Thí điểm 10 trường kết nối với 15 tập đoàn, đào tạo theo yêu cầu 150.000 nhân lực
- Tây Y
- 19:29 - 05/06/2018
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung lần đầu lên "ghế nóng", trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội.
10h35 phút sáng nay 5/6, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Là thành viên Chính phủ thứ 3 đăng đàn, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung có gần 4 tiếng trả lời chất vấn của ĐBQH về các vấn đề ngành LĐ-TB&XH. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn.
Ngay từ đầu phiên chát vấn, đã có 68 đại biểu đã đăng ký chất vấn người đứng đầu ngành lao động - thương binh và xã hội.
Đây là lần đầu tiên, tư lệnh ngành LĐ-TB&XH lên "ghế nóng", trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội. Chương trình được truyền hình trực tiếp.
Chọn 10 trường làm thí điểm kết nối với 15 tập đoàn
Bộ trưởng trả lời các nội dung: thực trạng thị trường lao động ở nước ta hiện nay, vấn đề giải quyết việc làm trong nước và đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Các giải pháp nâng cao chất lượng dạy nghề; dạy nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và theo nhu cầu xã hội. Công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em; giải pháp khắc phục tình trạng bạo hành và xâm hại trẻ em.
Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao, Công an cùng tham gia "chia lửa" về những vấn đề có liên quan.
Trước khi trả lời 3 đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung có 5 phút đầu tiên báo cáo về những vấn đề chung của ngành được dư luận quan tâm. Thay mặt ngành, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cho rằng phiên chất vấn là cơ hội để ngành báo cáo công việc của ngành cũng như là dịp để lắng nghe các ý kiến đóng góp của các cử tri, của các đại biểu Quốc hội để ngành làm tốt hơn trong thời gian tới.
"Lĩnh vực của ngành liên quan trực tiếp đến người dân, nếu làm đúng, thì góp phần nhỏ bé vào ổn định, phát triển xã hội, nếu xảy ra sai sót dù nhỏ, thì ảnh hưởng rất lớn đến đời sống an sinh", với tinh thần cầu thị, trách nhiệm cao, Bộ trưởng nói.
Đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh)
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh), đại biểu Trần Văn Mão, Nghệ An hỏi, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, cơ cấu ngành nghề đào tạo còn nhiều bất cập, hướng nghiệp, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường nên năng suất lao động thấp so nhiều nước, và khu vực. Bộ trưởng chọn năm 2018 là năm đột phá cho giáo dục nghề nghiệp, ông kỳ vọng kết quả đạt được như thế nào? Và cho biết giải pháp căn cơ?
Trả lời các vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng, chúng ta đánh giá chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, đây là nguyên nhân khiến năng suất lao động thấp. Chất lượng thấp thể hiện qua việc chưa theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong khi lực lượng lao động tại nông thôn đến cuối tháng 4/2018 chiếm tới 38,6% lực lượng lao động nhưng chỉ đóng góp 15,34% vào GDP.
“Cơ cấu đào tạo bất hợp lý, đại học, cao đẳng, trung cấp và sơ cấp. Chất lượng nguồn nhận lực chưa đáp ứng kỹ năng, các điều kiện đảm bảo lao động như môi trường làm việc, thu nhập, an toàn và mạng lưới an sinh. Vì vậy thời gian tới ưu tiên Giáo dục nghề nghiệp là đặc biệt quan trọng”, Bộ trưởng nói.
Đột phá về giáo dục nghề nghiệp là chủ trương cực kỳ quan trọng góp phần nâng cao chất lượng nguồn lực thời gian qua. “Có 3 chuyện phải quan tâm: quy hoạch lại toàn bộ mạng lưới, hai là chuyển mạnh sang tự chủ là động lực để phát triển; và 3 là chuyển hẳn sang hướng kết nối doanh nghiệp với nhà trường. Đây là chủ trương nhiều quốc gia thành công, đặc biệt những nước có giáo dục nghề nghiệp phát triển cao như Đức, Singapore, Nhật Bản…”, Bộ trưởng cho biết.
Liên quan đến nội dung năm 2018 sẽ là năm đột phá của lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng cho hay, đã chọn 10 trường làm thí điểm kết nối với 15 tập đoàn, đào tạo theo yêu cầu 150.000 nhân lực. “Tuy mới là khởi đầu nhưng đây là sự mở đầu rất quan trọng để tạo hướng đi mới”, Bộ trưởng khẳng định.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ đẩy mạnh sắp xếp lại các đơn vị đào tạo, sáp nhập các trung tâm cấp huyện, những trường nào không tuyển sinh được, không đáp ứng nhu cầu thì kiên quyết sắp xếp lại, thậm chí giải thể, theo tinh thần bảo đảm tinh gọn bộ máy, nhưng hoạt động có hiệu quả.
Đầy đủ khung pháp lý bảo vệ chăm sóc trẻ em
Liên quan đến lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc trẻ em, ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) chất vấn, tình trạng bạo hành, bạo lực, xâm hại với trẻ em ngày càng tăng phức tạp gây bức xúc cho xã hội. Hành lang pháp lý đã có những quy định pháp luật bảo vệ trẻ em, tuy nhiên, cử tri vẫn băn khoăn chưa đủ lực, đẩy lùi vấn nạn này, chế tài chưa đủ sức răn đe phòng ngừa có hiệu quả để bảo vệ trẻ em, phát triển toàn diện trong thời đại mới. Vậy với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng có suy nghĩ, giải pháp đồng bộ gì để giải quyết vấn nạn trên?
Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng)
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) thì quan tâm đến trẻ em miền núi, vùng sâu vùng xa, cần có những chủ trương, đề án để đảm bảo hơn nữa các phúc lợi cho đối tượng trể em, nhân rộng sự chung tay của toàn xã hội.
Trả lời các quan tâm này của các đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, mỗi năm trên thế giới có hơn 150 triệu trẻ em bị bạo hành. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương xâm hại trẻ em lớn nhất. Ở nước ta hàng năm nước ta có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo hành.
Về khung pháp lý, chúng ta hoàn toàn có đầy đủ như Luật Trẻ em. Sau khi tình trạng này gia tăng Thủ tướng có chỉ thị 18 quy định phân cấp từng ngành, từng địa phương… tiến hành nhiều giải pháp khác nhau như tuyên truyền vận động, ra đời đường dây nóng 111; xử lý nghiêm một số vụ việc. Đặc biệt, một số vụ việc có chỉ đạo của lãnh đạo Nhà nước, Bộ LĐ-TB-XH trực tiếp đôn đốc xử lý.
Thời gian gần đây cho thấy xuất hiện một số tính chất phức tạp hơn. Cả xã hội lên án hành vi này. Tới đây sẽ rà soát lại hệ thống pháp luật một lần nữa, cụ thể hơn trách nhiệm của các ngành, tăng cường sự phối hợp hiệp đồng đề cao giữa gia đình và trường học trong công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Liên quan đến trẻ em vùng sâu vùng xa, Bộ trưởng nhìn thẳng vấn đề, cho rằng trẻ em nơi đây rất thiệt thòi, do điều kiện sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo miền núi cao… Tuy gần đây có nhiều chính sách dành cho miền núi, và với trẻ em nơi đây, nhưng tỷ lệ thụ hưởng , mức thụ hưởng còn hạn chế. Bộ trưởng thẳng thắn thừa nhận, trong đó, trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước, mặc dù cố gắng phối hợp với Uỷ ban Dân tộc nhưng kết quả chưa như mong muốn. Thời gian tới, sẽ đẩy mạnh hơn.
Phiên chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp tục vào buổi chiều cùng ngày đến 16h50. Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa tin về phiên chất vấn này trong các bài viết sau.