dân đề xuất, góp ý trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.

Mong muốn trong phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội mạnh dạn nói lên được những vấn đề mà cử tri đang quan tâm, bức xúc với một tinh thần thẳng thắn, không né tránh. Với các Bộ trưởng, tư lệnh ngành khi trả lời chất vấn cần trả lời trực tiếp vào những câu hỏi mà cử tri mong muốn nhất. Đó là ý kiến của đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội).

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh